Chủ tịch Quốc hội: Chương trình giáo dục gì mà thực nghiệm tới… 40 năm?

(Dân trí) - “Mổ xẻ” chuyện thời sự về sách Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại đang "gây bão" dư luận những ngày qua, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tỏ ra bất ngờ về phương pháp dạy tiếng Việt đã được thực nghiệm giảng dạy suốt… 40 năm qua.


Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: Có chuyện độc quyền trong việc bán sách tiếng Việt Công nghệ giáo dục?.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: "Có chuyện độc quyền trong việc bán sách tiếng Việt Công nghệ giáo dục?".

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về luật Giáo dục (sửa đổi) sáng 12/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn, mỗi trường, mỗi địa phương có quyền lựa chọn bộ sách giáo khoa (SGK) riêng trong giảng dạy, học tập nghĩa là bố mẹ, gia đình có muốn chủ động chọn mua sách cho con cũng không được?

“Thời kỳ tôi và các anh chị ở đây đi học, 10 năm học phổ thông sách vẫn thế, vẫn học được, anh học xong sách có thể chuyển cho em, sách mang từ Hà Nội lên vùng cao hoặc ngược lại đều học được. Sao giờ lại thay đổi vậy? Chuyện này sẽ là sự tốn kém rất lớn cho xã hội mà học sách còn không chính thống nữa. Cần phải tính tác động của chính sách, các gia đình rồi cả xã hội phải bỏ ra là bao nhiêu chứ không chỉ là phần ngân sách để lo làm sách” - ông Hiển nói.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần hết sức cân nhắc quy định “một chương trình nhiều bộ SGK”, đặc biệt là đối với cấp tiểu học. Cử tri rất bức xúc với tình trạng SGK chỉ sử dụng được một lần. Cử tri nói rằng SGK dùng một lần là rất lãng phí.

Bà Hải dẫn các con số, doanh thu của NXB Giáo dục năm 2017 là 1.200 tỷ đồng, chiếm hơn 50% toàn ngành xuất bản. NXB đưa ra 100 triệu bản SGK, phụ huynh phải chi hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm để mua SGK mà chỉ để dùng một năm, năm sau bán đồng nát. Học sinh sử dụng sách chỉ một lần vì SGK có kèm bài tập trong đó còn sách thì năm sau tái bản, nội dung kiến thức vẫn như vậy, chỉ in lại phần bài tập.

“Tới đây áp dụng “một chương trình nhiều bộ SGK” thì vấn đề này sẽ như thế nào? Cử tri gọi điện, viết thư cho chúng tôi, rất bức xúc” - bà Hải bày tỏ.

Cũng liên quan đến việc lựa chọn SGK để học, Trưởng ban Dân nguyện đề cập chuyện thời sự về sách tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục hiện nay. Bà Hải băn khoăn, khi thực nghiệm đã thành đại trà thì sẽ thế nào? Trích dẫn điều 100 luật Giáo dục hiện hành nêu nguyên lý công bố về chủ trương giáo dục với mỗi cấp, bậc học, bà Hải băn khoăn, việc Hà Tĩnh đã sử dụng 100% sách Công nghệ giáo dục thì rõ ràng là việc thực nghiệm đã thành đại trà, sao xã hội vẫn bất ngờ, không biết?

Bà Hải nhận định: “Việc này liên quan tới cách thức đánh vần bằng tam giác, ô vuông, dù chỉ là một phương pháp nhưng cũng rất nhiều người nói các bài thơ, văn ở đó có quan điểm giáo dục khác lạ. Mà lạ là chiều qua, từ 17h-19h tôi đi tìm khắp các hiệu sách khu vực Ba Đình, trên đường Lý Thường Kiệt để mua sách này nhưng không được. Vậy nếu phụ huynh muốn học cùng con thì mua sách ở đâu hay đây là sách bán độc quyền sách theo chương trình dạy?”.

Nữ đại biểu thông tin, phụ huynh của một trường ở địa phương lựa chọn sách Công nghệ giáo dục này đã từng gửi kiến nghị để con em mình không học chương trình này. Vậy việc công khai thông tin, phổ biến chủ trương thế nào, mỗi gia đình có được hỏi là muốn tham gia chương trình thực nghiệm này hay không?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Giờ tôi thấy thương bọn trẻ con quá, sao học hành khổ sở quá vậy?.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: "Giờ tôi thấy thương bọn trẻ con quá, sao học hành khổ sở quá vậy?".

Ủng hộ hướng đặt vấn đề đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan điểm, không thể có kiểu làm SGKtự chọn như vậy được. Giờ Quảng Nam đã có sách riêng thì không lẽ có hệ thống giáo dục riêng cho Quảng Nam? Như vậy không được.

“Thực nghiệm thì mấy chục năm rồi, chắc từ hồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam học phổ thông, Công nghệ giáo dục này đã được thực nghiệm rồi. Thực nghiệm gì mà mấy chục năm như vậy” - Chủ tịch Quốc hội bình luận.

Bà cũng bày tỏ: “Giờ tôi thấy thương bọn trẻ con quá, sao học hành khổ sở quá vậy. Chúng tôi ngày xưa đi học đâu đến mức vậy mà từ tên núi, tên sông, tên cao nguyên, thể hiện trên bản đồ sẽ ở đoạn nào giờ vẫn không thể quên được, lịch sử các trận đánh, các triều đại từ Lý, Trần, Tiền Lê đến giờ cũng vẫn nhớ nguyên. Còn giờ hỏi bọn trẻ những thứ đó hầu hết đều không biết. Tôi có người bạn là giáo viên, xem sách của cháu nội tôi học mà bảo rất khó, khác hẳn thời xưa mình học. Sao không để cho học sinh được học hành một cách dễ dàng. Chúng ta làm khổ con em quá”.

Nhấn mạnh là bản thân bức xúc, nhất định phải lên tiếng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, không thể có kiểu làm SGK mà mỗi trường một kiểu sách, một kiểu học. Như thế, theo ông Tỵ, có khả năng làm phát sinh tiêu cực lớn mà chương trình giáo dục sẽ không tổng thể, không toàn diện. Ông Tỵ quả quyết, nhất thiết phải thống nhất một loại SGK.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhận xét, giáo dục hiện đang gây áp lực quá lớn cho trẻ nhỏ, cho gia đình. Cần nghiên cứu giảm tải ngay các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông, những môn học mang tính chất hàn lâm nên đưa ra khỏi chương trình.

“Tôi gặp nhiều học sinh nước ngoài, các cháu tự tin nói các cháu học ít nhưng hiểu biết nhiều, không như học sinh ở Việt Nam. Giáo dục của ta đang mang tính chất nhồi nhét kiến thức rất lớn, nhìn bọn trẻ học mà thương, tí tuổi đầu đã cận thị hết cả, không giảm tải thì rất gay mà tôi thấy là việc đó hoàn toàn có thể làm được” - ông Tỵ nhận định.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét, hoạt động của NXB Giáo dục, việc làm SGK vừa qua rõ ràng có vấn đề, cơ quan soạn thảo cần xem xét tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Luật này cần thiết phải làm cẩn trọng, qua 3 kỳ họp Quốc hội.

P. Thảo