Chỉ khoảng 40% giảng viên đủ chuẩn giảng dạy bằng tiếng Anh

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho rằng có nhiều khó khăn trong quá trình Việt Nam có thể quốc tế hoá giáo dục, trong đó tỷ lệ sinh viên Việt Nam giỏi tiếng Anh chỉ khoảng 20%, còn giảng viên thì khoảng 40% đủ chuẩn dạy bằng tiếng Anh.

Đó là những thông tin được GS.TS Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ tại hội thảo quốc tế hóa giáo dục “Vai trò của Chính phủ và các tổ chức giáo dục trong việc đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục”, do Trường ĐH Kinh tế TPHCM và Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục - Bộ GD-ĐT đồng tổ chức ngày 9/11.

Nhiều rào cản để quốc tế hoá giáo dục​

Hơn 50 chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đến từ Đức, Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản cùng thảo luận về các thách thức tồn tại trong quản lý giáo dục trong nước và quốc tế; các chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế và quốc tế hóa giáo dục trong thời đại mới.


GS.TS Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ tại hội thảo quốc tế hóa giáo dục “Vai trò của Chính phủ và các tổ chức giáo dục trong việc đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục”.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ tại hội thảo quốc tế hóa giáo dục “Vai trò của Chính phủ và các tổ chức giáo dục trong việc đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục”.

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, ngoài nỗ lực của các trường đại học thì về phía Chính phủ, Bộ, ban ngành phải có những chính sách thúc đẩy cho những hoạt động quốc tế hóa trở nên tốt hơn và theo thông lệ của thế giới. “Ví dụ, hiện nay tỷ lệ sinh viên quốc tế đến Việt Nam còn thấp, nên phải cần sự hỗ trợ về mặt thủ tục nhập cảnh, chính sách học bổng… cho họ thì mới nâng được tỷ lệ này. Thêm nữa, muốn khuyến khích sinh viên quốc tế đến Việt Nam học, thì chương trình đào tạo của Việt Nam phải được giảng dạy bằng tiếng Anh, phải được thế giới công nhận. Muốn được thế giới công nhận, chương trình phải được kiểm định khu vực và quốc tế. Thêm vào đó, giảng viên cũng phải dạy bằng tiếng Anh một cách lưu loát, ít nhất phải tốt nghiệp từ các quốc gia phát triển”.

GS Hoài cũng cho biết có những khó khăn đối với quốc tế hóa giáo dục ở chỗ năng lực tiếng Anh đầu vào vẫn chưa đủ sức để giao tiếp quốc tế một cách hiệu quả. “Xét trung bình, tỷ lệ sinh viên Việt Nam giỏi tiếng Anh chỉ khoảng 20%. Còn đối với giảng viên giỏi tiếng Anh, nếu chỉ tính trong trường ĐH Kinh tế TPHCM, khoảng 40% là đủ chuẩn, 60% phải nỗ lực học hỏi nhiều hơn nữa mới có thể đạt chuẩn, giao tiếp quốc tế và giảng dạy. Giao tiếp ở đây không phải là giao tiếp thông thường, mà là giao tiếp về mặt học thuật. Đó là hai điểm mà chúng ta cần phải cải thiện trong thời gian sắp tới”, ông Hoài nói.

Cần tạo môi trường rèn luyện tiếng Anh​

TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng phụ trách ĐH Việt - Đức cũng cho rằng, do ngoại ngữ không phải là ngôn ngữ chính của chúng ta, nhưng ngôn ngữ lại là yếu tố mang tính rào cản. Nếu những ai không có ngôn ngữ tốt, ngay cả sinh viên, giảng viên, sẽ rất khó bước vào cuộc chơi trong quá trình trao đổi học thuật quốc tế.

Các chuyên gia giáo dục đến từ nhiều nước cùng thảo luận về các thách thức tồn tại trong quản lý giáo dục trong nước và quốc tế
Các chuyên gia giáo dục đến từ nhiều nước cùng thảo luận về các thách thức tồn tại trong quản lý giáo dục trong nước và quốc tế

Theo ông, điều quan trọng nhất là chính bản thân sinh viên, nhà trường, từng giảng viên một phải nhận thức được vị trí của mình. "Mình phải đầu tư để có ngoại ngữ tốt. Ngoại ngữ tốt không những giúp chúng ta đơn thuần ở góc độ học thuật, là trao đổi mà còn giúp chúng ta tiếp cận tri thức mới nhanh hơn”, TS Viên nói.

Cũng theo ông Viên, để nâng cao năng lực ngoại ngữ của sinh viên, các trường cần tăng cường hàm lượng tài liệu và giờ giảng dạy bằng tiếng Anh nhiều hơn nữa. Tuy nhiên một thách thức đặt ra với các trường là trình độ tiếng Anh của giảng viên hiện nay không đồng đều nên cần phải tuyển chọn những giảng viên có năng lực giảng dạy bằng tiếng Anh.

Nhà trường cần đưa ra tiêu chuẩn chọn lựa giảng viên trong tương lai phải giỏi ngoại ngữ, đồng thời có quy định bắt buộc giảng viên phải có trình độ ngoại ngữ nhất định. Trình độ ngoại ngữ ở đây là năng lực thực sự chứ không phải yêu cầu về bằng cấp.

Giảng viên phải nhận thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ cần thiết cho nghề nghiệp của mình thế nào. Các thông tin khoa học mới nhất trên thế giới đều công bố bằng tiếng Anh. Vì vậy nếu giảng viên đại học mà năng lực ngoại ngữ kém sẽ khó làm tốt chuyên môn của mình.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho biết, dự án nghiên cứu khoa học cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT giao cho Trường ĐH Kinh tế TPHCM thực hiện gần 1 năm qua với nội dung là các giải pháp thúc đẩy quốc tế hóa hệ thống giáo dục Việt Nam, trong đó có giáo dục đại học. Mục tiêu của hội thảo ngày 9/11 là công bố các kết quả nghiên cứu chính của đề án, thứ hai là tập trung các học giả đến từ các quốc gia như Thái Lan, Đức, Úc, Mỹ… để cùng chia sẻ kinh nghiệm về các hoạt động quốc tế hóa lẫn nhau. Cộng với việc kết hợp kết quả nghiên cứu, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới. Với thông điệp: hệ thống đại học Việt Nam phải tạo ra nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; và hướng đến đào tạo sinh viên trở thành công dân khu vực cũng như toàn cầu.

Lê Phương