Chỉnh sửa SGK: Đã thật sự cầu thị?

(Dân trí) - Chiều 11/9, Bộ GD-ĐT cho biết là đã chuyển toàn bộ phần đính chính SGK từ lớp 1 đến lớp 11 cho các Sở GD-ĐT để hướng dẫn cho học sinh sử dụng trong năm học 2008-2009. Tổng số lượng in là 111.000 tờ và được cung cấp miễn phí.

Chỉnh sửa về diễn đạt là chính (!?)

Tại cuộc họp báo chiều 11/9, ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết: Chưa bao giờ ngành giáo dục lại cầu thị như việc xin đóng góp về nội dung và chương trình SGK.

Bộ GD-ĐT đã nhận được ý kiến của hơn 20.000 trường THPT (chiếm hơn 50% tổng số trường phổ thông trong cả nước) và nhiều ý kiến của các tập thể các nhân của các nhà giáo, nhà khoa học ở Hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Ông Tần cũng cho hay, theo các ý kiến đóng góp thì có thể chia danh mục các điểm cần chỉnh sửa thành 4 loại đó là các lỗi sai, mà lỗi này rất ít; lỗi diễn đạt lại (chiếm phần lớn); cần phải cập nhật thông tin khoa học phù hợp với thực tế (như sửa 9 hành tinh thành 8 hành tinh, thay đổi tên một số địa danh thị xã thành thành phố, một số số liệu về kinh tế - xã hội) và lỗi ấn loát (chấm, phẩy, hai chấm, in đậm, nhạt, nghiêng).

Vì lỗi chỉnh sửa chỉ chủ yếu là thanh đổi lại cách diễn đạt nên ông Tần cho rằng không nên dùng từ đính chính, vì chỉ khi sai mới đính chính mà nên dùng là “chỉnh sửa” SGK

Lúc đầu dự kiến dùng 3 cuốn cho 3 cấp học, nhưng từ “cuốn” dù rất mỏng, đã thu hút sự chú ý của người học và dư luận, vì vậy, quyết định cuối cùng là in thành tờ rời, ông Tần giải thích.

“Quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là, sai thì phải sửa, nhưng lỗi thật cần thiết thì sửa và sau này tái bản sẽ chỉnh sửa tiếp”, ông Tần nhấn mạnh.

Đã thật sự cầu thị?

Cũng theo ông Tần thì trong lần này sẽ chỉnh sửa 129 lỗi. Trong đó, cấp tiểu học: 15 chỗ cần chỉnh sửa cho 5 lớp. Trong đó có một số lỗi, ở cuốn Lịch sử Địa lý lớp 4 sửa “tường thuật” thành “kể lại”; sách Kỹ thuật lớp 4: sửa “khâu đột” thành “khâu đột thưa”.

Cấp THCS: sửa 47 chỗ trong hơn 90 tên sách của toàn cấp, trong đó lớp 6 và lớp 7, mỗi lớp sửa 10 chỗ, lớp 8 sửa 16 chỗ và lớp 9 sửa 11 chỗ. Riêng sách Lịch sử lớp 7 sửa đúng một chữ, “cổ súy” thành “cổ xúy”.

Cấp THPT: lớp 10 có 20 tên sách sửa 35 chỗ và lớp 11 sửa 32 chỗ. Riêng sách lớp 12 vừa học, chưa có thông tin từ người dạy, người học thì cứ để tiếp tục và nếu sai sẽ sửa sau.

Trước việc SGK quá ít lỗi mà ông Tần nêu trên, một phóng viên tham dự họp báo đã không kìm nén được nỗi bức xúc khi đưa ra hàng loạt bất cập trong sách Lịch sử lớp 7 (theo báo cáo của ông Tần thì chỉ chỉnh sửa duy nhất từ “cổ súy” thành “cổ xúy”) tuy nhiên Bộ GD-ĐT không thể đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Ông Tần cho rằng: “Nếu bất kỳ người nào tâm huyết với ngành giáo dục thì đều có thể góp ý bằng văn bản hoặc qua email. Bộ GD-ĐT sẽ chuyển các ý kiến này đến Hội đồng thẩm định của từng môn học để nghiên cứu xem xét. Bộ GD-ĐT rất hoan nghênh những ý kiến đóng góp đó”.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là đối với SGK Lịch sử thì Bộ GD-ĐT vẫn chưa tham khảo ý kiến của các chuyên gia ở Hội Lịch Sử Việt Nam, trong khi đó Hội này đã từng có một cuộc hội thảo rầm rộ về việc đóng góp, mổ xẻ chương trình SGK Lịch sử phổ thông nhưng rốt cục cũng rơi vào quên lãng.

Cách đây không lâu, ngay tại chính diễn đàn của Bộ GD-ĐT, nơi có nhiệm vụ tiếp nhận đóng góp ý kiến về nội dung, chương trình sách giáo khoa đã có không ít ý kiến ca thán về những bất cập trong sách lịch sử lớp 7 như kiến thức quá nặng, thuật ngữ chưa phù hợp với lứa tuổi… nhưng có lẽ Bộ GD-ĐT vẫn chưa để mắt đến.

Bên cạnh đó,  theo thống kê mà ông Tần đưa ra thì hoàn toàn chưa đề cập đến vấn đề về thuật ngữ (nhất là trong môn Tin học), tính logic liên thông cho từng cấp học. Trong khi đó, Diễn đàn giáo dục đã từng có những cuộc tranh luận sôi nổ về những chủ đề này.

 

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm