Chủ tịch nước: Cần đổi mới chính sách đãi ngộ, chăm lo đội ngũ nhà giáo
(Dân trí) - Sáng 5/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023 tại trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước gửi tới các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ học sinh, nhân viên phục vụ trong ngành giáo dục, các em học sinh trong cả nước nói chung, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên nói riêng những tình cảm thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai
Chủ tịch nước chia sẻ, giáo dục là nền tảng cho sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của dân tộc, đất nước. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Giáo dục vừa là động lực, vừa là mục tiêu cho sự phát triển xã hội.
"Từ khi nước nhà giành được độc lập đến nay, Đảng, Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, coi đây là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, nhất là các thế hệ thầy giáo, cô giáo, đến nay, nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến tích cực, rất đáng mừng", Chủ tịch nước nói.
Theo đó, trách nhiệm từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện, mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo tiếp tục được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Vai trò, vị trí của các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học trong hệ thống dần được khẳng định. Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm được đề cao; chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện.
Hệ thống chương trình đã được đổi mới, chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh; phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực cũng được chú trọng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh, bảo đảm định hướng XHCN trong giáo dục đào tạo. Hợp tác quốc tế được tăng cường theo hướng chủ động, tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục cũng như yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ tịch nước nhắc lại, trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả lĩnh vực kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có giáo dục. Hoạt động dạy và học bị gián đoạn, nhiều trường lớp phải tổ chức dạy học trực tuyến, học sinh nhiều địa phương phải tạm dừng đến trường; ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ thầy cô, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.
Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, nỗ lực vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của năm học. Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững. Toàn ngành tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học và chuyển đổi số. Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thành công, an toàn và nghiêm túc.
Trên bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, các đoàn học sinh nước ta tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế luôn đạt được thành tích cao, góp phần khẳng định vị thế của nền giáo dục Việt Nam trên thế giới.
"Thành tựu chung đó có sự đóng góp tích cực của mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi em học sinh của từng trường học, từng cơ sở giáo đục đào tạo, từng cán bộ của đơn vị quản lý giáo dục; cũng như sự quan tâm chăm lo của các bậc phụ huynh, của mỗi gia đình, dòng họ, của toàn xã hội", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo cho đội ngũ nhà giáo
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, năm học mới 2022-2023 đã chính thức bắt đầu với tất cả thầy cô giáo, các em học sinh trong cả nước. Chủ tịch nước hoan nghênh ngành giáo dục đã xác định chủ đề năm học mới là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo" và đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để triển khai.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2022-2023, Chủ tịch nước đề nghị toàn ngành giáo dục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Trong đó, Bộ GD&ĐT cần tập trung chỉ đạo tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; phát triển con người toàn diện cả năng lực và phẩm chất; tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu mới về phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ của đất nước, thích ứng với cuộc CMCN lần thứ 4.
Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo năng lực quốc tế.
Hoàn thiện các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, phù hợp với tình hình đào tạo, sắp xếp lại hệ thống trường học. Phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền.
Ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, các đối tượng chính sách; bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng những thành quả tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để đẩy nhanh, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo đúng hướng, đầu tư cho giáo dục đào tạo chất lượng cao, trình độ cao; có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ GD&ĐT đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện bổ sung đủ biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022-2026. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến khu vực vùng sâu vùng xa, các thầy cô giáo còn gặp nhiều khó khăn.
Từ những thành công của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên và nhiều trường chuyên khác, Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ GD&ĐT và toàn ngành giáo dục quan tâm đổi mới mô hình trường chuyên lớp chọn cho phù hợp, hiệu quả hơn. Từ đó, ngày càng đào tạo được nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cũng như phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho tương lai đất nước.
Giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng
Tham dự lễ khai giảng tại trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch nước bày tỏ sự vui mừng trước truyền thống, những thành tích của thế hệ thầy và trò 5 khối chuyên trường ĐH Tổng hợp trước đây, nay là trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên.
Chủ tịch nước khẳng định, từ yêu cầu bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phát hiện nhân tài trong lĩnh vực khoa học cơ bản những năm 1960, đến nay, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên là ngôi trường giàu thành tích nhất cả nước về đào tạo học sinh giỏi, đang dần khẳng định vị thế trong những trường THPT danh tiếng của khu vực và trên thế giới với 224 huy chương trong các kỳ thi quốc tế. Nhiều học sinh của trường đã trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý hàng đầu của đất nước, nhà khoa học hàng đầu trong khu vực và quốc tế.
"Nhiều thành tích xuất sắc của các thế hệ học sinh nhà trường không chỉ mang lại niềm tự hào cho gia đình, nhà trường, đất nước mà còn khẳng định bản lĩnh,tài năng, trí tuệ của con người Việt Nam trên đấu trường quốc tế", Chủ tịch nước cho hay.
Năm 2022, THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với 7 HCV trong các kỳ thi Olympic quốc tế (cả nước có 10 HCV), gồm 2 HCV môn Toán học, 3 HCV môn Vật lý, 1 HCV môn Hóa học và 1 HCV môn Tin học.
Những thành tích xuất sắc của thầy và trò trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên đã được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta ghi nhận, được trao danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. "Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc của các thế hệ thầy và trò trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, nhất là trong thời gian qua", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng tâm sự, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên là ngôi trường rất đặc thù. Các thầy cô giáo vừa là người thắp lên ngọn lửa đam mê khám phá những đỉnh núi tri thức cho học sinh; vừa là những ông bố, bà mẹ vì nhiều em phải xa gia đình để đi học cấp 3, khi chưa đến tuổi trưởng thành. Bởi vậy, Chủ tịch nước mong muốn các thầy cô làm tốt sứ mệnh đặc biệt này.
Với các bậc phụ huynh, Chủ tịch nước bày tỏ sự thông cảm với những bộn bề trong cuộc sống hàng ngày, nhưng mong các phụ huynh hãy dành sự quan tâm đặc biệt cho con em mình. "Giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng. Các bác hãy cùng nhà trường và xã hội tạo nên những công dân trách nhiệm, sáng tạo, giỏi giang để Việt Nam đi lên mạnh mẽ trong thiên niên kỷ thứ 3 này", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Với các em học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên cũng như các em học sinh trong cả nước, Chủ tịch nước nhắn nhủ: "Hãy thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, nối tiếp các thế hệ cha anh, phấn đấu không ngừng học hỏi; tiếp thu tinh hoa, tri thức của nhân loại, bồi đắp trí tuệ, nhân cách, hoàn thiện bản thân.
Các em hãy tự khẳng định mình để mai sau lập thân lập nghiệp, cống hiến thật nhiều cho đất nước, để Việt Nam ngày càng vững bước tiến lên đài vinh quang, cùng sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hồ từng mong muốn".
Tại lễ khai giảng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tặng phần thưởng cho 8 em học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2022.
Đặc biệt, trao tặng phần thưởng cho em Nguyễn Hữu Nam Hoàng, đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 với tổ hợp 3 môn khối A1 là 28.95 điểm. Em Nguyễn Hữu Nam Hoàng là con của Liệt sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ Cứu nạn đã hy sinh vào ngày 13/10/2020 trong khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại khu vực nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế).