Chọn tổ hợp môn lớp 10 thế nào để không "việt vị" trong xét tuyển đại học
(Dân trí) - Việc chọn tổ hợp môn từ lớp 10 liên quan chặt chẽ tới kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học sau này của học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định các môn học bắt buộc và môn học tự chọn theo định hướng. Trong đó, 4 môn bắt buộc được đánh giá bằng điểm số là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và lịch sử.
Học sinh phải chọn thêm 4 trong số 11 môn tự chọn gồm: vật lý, hoá học, sinh học, tin học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ - định hướng công nghiệp, công nghệ - định hướng nông nghiệp, mỹ thuật và âm nhạc.
Tuy nhiên, trên thực tế, học sinh không có nhiều lựa chọn. Mỗi trường THPT sẽ xây dựng các nhóm tổ hợp nhất định và học sinh phải lựa chọn trên các nhóm tổ hợp đó.

Thí sinh thi lớp 10 tại Hà Nội năm 2025 (Ảnh: Thành Đông).
Năm học 2024-2025, trước những biến động của quy chế tuyển sinh đại học mới, nhiều trường đã thay đổi chủ trương xây dựng tổ hợp môn. Ngoài việc phải căn cứ vào nguồn lực, cơ sở vật chất, các trường tìm cách cân bằng giữa sở trường, thế mạnh của học sinh với yêu cầu của các trường đại học.
Lãnh đạo 1 trường THPT tại Hà Nội chia sẻ, bắt đầu từ năm học tới, các tổ hợp tự chọn ban xã hội của trường sẽ xây dựng theo quy tắc luôn phải có ít nhất 1 trong 4 môn tự nhiên là lý, hoá, sinh, tin.
“Việc nhiều trường đại học lớn bỏ xét tuyển khối C00 (văn, sử, địa) cho thấy không nên để các em học quá lệch xã hội khi bước vào lớp 10 nếu không muốn đánh mất cơ hội trước cánh cổng đại học.
Khi xã hội là thế mạnh, các em càng cần học những môn tự nhiên để nâng cao năng lực phân tích, logic”, vị hiệu trưởng nói.
Ông cũng khẳng định, thiết kế các tổ hợp quá lệch về xã hội cũng sẽ thiệt thòi cho học sinh trong tương lai.
“Thị trường lao động ngày nay đang có nhiều biến đổi, các công việc thuộc lĩnh vực xã hội ngày càng có xu hướng liên ngành. Nếu các em định theo đuổi một ngành nghề xã hội trong tương lai, các em không nên chỉ học văn, sử địa mà nên học thêm sinh học, tin học để có thêm kỹ năng và tri thức về con người”, thầy hiệu trưởng tư vấn.
Từ cơ sở này, ông đưa ra gợi ý những tổ hợp môn tự chọn phù hợp với định hướng xã hội và tương thích với xu hướng tuyển sinh mới như: địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh học, tin học; địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh học, mỹ thuật/âm nhạc; địa lý, sinh học, tin học, mỹ thuật/âm nhạc…
Thầy Nguyễn Đức Tùng, giáo viên dạy toán tại Hà Nội, đưa ra 2 bí quyết để chọn tổ hợp môn chính xác từ lớp 10.
Một là xác định những môn học mà học sinh đạt điểm cao nhất và có sự yêu thích nhất ở bậc THCS. Hai là xác định các nhóm ngành nghề yêu thích và phù hợp với mục tiêu, lợi thế của gia đình. Ba là tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học có đào tạo nhóm ngành nghề mục tiêu xem họ xét tuyển các tổ hợp khối nào.
“Ví dụ, nếu gia đình có truyền thống trong ngành y dược và định hướng cho con học y dược, hãy chọn tổ hợp lý, hoá, sinh, tin.
Nếu học sinh dự định theo đuổi nhóm ngành luật, kinh tế, hãy chọn tổ hợp có môn vật lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Nếu học sinh có ước mơ phát triển trong lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật, hãy chọn tổ hợp có tin học, vật lý”, thầy Tùng phân tích.
Theo thầy Tùng, điều quan trọng không kém việc chọn tổ hợp là học sinh cần học chắc, học đều các môn bắt buộc, đặc biệt là toán, văn. Bởi đó là hai môn gốc xuất hiện trong nhiều tổ hợp xét tuyển đại học nhất.