Chống lão hóa từ... phế phẩm - triển vọng mới từ công trình nghiên cứu của sinh viên
(Dân trí) - Có tác dụng hạn chế lão hóa mạnh mẽ nhờ khả năng chống oxy hóa mạnh gấp 500 lần Vitamin E và hạn chế hiệu quả quá trình lão hóa, astaxanthin được coi là một hợp chất sinh học quý. Mới đây, nhóm sinh viên Công nghệ thực phẩm trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tìm ra phương pháp chiết xuất hợp chất này từ phế phẩm đầu tôm, mở ra triển vọng mới trong việc khai thác astaxanthin.
Đây là công trình đạt giải Nhất giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Bộ năm 2018 vừa qua. Chủ nhân công trình là các sinh viên Nguyễn Đăng Khôi, Huỳnh Hoa Nhi, Hồ Thị Kim Thu, Nguyễn Ngọc Linh và Nguyễn Ngọc Thảo My; trong đó, trừ Hoa Nhi và Kim Thu học năm thứ 4, ba thành viên còn lại đều mới học năm 2 ngành Công nghệ thực phẩm HUTECH.
Tận dụng phế phẩm đầu tôm, hiệu quả kinh tế vượt trội
Với ngành nuôi tôm và chế biến thủy hải sản ở nước ta hiện nay, xử lý các phế phẩm sao cho hiệu quả - vừa tận dụng hết khả năng, vừa bảo vệ được môi trường - đang là một “bài toán khó”. Đó cũng là điểm khởi đầu cho nghiên cứu của nhóm sinh viên HUTECH. Trưởng nhóm Nguyễn Đăng Khôi chia sẻ: “Trong quá trình chế biến, phế phẩm đầu tôm thải ra rất nhiều và thường chỉ được dùng làm thức ăn gia súc. Nhưng trong thành phần của đầu tôm có nhiều protein, ngoài ra còn một thành phần khác có giá trị sinh học và giá trị kinh tế cao hơn nhiều là astaxanthin. Nghề nuôi tôm ở nước ta rất phát triển, nên nếu tận dụng được phế phẩm đầu tôm thu bột đạm thì sẽ có nguồn bột đạm giàu astaxanthin rất dồi dào, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường”.
Đăng Khôi cho biết, ý tưởng thu bột đạm từ phế phẩm đầu tôm không phải là mới nhưng phương pháp phổ biến hiện nay vẫn là dùng dầu (dầu thực vật, dầu hướng dương,...). Cách làm này khá tốn kém, đồng thời độ hòa tan thấp nên bột đạm thu được thường quá nhiều dầu, khó dùng cho người. Ngược lại, thủy phân với enzyme cho ra sản phẩm tốt hơn nhưng hiệu suất không cao.
Hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại của HUTECH là nơi nhóm bạn thử nghiệm, mày mò nghiên cứu đề tài.
Đây chính là thách thức lớn khiến nhóm sinh viên HUTECH phải mày mò tìm kiếm, thử nghiệm rất nhiều lần. Cuối cùng, sau thời gian mày mò nghiên cứu, các bạn phát hiện ra là bên cạnh enzyme protease thì kết hợp với lipase sẽ cho hiệu quả cao vượt trội: sản phẩm thu được nhiều hơn gần gấp ba lần so với dùng protease riêng lẻ. Ngoài ra, theo đánh giá cảm quan, bột đạm thu được từ phương pháp này có cấu trúc mịn hơi xốp, màu đỏ cam sáng, thơm mùi thịt tôm khi nấu chín và có vị ngọt nhẹ dễ chịu. Đây cũng là ưu điểm nổi bật giúp bột đạm thu được dễ dàng sử dụng cho con người.
Đa dạng ứng dụng từ những phòng thí nghiệm của sinh viên
Với giá trị dinh dưỡng cao và đánh giá cảm quan tích cực, sản phẩm bột đạm giàu astaxanthin của nhóm sinh viên HUTECH có thể sử dụng thường xuyên cho người với nhiều mục đích khác nhau: chống oxy hóa, chống gốc tự do, hạn chế tế bào ung thư phát triển, hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, xương khớp,... và đặc biệt là chống lão hóa da. Bên cạnh đó, loại bột đạm này có thể bổ sung trong thức ăn chăn nuôi cho cá hồi để thịt cá có màu cam đỏ đậm, trong chăn nuôi gia súc,... Chính giá trị ứng dụng đa dạng này đã giúp nghiên cứu của nhóm được đánh giá rất cao tại Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ năm nay và xứng đáng giành giải Nhất.
Được biết, Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ năm 2018 chú trọng các đề tài nghiên cứu đi sát với nhu cầu thực tế, giàu triển vọng ứng dụng vào của đời sống sản xuất. Để làm được điều đó, không chỉ ý thức và đam mê tìm tòi nghiên cứu của mỗi sinh viên, bản thân các trường đại học phải tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu, nghiêm túc đầu tư cho hệ thống trang thiết bị phục vụ nhu cầu nghiên cứu hiện đại. Kể về hành trình của nhóm mình, Đăng Khôi chia sẻ: “Thành công của đề tài đến bây giờ không thể quên giảng viên hướng dẫn (TS. Nguyễn Lệ Hà) và cũng như của Nhà trường trong việc định hướng, tạo điều kiện nghiên cứu cho sinh viên. Chương trình đào tạo theo hướng thực tiễn, hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại cho phép sinh viên tự do sử dụng để học tập ngoài giờ, tinh thần NCKH sôi nổi của các anh chị đi trước,... chính là môi trường để nhóm có thêm động lực theo đuổi đam mê nghiên cứu”.
Nhóm sinh viên cùng giảng viên hướng dẫn - TS. Nguyễn Lệ Hà - tại lễ trao giải.
Cùng với giải Nhất của nhóm Đăng Khôi, Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ năm nay cũng ghi dấu ấn đậm nét của sinh viên HUTECH với 3 giải Nhì, 2 giải Ba và 4 giải Khuyến khích, trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật, kinh doanh,... Thành quả này của một trường đại học đào tạo - nghiên cứu theo hướng ứng dụng đã phần nào cho thấy tầm quan trọng của giá trị thực tiễn trong giáo dục đại học hiện đại.