Gia Lai:

Chọn nghề phù hợp cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số để tránh bỏ học

(Dân trí) - Nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tìm được nghề phù hợp thông qua hình thức học nghề. Bài toán học sinh bỏ học, không việc làm gần như đã được tháo gỡ.

Những năm trước đây, công tác giáo dục ở các huyện miền núi ở trên địa bàn tỉnh Gia Lai gặp khó khăn vì số lượng học sinh bỏ học nhiều. Nguyên nhân là điều kiện giao thông đi lại xa nên số học sinh tốt nghiệp bậc học trung học cơ sở chỉ tính trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên, nhờ được các thầy cô tư vấn, hướng nghiệp, các em dần đã chọn cho mình hướng đi học nghề với mong muốn có công việc ổn định.

Dạy nghề cho học sinh vùng cao

Chính vì nhu cầu đó nên trong mùa tuyển sinh năm nay, Trường Cao đẳng Gia Lai đã có số lượng học sinh đăng ký tham gia học nghề gia tăng rõ rệt. Chỉ sau hơn 2 tháng tuyển sinh, nhà trường đã tuyển sinh được 1.213 học sinh, sinh viên (vượt 118,3% so với chỉ tiêu giao).

Theo đó, năm học 2020-2021, trường có quy mô đào tạo gần 6.000 học viên, sinh viên. Trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng là trên 2.000 chỉ tiêu. Hiện nay, trường Cao đẳng Gia Lai có 229 là viên chức và người lao động.

Chọn nghề phù hợp cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số để tránh bỏ học - 1

Rất nhiều học sinh đồng bào dân tộc thiểu theo học những nghề phù hợp với bản thân và song song học văn hóa.

Em Hoàng Thị Hoa (làng Me, xã Ia Pior, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) từ nhỏ đã rời xa buôn làng để đi học tại các trường nội trú trên địa bàn huyện. Em Hoa mong muốn có thể thoát cây lúa rẫy, cây mì để học được một nghề mang lại thu nhập cao và thay đổi cuộc sống.

Với những thôi thúc đó đã giúp em học đến lớp 9, vì điều kiện gia đình khó khăn nên một vài năm sau em đã nộp đơn xin tuyển sinh vào trường CĐ Gia Lai hệ Trung cấp để học nghề may.

Hoa tâm sự: "Bằng tuổi em thì mấy bạn ở làng đã lập gia đình và nối tiếp nghề nông cùng gia đình. Suốt ngày làm nông nghiệp lạc hậu khiến cái đói nghèo cứ bám dai dẳng. Chính vì vậy, em đã nộp đơn tuyển sinh vào trường nghề để vừa học bổ túc văn hóa và học thêm nghề may".

Chọn nghề phù hợp cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số để tránh bỏ học - 2
Khi kết thúc khóa học, các em đều được tuyển vào các doanh nghiệp hoặc về tự mở cho mình một cửa tiệm trên địa bàn vùng sâu, vùng sa.

Bên cạnh đó, do nhu cầu về lao động phổ thông, có tay nghề đang thiếu trầm trọng ở vùng nông thôn nên nhiều em đã đăng kí vào trường nghề nhằm mục đích vừa học phổ thông và học nghề, đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Em học sinh Ksor Hùng (huyện Ia Grai, Gia Lai) tâm sự: "Sau khi học xong lớp 9 thì em đã nghỉ học một thời gian đi làm rẫy. Tuy nhiên, em đã chủ động xin gia đình nộp đơn vào trường CĐ Gia Lai để học nghề sửa chữa ô tô và tiếp tục học văn hóa để lấy bằng THPT. Em mong muốn có thể theo đuổi ước mơ để mở cho mình một gara sửa chữa ô tô bằng chính năng lực của mình.".

Chọn nghề phù hợp cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số để tránh bỏ học - 3

Trường Cao đẳng Gia Lai đào tạo những nghề nghiệp mà hiện nay đang là mũi nhọn của tỉnh Gia Lai.

Thầy Huỳnh Ngọc Thuận - Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường CĐ Gia Lai cho biết: "Khóa học nghề cho các học sinh trung cấp có thời gian khoảng 18-36 tháng. Đa số trong lớp đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên lúc giảng dạy chúng tôi luôn chú ý đến hình thức "cầm tay, chỉ việc", tạo nhiều cơ hội cho các em được thực hành trên nền lý thuyết cơ bản. Nhìn chung các em tiếp xúc còn chậm nên chúng tôi cũng rất vất vả trong quá trình truyền thụ. Tuy nhiên, sau những khó thực tập, chúng tôi thấy các em đã chắc tay nghề và sẵn sàng cho những công việc trong tương lai".

Thầy Phạm Văn Điều - Hiệu trưởng Trường CĐ Gia Lai cho biết: "Sau khi sáp nhập, trường không ngừng nâng cao năng lực về chất lượng đội ngũ, năng lực quản trị hệ thống, cơ sở vật chất và thiết bị. Triển khai nghiên cứu khoa học công nghệ theo hướng ứng dụng; chú trọng bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và phát triển kỹ năng cho người học. Đồng thời, thường xuyên kết nối với các doanh nghiệp, cơ quan, khách sạn, bệnh viện… cho sinh viên vào thực tập để lấy kinh nghiệm cho bản thân.".

Chọn nghề phù hợp cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số để tránh bỏ học - 4
Tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm đều rất cao.

"Đa số các em trong trường là học sinh đồng bào nên việc học chủ yếu là thực hành nhiều. Bên cạnh đó, nhà trường còn đào tạo song song giữa văn hóa và dạy nghề nên khi học sinh hoàn thành khóa học thường chưa đủ 18 tuổi nên phải mất khoảng thời gian chờ đợi. Hiện nay, nhà trường đã có 16 ngành để giúp cho học sinh, sinh viên chọn lựa phù hợp năng lực của bản thân".

Theo thống kê của trường Cao đẳng Gia Lai, tỷ lệ các em học sinh, sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định luôn đạt hơn 95%.

Năm học 2018 - 2019 có 339 sinh viên ra trường thì có gần 300 sinh viên được tuyển vào các doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn. Các nghề có lượng sinh viên có  việc làm đông thường là điện, công nghệ thông tin, kế toán, may mặc…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm