Đắk Lắk:
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trao 600 triệu đồng học bổng đến học sinh nghèo
(Dân trí) - Ngày 24/7, tại Sở GD-ĐT Đắk Lắk, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đã tham dự hội nghị giao ban công tác khuyến học các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ về công tác khuyến học 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018.
Tham dự hội nghị còn có bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk; đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học 9 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Cụm thi đua số 6 Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam gồm 9 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định với tổng số gần 1,5 triệu hội viên, 1.186 Hội Khuyến học cơ sở, 15.265 Chi hội Khuyến học và 5.223 ban Khuyến học.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được các tỉnh chú trọng, phát triển hiệu quả. Hội Khuyến học các tỉnh đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, đoàn thể nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đến nay, toàn cụm thi đua số 6 có 1.199 Trung tâm học tập cộng đồng/1.202 xã, phường, thị trấn; đã đăng ký xây dựng hơn 1,2 triệu gia đình học tập, 2.268 dòng họ học tập, 7.088 cộng đồng học tập và 6.785 đơn vị học tập.
GS. TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Công tác xây dựng Quỹ Khuyến học được triển khai hiệu quả với tổng nguồn quỹ trên 104,6 tỷ đồng. Công tác thu, chi, quản lý Quỹ Khuyến học được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo chính xác, công bằng và tiết kiệm.
Trong những tháng cuối năm 2018, toàn cụm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và công tác phát triển, nâng cao chất lượng hội viên. Các tỉnh chú trọng tuyên dương, nhân rộng các mô hình tiên tiến, điển hình giỏi trong thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài; củng cố và phát triển các ban khuyến học ở cơ sở, trường học.
Tổ chức khen thưởng định kỳ và đột xuất; xét và công nhận các danh hiệu “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “khu dân cư học tập”, “đơn vị học tập”…
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan đề nghị các cấp Hội Khuyến học trong Cụm thi đua số 6 cần tập trung phát triển phong trào học tập của người lớn trong các đơn vị hành chính, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp…; đánh giá, sơ kết 3 năm thực hiện việc xây dựng các mô hình học tập như “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “đơn vị học tập”; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc học tập.
Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao 600 triệu đồng học bổng đến học sinh nghèo, hiếu học.
Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng lãnh đạo, sự phát triển của nền kinh tế tri thức. Vì vậy, việc xây dựng đơn vị học tập, công dân học tập, xã hội học tập trong thời gian tới phải hướng tới trí tuệ nhân tài, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số này.
Bên cạnh đó, cần quan tâm, chú trọng đến các trung tâm học tập cộng đồng nhằm phát huy hiệu quả và việc học tập bền vững của các trung tâm; tham mưu cho lãnh đạo ở các địa phương quan tâm thực hiện chế độ chính sách cho người làm công tác khuyến học; tăng cường công tác phát triển hội viên, cũng như xây dựng các nguồn quỹ khuyến học…
Nhân dịp này, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã trao tặng học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó của 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Ninh Thuận với tổng giá trị 600 triệu đồng (mỗi tỉnh 100 triệu đồng).
Thúy Diễm