Cho em được gọi cô bằng Mẹ

(Dân trí)- “Thế gian đẹp nhất mặt trời, tuổi thơ đẹp nhất quãng đời học sinh”. Có lẽ đúng là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người chính là thời tung tăng cắp sách đến trường, tràn ngập niềm vui trong vòng tay bè bạn và sự chở che, yêu thương của thầy cô giáo.

Với tôi, một cậu học trò trầm tính, nhút nhát chỉ thật sự tìm thấy những điều hạnh phúc bình dị nhưng ý nghĩa ấy vào những năm tháng cuối cùng của thời áo trắng. Tôi đã bắt đầu và kéo dài những tháng ngày đến trường bằng sự trầm lặng, rụt rè. Tôi ít nói, không thích kết bạn và cũng chẳng bao giờ hòa đồng với tập thể. Tôi khép nép, rút mình trong cái vỏ bọc mà bây giờ khi nghĩ lại tôi thấy chán ghét về chính bản thân mình.  

Cứ tưởng cái bản tính đó sẽ không bao giờ thoát ra khỏi con người tôi và tôi sẽ mang nó đến hết cuộc hành trình làm người thì ánh sáng mở đường, ánh sáng của tình yêu thương đã thức tỉnh tôi dậy, mà đúng hơn nó làm thay đổi bản năng tiềm tàng vốn có của tôi. Người đã mang đến ánh sáng cuộc sống đó chính là cô giáo chủ nhiệm tôi năm lớp 12.
 
Cho em được gọi cô bằng Mẹ - 1
Những tình cảm yêu thương của cô giáo đã trở thành kỷ niệm khó quên trong lòng học trò. (Ảnh minh họa)

Mặc dù không có những phẩm chất thiết yếu của một cán bộ lớp cần có nhưng tôi vẫn nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của các thầy cô giáo chủ nhiệm và ba năm cấp 3, tôi là một trong những cán bộ lớp chủ chốt như thế, là cậu lớp phó học tập chỉ biết đến học và học. Cậu học trò được thầy cô nhớ đến bởi cái tính “hiền như ma xơ”. Và với cô giáo chủ nhiệm năm lớp 12 cũng vậy, trong suy nghĩ của cô trước khi đảm nhiệm công tác chủ nhiệm, cô đã được nhiều thầy cô khác cho biết về  một cán bộ “kì dị” của lớp. Cô dạy môn phụ nên cũng không có nhiều thời gian tiếp xúc với lớp, tình hình trong lớp đều thông qua những cán bộ cô đặt niềm tin và tôi là người thường xuyên ra về cùng lúc với lớp học ca chiều bắt đầu vào tiết. Những lúc như thế tôi được nghe rất nhiều những lời tâm tình của cô với cách nói chuyện pha chút niềm xúc động trào dâng trong từng câu nói. Cô khuyên nhủ, răn dạy cho tôi cách sống, cách làm người và bao giờ cô cũng đúc kết bằng câu châm ngôn “Đừng làm theo bản năng”. Tôi biết cô muốn tôi thay đổi, rũ bỏ đi cái bản năng vốn có của mình. Ngoài những bài giảng về kiến thức chuyên môn, dường như cô luôn có một sự cắt ngắt, đan xen vào đó những bài học về đạo lí làm người, những bài học đạo đức cho các cô cậu sắp sửa bước vào đời, đặc biệt cô hay nhắc khéo đến cậu học trò cô cho là “hiền chi mà hiền” của cô.

Cô đã dạy cho tôi làm thế nào để hòa đồng với lớp, cô cầm tay tôi khiêu vũ để hòa vào không khí múa hát của lớp chuẩn bị cho hội trại. Chỉ đơn giản vậy thôi, tưởng chừng như nhỏ nhặt lắm, vậy mà bấy lâu nay tôi không nhận ra. Cô dạy cho tôi cách xử sự khôn khéo. Bằng những lời nói tâm tình nhẹ nhàng, tâm huyết, cô có thể “biến” những học sinh cá biệt trở nên ngoan ngoãn; khiến những học trò cô từng tiếp xúc ngày càng khăng khít, yêu mến cô nhiều hơn. Cô luôn tìm hiểu, sẵn sàng giúp đỡ các học trò có hoàn cảnh khó khăn, mà có khi ngay cả bạn bè trong lớp cũng không hề biết đến. Cô đã cho tôi biết như thế nào là tâm huyết của một nhà giáo, đó là cảm xúc vỡ òa vui sướng khi lớp đạt được thành tích cao, là nỗi buồn pha thêm những giọt nước mắt mỗi khi lớp mình “chìm nghỉm” trên bảng xếp hạng toàn trường. Là những buổi sinh hoạt lớp cô luôn cố tạo cho lớp không khí của một gia đình bằng những lời ca tiếng hát, chia sẻ tâm tư tình cảm. Những lúc ấy cô như người thắp lên ngọn đuốc, thắp lên tình đoàn kết cho tập thể lớp, nơi có những đứa con cô nặng lòng yêu thương. Và còn nhiều, nhiều hơn nữa những gì tôi có thể kể hết về cô.

Bây giờ tôi đã xa, xa cái tập thể 12/8 yêu dấu, xa cô giáo thân thương một thời kỳ công “chuyển hóa” tính cách con người tôi, xa những bài học yêu thương, những lời tâm tình ngọt ngào, trìu mến. Nhưng những hành trang cô trang bị cho tôi giờ đây đang nâng bước cho tôi vào đời. Để bây giờ tôi có thể tự tin nói rằng, tôi của ngày hôm nay khác xa hoàn toàn so với tôi “hiền chi là hiền” mà ngày xưa cô hay nói. Tất cả bắt nguồn từ những bài học yêu thương của cô. Và từ sâu thẳm trong trái tim, con vẫn mong một ngày gọi cô giáo con yêu thương nhất một tiếng “Mẹ”.

Nguyễn Thanh Ba