TPHCM:

Chỉ hơn 2 điểm/môn đã đỗ vào lớp 10?!

(Dân trí) - Ngay ở TPHCM, có không ít trường THPT có mức điểm chuẩn vào lớp 10 thấp đến nỗi không thể thấp hơn. Học sinh chỉ cần đạt mỗi môn thi ở mức 2 - 3 điểm đã đỗ.

Thông tin điểm chuẩn các trường THPT chuyên, trường điểm ở TPHCM luôn được nhiều người quan tâm, chú ý. Nào là điểm chuẩn vào Trường THTP chuyên Lê Hồng Phong ngất ngưởng. Nào là một số trường điểm như THPT Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Phú Nhuận… có điểm chuẩn chót vót, học sinh phải đạt điểm số cực cao mới mong có được một suất học ở đây.

Nhìn vào bảng thông báo điểm chuẩn vào lớp 10 của Sở GD-ĐT TPHCM, trái ngược với những trường “đỉnh” thì cũng “chạnh lòng” không kém với những trường “đáy” mà điểm chuẩn thấp đến mức không hình dung nổi.

Chỉ trên 2 - 3 điểm, học sinh đã đỗ vào lớp 10 của nhiều trường THPT ở TPHCM
Chỉ trên 2 - 3 điểm, học sinh đã đỗ vào lớp 10 của nhiều trường THPT ở TPHCM

Ở huyện Nhà Bè, Trường THPT Phước Kiển có điểm đầu vào là 13,5 cho cả nguyện vọng 1, 2 và 3; Trường THPT Long Thới khấm khá với mức điểm chuẩn là 15. Hai trường ở Cần Giờ là Cần Thạnh và Bình Khánh cùng chung điểm chuẩn là 13,25; ở Bình Chánh, 13,5 điểm đã đổ vào Trường THTP Đa Phước.

Ở Củ Chi, 13,25 điểm đã ung dung vào Trường THPT Trung Lập; 16 điểm đỗ vào Trường THPT An Nhơn Tây và Trường THPT Quang Trung cũng chỉ 17,25 điểm.

Đặc biệt, điểm vào lớp 10 được tính gồm tổng điểm 3 môn Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ, trong đó Toán, Ngữ văn tính hệ số 2. Như vậy tính ra có 5 môn thi, học sinh chỉ đạt trên 2 điểm đến 3 điểm đã đỗ vào một số trường TPHCM công lập. Nếu trường có điểm chuẩn là 13,5 thì học sinh chỉ cần đạt mỗi môn là 2,7 điểm. Đó là chưa kể, nhiều em còn được cộng điểm ưu tiên, điểm khuyến khích thì điểm số thực còn có thể thấp đến mức không thể thấp hơn nữa.

Cũng chính vì đầu vào lớp 10 của các trường quá thấp tạo lên áp lực rất lớn không chỉ cho thầy cô ở bậc TPHCM và cho chính các em học sinh. Còn nhớ, cách đây 2 năm, ở Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Hóc Môn) gây “chấn động” khi phần lớn học sinh khối 10 của một số lớp có kết quả học tập yếu, kém. Thậm chí, có những lớp 100% học sinh có lực học yếu, kém, không “bòn” nổi một học sinh đạt mức trung bình.

Mà nguyên nhân chính là đầu vào các em quá thấp, nhà trường dù đã rất cố gắng nhưng không dễ dàng để “vực” các em dậy trong khoảng thời gian ngắn.

Tuy nhiên, theo một hiệu trưởng của một trường thấp điểm, nếu các trường dám đánh giá đúng, không làm mọi cách để “vớt vát” các em thì việc phần lớn học sinh kết quả học tập yếu, kém là chuyện… bình thường. Bởi thầy cô ở bậc THPT cũng không có phép thần thông để có thể “hô biến” các em có học lực quá kém ở THCS lên mức trung bình, chứ chưa dám bàn đến khá giỏi chỉ trong một thời gian ngắn.

Điểm đầu vào lớp 10 của một số trường quá thấp gây ra áp lực rất lớn cho thầy cô ở bậc THPT và cho cả chính các em học sinh, phụ huynh khi phải “đeo” một chương trình học nặng quá sức mà các em đã bị “hổng” ở các bậc học trước.

Thầy Cao Xuân Hùng, hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa, Bình Thạnh - một trong những trường có mức điểm đầu vào hàng năm thấp so với mặt bằng chung của thành phố (điểm chuẩn lớp 10 năm nay là 23) chia sẻ, do đầu vào các em thấp nên nhiều năm nay, nhà trường phải tổ chức các lớp học hè cho học sinh, đặc biệt là với các em lớp 11 lên 12 để chuẩn bị kiến thức cho học sinh trong năm học cuối thì mới hy vọng các em có thể đương đầu với kỳ thi THPT.

Chỉ 2 - 3 đã điểm đã đỗ vào lớp 10 tại một số trường THPT, đặc biệt các trường ngoại thành cho thấy sự chênh lệch chất lượng quá lớn giữa các trường, giữ khu vực nội thành và ngoại thành. Không phải chỉ năm nay mà tình trạng điểm chuẩn nằm trên... điểm liệt đã diễn ra từ lâu.

Học sinh ở TPHCM trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 201 - 2017
Học sinh ở TPHCM trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 201 - 2017

Đặc biệt, chất lượng học tập ở bậc THCS đang dồn áp lực lên các trường THPT. Các trường sẽ phải chạy đua để nhồi nhét, bù đắp kiến thức, bù đắp lỗ hổng to tướng, kiểu như chăm cây mất gốc để các em có thể tốt nghiệp THPT. Việc học còn đâu là sự sáng tạo, trải nghiệm để có thể trải nghiệm, khám phá năng lực, phẩm chất cá nhân.

Trong các buổi tổng kết năm học từ cấp trường đến cấp thành phố, những con số long lanh về học sinh giỏi, học sinh đạt thành tích này nọ… luôn được nhắc đi nhắc lại để minh chứng cho thành quả của trường, của ngành. Ngành có những lễ tuyên dương học sinh giỏi long trọng, hoành tráng ở những hội trường ngạt với những tràng pháo tay ca ngợi, chúc tụng.

Còn học sinh yếu, kém, học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh chỉ 2 - 3 điểm đã đỗ vào THPT... như một “góc chìm” ít được nhắc đến hay không muốn nhắc đến?

Ai quan tâm đến học sinh yếu? Cũng như ai đang quan tâm đến các trường thấp điểm đang phải “gồng mình” gánh lực lượng học sinh yếu từ các bậc học bên dưới “tuồn” lên?

Một nhà nghiên cứu giáo dục ở TPHCM bộc bạch, giáo dục của chúng ta tập trung cho học sinh giỏi, dồn lực cho trường chuyên lớp chọn và “bỏ quên” học sinh yếu, kém. Trong khi các nền giáo dục tiên tiến lại hướng đến học sinh yếu, kém. Âu đó cũng trách nhiệm và cũng là sự nhân văn trong giáo dục chứ giáo dục đâu chỉ chờ “hái quả ngọt” từ lực lượng học sinh giỏi nòng chốt.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)