Chiếc máy nông nghiệp đa năng của "kĩ sư chân đất" Bắc Kạn

(Dân trí) - Xuất phát từ tình yêu quê hương, nỗi trăn trở với sự vất vả của bà con nông dân, anh Nguyễn Văn Tuấn (Bắc Kạn) đã sáng chế ra chiếc máy nông nghiệp đa năng với nhiều chức năng phù hợp với điều kiện canh tác, địa hình của địa phương. Nhờ chiếc máy này, anh Tuấn nhận giải Khuyến tài giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1980 ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Anh lớn lên trong một gia đình làm nông nhiều đời, kinh tế chủ yếu dựa vào làm ruộng, trồng ngô và một số cây hoa màu khác.

“Do điều kiện phát triển kinh tế gia đình, sự yêu thích nghề nghiệp và sự đam mê của bản thân với các loại máy móc ngay từ khi còn là một đứa trẻ chăn trâu cho đến khi học phổ thông và sau khi học xong cấp 3, tôi đã không tham gia đi học chuyên nghiệp.

Một phần là vì kinh tế gia đình khó khăn một phần vì niềm đam mê nên tôi đã chọn con đường đi học nghề có thể tạo ra công ăn việc làm cho bản thân, giúp đỡ cho gia đình”, anh Tuấn chia sẻ về xuất phát điểm để anh có được thành công như hôm nay.

Năm 2002, anh Tuấn tham gia học nghề tại trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên thành phố Thái Nguyên. Sau khi học xong, anh trở về quê hương mở của hàng sửa chữa xe máy.

Anh Nguyễn Văn Tuấn trong xưởng chế tạo của mình
Anh Nguyễn Văn Tuấn trong xưởng chế tạo của mình

Trong quá vừa làm nghề vừa tham gia lao động sản xuất nông nghiệp, anh đã nhận thấy điều kiện phát triển kinh tế của gia đình cũng như điều kiện địa hình của địa phương chủ yếu là phát triển kinh nông nghiệp (lúa và ngô) được bà con trồng cấy trên những mảnh đất bậc thang nhỏ lẻ, rải rác trên những sườn dốc. Lao động thủ công trên địa hình không mấy thuận tiện khiến bà con vô cùng cực nhọc, mất nhiều công sức và thời gian lại cho năng xuất cây trồng không cao.

“Khi ấy tôi đã đặt ra cho mình câu hỏi "Giá như có những chiếc máy thay sức lao động của con người làm những việc con người làm trên đồng đất đó thì tốt biết mấy". Và từ đó tôi đã nghiền ngẫm tìm ra cho mình một lời đáp đó chính là mình phải nỗ lực tư duy nghiên cứu chế tạo ra cái máy để có thể phục vụ cho bà con, thay thế sức lao động cho con người, vì thế hệ tương lai sau này”, anh Tuấn kể lại.

Với mong muốn như vậy, anh Tuấn đã nghiên cứu, tìm tòi, cộng với sự hiểu biết về nguyên lí hoạt động của động cơ để chế tạo thành công ra chiếc máy cào cỏ, cuốc xới đất, đánh rãnh, vun ngô phù hợp với điều kiện địa hình cũng như quy mô canh tác của bà con nông dân vùng cao.

Ảnh cấu tạo chung của máy nông nghiệp đa năng do anh Tuấn sáng chế
Ảnh cấu tạo chung của máy nông nghiệp đa năng do anh Tuấn sáng chế

Tiện ích, chức năng, giá trị của máy nông nghiệp đa năng:

Máy có kích thước gọn nhẹ (30 kg), thiết kế hiện đại, đa năng, tiện lợi, thao tác đơn giản. Phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng, kể cả phụ nữ. Máy dễ di chuyển, điều khiển máy dễ dàng trên những điều kiện địa hình phức tạp như trên ruộng bậc thang, thửa ruộng thụt lún, an toàn cho người lao động.

Một máy kết hợp 8 chức năng với các hệ thống nông cụ: Hệ thống cào cỏ, cuốc xới đất (đất ruộng, đất bãi); Hệ thống làm phẳng mặt đất (đất ruộng, đất bãi); Hệ thống tự đánh rãnh, tra lân, tra ngô, vùi lấp đất; Hệ thống vun ngô; Hệ thống bơm phun áp lực cao; Hệ thống phát điện thắp sáng; Hệ thống thùng kéo; Hệ thống bơm nước tưới tiêu cho đồng ruộng và cây trồng.

Đầu tư một máy nông nghiệp đa năng, người nông dân có thể sử dụng vào hầu hết nhu cầu canh tác và sản xuất. Tiết kiệm chi phí đầu tư mua sắm máy móc. Máy được lắp đặt động cơ xăng hoặc dầu Diezen giật nổ cho nên dễ khởi động. Máy nông nghiệp đa năng sử dụng bền lâu, hầu như không hỏng hóc trục trặc trong 7 năm.

Giá thành: từ 7 triệu đồng đến 25 triệu đồng tùy theo số lượng chức năng mà người sử dụng cần đến.

Chiếc máy hoàn thành là một nguồn động viên lớn lao để anh Tuấn duy trì việc nghiên cứu, phát triển máy móc. Anh có mong muốn tột cùng đó là làm sao bản thân cũng như bà con nông dân có khả năng tiếp cận, sử dụng, làm chủ những chiếc máy công cụ gọn nhẹ, hiện đại và tiện lợi.

Một chiếc máy có nhiều tính năng, có nhiều hệ thống công cụ thao tác trên cùng một máy thuận tiện sử dụng trên mọi địa hình cũng như quy mô canh tác của hộ gia đình đồng thời chủ động cơ giới hóa trong ngành nông nghiệp nông thôn, tăng năng xuất lao động giảm chi phí đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc nông cụ, giảm bớt nhân công trong đồng ruộng, tiết kiệm được nhiều công sức, cải thiện môi trường cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Mới đây nhất, sản phẩm “Máy nông nghiệp đa năng" của anh Nguyễn Văn Tuấn đã đạt giải Khuyến tài của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 do báo Dân trí và VNPT phối hợp tổ chức.

Khi nhận được giải thưởng, anh Tuấn rất xúc động và cho biết anh đã trải qua rất nhiều khó khăn, đôi khi cả máu và nước mắt để làm ra sản phẩm này. Anh mong muốn giới thiệu sản phẩm của mình tới nhiều bà con ở các vùng miền.

Đồng thời anh Tuấn cũng mong các cấp, các ngành, địa phương quan tâm giúp đỡ để tôi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư mua sắm trang thiết bị để tạo ra nhiều sản phẩm tốt cả về số lượng lẫn chất lượng.

“Tôi đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến máy phục vụ sản xuất nông nghiệp dựa trên những kinh nghiệm thành công và thất bại cũng như những ưu và khuyết điểm của những chiếc máy mà tôi đã chế tạo ra trước đó. Từ đó, tôi tìm ra giải pháp và chế tạo thành công máy nông nghiệp đa năng với kích thước gọn nhẹ, thiết kế hiện đại, đa năng, tiện lợi hơn.

Một máy kết hợp nhiều tác dụng và được thao tác trên cùng một máy với nhiều hệ thống chức năng công cụ khác nhau tùy thuộc vào mục đích công việc và điều kiện địa hình canh tác của hộ gia đình”, anh Tuấn nói về việc phát triển sản phẩm Máy nông nghiệp đa năng trong tương lai.

Hệ thống tự đánh rãnh, tra ngô, tra lân, vùi lấp đất hoàn chỉnh
Hệ thống tự đánh rãnh, tra ngô, tra lân, vùi lấp đất hoàn chỉnh

Anh Tuấn đã cùng với 6 thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài xã, đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã Dịch vụ, sản xuất, chế tạo công cụ máy nông nghiệp Thành Ngân tại thôn Nà Tâng, Xã Cường Lợi, Huyện Na Rì, Tỉnh Bắc Kạn.

Trong nhóm thành lập, người trẻ tuổi nhất là Ngô Văn Ngọc đồng bào dân tộc Mông sinh năm 1997, Lê Thị Thùy sinh năm 1995 đồng bào dân tộc Nùng, còn 4 bạn nữa ở độ tuổi 8X đều là thanh niên đồng bào dân tộc Nùng, Tày.

Hợp tác xã đã tạo ra một môi trường kinh tế tập thể đoàn kết, tự nguyện, tự chủ, bình đẳng; tạo công ăn việc làm ổn định cho 7 thành viên trong HTX với thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng và tạo thêm một số việc làm cho lao động tại địa phương; ưu tiên giúp đỡ những khách hàng có điều kiện khó khăn bằng cách bán hàng trả góp không lãi suất...

Mai Châm

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm