Chọn đúng nguyện vọng vào đại học

(Dân trí) - Những ngày này, các bậc phụ huynh và học sinh lớp 12 đang phấp phỏng chờ đợi công bố điểm chuẩn vào các trường Đại học và tất bật với công cuộc “cân đo” để chọn trường đăng kí nguyện vọng cho các sĩ tử “vượt vũ môn”. Trên các trang tin tức, các trường liên tục đưa ra thông tin tuyển sinh hấp dẫn, vì thế xem ra việc lựa chọn cho được một môi trường học tập “đúng nguyện vọng” cũng không hẳn dễ dàng trước mật độ thông tin đan xen dày đặc.

Thừa thông tin - lựa chọn tưởng dễ mà khó

Lựa chọn đúng “nguyện vọng” - một điều tưởng chừng như đơn giản mà không hề vậy. Vấn đề hiện nay với các vị phụ huynh và các em học sinh xoay quanh sự lựa chọn. Việc có quá nhiều lựa chọn càng làm cho việc đưa ra quyết định trở nên không hề dễ dàng. Nguyễn Hoài Thu, học sinh một trường cấp 3 có tiếng ở Hà nội ngập ngừng: “Em và các bạn đã “cày” khắp các trang mạng, tham gia các diễn đàn để tìm kiếm thông tin về các trường cũng như các chương trình đào tạo, bản thân em cũng đã tham gia nhiều buổi giới thiệu thông tin nhưng quả thật càng đọc, càng nghe em càng thấy “loạn” bởi không biết phải lựa chọn thế nào cho đúng, cho phù hợp với mình”.

Với Lê Thành Nam, một học sinh có thành tích học tập xuất sắc trong suốt 3 năm trung học phổ thông, những tưởng con đường vào đại học chẳng có gì phải bàn cãi. Vậy nhưng thực tế là đến thời điểm cận kề phải đưa ra quyết định, những tranh luận giữa Nam và bố mẹ vẫn chưa có hồi kết khi bố mẹ một mực bắt Nam theo học ngành Luật để nối nghiệp bố, còn Nam lại ước mơ xây dựng doanh nghiệp của riêng mình.

TS Đồng Xuân Đảm, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, nơi quản lý và thực hiện chương trình Cử nhân Quốc tế tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (IBD@NEU), cho biết: “Trong mỗi kỳ tuyển sinh, chúng tôi đã tiếp hàng trăm lượt phụ huynh, học sinh và đa số đều đang hết sức băn khoăn không biết nên lựa chọn ngành nghề nào cho con đường học vấn tiếp theo.”

Chọn đúng nguyện vọng vào đại học - 1

Thiếu định hướng - mọi bài toán đều trở nên khó giải

Những bài toán chưa có lời giải, những băn khoăn, khập khiễng trong định hướng của gia đình dường như bó hẹp năng lực và ước mơ của các bạn trẻ Việt Nam. Thực tế này hoàn toàn khác với học sinh trung học phổ thông ở nước ngoài, khi các em được tiếp cận rất sớm với những lựa chọn nghề nghiệp, được tìm hiểu để biết bản thân mình có năng lực gì, sở trường ra sao và biết định nghĩa đam mê của mình. Quả thật, việc định hướng nghề nghiệp ở nước ta mới chỉ bắt đầu vào những năm gần đây, và mới chỉ ở một mức độ khái quát. Lựa chọn vào đại học đang sử dụng một hệ tham chiếu mang tính tương đối là “lực học - điểm”, mà quên mất những yếu tố quan trọng là đam mê - sở thích - trải nghiệm. Để rồi khi các em sau một chặng đường dài chạy nước rút, cán đích và bỗng chốc “về hưu trong suy nghĩ”, hụt hẫng rất nhanh khi không biết bước tiếp theo phải làm gì. Thiết nghĩ những câu hỏi “Tôi thực sự thích làm gì? Tôi muốn là ai? Tôi sẽ trở thành người như thế nào?” nên được đặt ra cho các bạn học sinh càng sớm càng tốt.

Chọn đúng nguyện vọng vào đại học - 2

Câu trả lời từ phía các nhà tuyển dụng

Dành thời gian lên các trang tuyển dụng của những công ty và tập đoàn lớn như Unilever, Honda, Samsung, Vietcombank, KPMG, Vingroup… và tìm một vài mô tả công việc của họ, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy nhà tuyển dụng thực sự cần những nhân viên có ngoại ngữ, có kỹ năng, hơn hết họ cần một thái độ tích cực và sự đam mê. Và chính nhà tuyển dụng sẽ là người quan trọng giúp các em và các gia đình trả lời câu hỏi “học đại học ở đâu?”.

Các em mong muốn được làm việc cho những nhà tuyển dụng nào, hay trở thành ai trong số họ? Yêu cầu của họ là gì? Khi đó, việc các em cần làm là tìm kiếm và lựa chọn cho mình một môi trường học tập phù hợp để tích lũy được cho bản thân mình những tiêu chí cần có nói trên. Bốn năm đại học sẽ là cánh cửa rộng để bước tới những cơ hội nghề nghiệp khi sinh viên có điều kiện được rèn luyện ngoại ngữ liên tục để trở thành kỹ năng thành thục; được chú trọng đào tạo kỹ năng và thái độ làm việc tích cực, và hơn cả là được truyền cảm hứng, niềm yêu thích về nghề nghiệp mà các em mong muốn theo đuổi.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc TransViet Travel, một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam, vừa được mời làm huấn luyện viên cho đội tuyển sinh viên IBD@NEU (Chương trình Cử nhân Quốc tế tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khi dự thi vòng Chung kết cuộc thi Takeoff Accor 2019. Chia sẻ sau khi nhận được tin đội tuyển vượt qua 510 đội đến từ nhiều quốc gia, và giành ngôi Vô địch thế giới, ông cho biết: “Chiến thắng này còn có ý nghĩa hơn nhiều cuộc thi khác bởi nó sẽ truyền cảm hứng và sự tự hào để dạy thật, học thật, phát huy tính chuyên nghiệp, sáng tạo, áp dụng thực tiễn của nhân lực cho ngành du lịch”.

Có thể nói học tập không phải là một quá trình chỉ dừng lại khi hết 12 năm học phổ thông. Trái lại, “sự học” của các em ở ngưỡng cửa đại học chính là xuất phát điểm cho những nấc thang mới hướng đến sự phát triển sự nghiệp lâu dài. Việc tự nhận thức lại bản thân, tìm kiếm các thông tin từ những ngành nghề thực tiễn mình muốn theo đuổi và kiên định với mục tiêu lựa chọn sẽ là nền tảng căn bản giúp các em xác định hướng đi và tối ưu hóa những giá trị thu nhận được trong những năm đại học sắp tới.

Chọn đúng nguyện vọng vào đại học - 3

Thông tin tham khảo về Chương trình Cử nhân Quốc tế tại trường ĐH KTQD:

Viện Đào tạo Quốc tế

Phòng 305, Tầng 3, Nhà A1, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 207 Giải Phóng, Hà nội

Hotline: 0912 099 706

Email: info.ibd@isneu.org; Website: www.isme.neu.edu.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm