Học thêm chèn vào lịch học chính, trẻ không học ra hành lang đứng
(Dân trí) - Việc sắp xếp môn học liên kết xen kẽ môn học chính khiến phụ huynh không thể không "tự nguyện" dù về nguyên tắc họ có quyền từ chối cho con tham gia.
Trẻ bị "đuổi" ra khỏi lớp nếu không đăng ký học môn liên kết?
Chị Phạm Thu Huyền (36 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ thời khóa biểu lớp 4 của con. Theo đó, lớp con chị Huyền có ba môn liên kết là toán tiếng Anh, tiếng Anh và STEM. Các môn học này được xếp lịch lần lượt như sau: tiết 2 thứ ba, tiết 6 thứ tư và tiết 8 thứ năm.
Như vậy, duy nhất môn STEM được xếp vào cuối buổi. Hai môn còn lại xếp xen kẽ vào lịch học chính.
Chị Huyền cho biết 100% học sinh lớp con chị tham gia cả ba môn liên kết. Học phí cho ba môn này khoảng hơn 700.000 đồng/tháng. Tổng tiền học chị Huyền đóng cho con hàng tháng là gần 1,8 triệu đồng.
Theo lời chị Huyền, họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm đã phổ biến rằng nếu học sinh nào không học môn liên kết thì phải ra khỏi lớp cho các bạn khác học. Các con được chơi tự do trong sân trường chờ đến tiết học tiếp theo.
Trong trường hợp có nhiều người không đăng ký, nhà trường sẽ dồn các học sinh này vào một lớp để dễ tổ chức dạy học.
"Khi nghe cô giáo nói như thế, không phụ huynh nào dám không đăng ký cho con. Không ai muốn con mình bị đẩy sang lớp khác hoặc bơ vơ ở hành lang, sân trường giữa trưa nắng trong khi các bạn khác học trong lớp có quạt mát, điều hòa", chị Huyền chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh (32 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp một thời khóa biểu có đến 4 tiết tiếng Anh đều là tiết học liên kết gồm hai tiết tiếng Anh Ismart (tên riêng do nhà trường đặt), 1 tiết tiếng Anh tăng cường và 1 tiết tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Các tiết học được xếp vào lịch chính khóa buổi sáng như môn học chính thức.
Giáo viên chủ nhiệm lớp con chị Minh giải thích, việc xếp lịch học do nhà trường và tổ bộ môn bố trí phù hợp với nhân lực và thời gian của đơn vị liên kết đào tạo.
Giáo viên cũng khẳng định nhà trường đã lấy ý kiến ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp và nhận được đa số đồng thuận về việc tổ chức học tiếng Anh tăng cường theo diện liên kết.
Với học sinh không tham gia học, giáo viên cho học sinh ra ngoài chơi tự do.
Khi chị Minh ý kiến về việc tại sao nhà trường không mở cửa thư viện cho những học sinh này ngồi chờ trong mát mẻ và an toàn, giáo viên cho biết nhân viên thư viện không có trách nhiệm trông coi học sinh.
Học thêm chèn vào học chính: Phụ huynh có "dám" không tự nguyện?
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh khẳng định chị hài lòng về chất lượng dạy môn liên kết tại trường của con. Con đi học vui, hào hứng với tiếng Anh và tiến bộ trông thấy về giao tiếp. Học phí của chương trình rẻ so với học thêm ở trung tâm. Cha mẹ tiết kiệm thời gian đưa đón.
Tuy nhiên, điều khiến chị Minh cảm thấy chưa ổn là việc nhà trường xếp lịch học thêm vào lịch học chính khiến những phụ huynh không có nhu cầu cho con học vẫn phải đăng ký trong tâm lý bị ép buộc.
"Có gia đình đã cho con học tiếng Anh ở ngoài, nay phải mất thêm tiền cho con học ở trường. Có phụ huynh không tin tưởng vào chất lượng của chương trình liên kết. Có phụ huynh khó khăn về kinh tế, gần 1 triệu bạc tiền học thêm mỗi tháng cũng là nhiều. Họ có quyền lựa chọn tham gia hoặc không.
Tuy nhiên, với cách xếp thời khóa biểu này, phụ huynh muốn nói không cũng khó. Lịch học thêm nên xếp vào cuối buổi, học sinh nào không học thì cha mẹ đón về. Còn bắt trẻ ra khỏi lớp, để trẻ bơ vơ ngoài hành lang nhìn bạn học là đòn tâm lý với trẻ và bố mẹ trẻ.
Nếu là chương trình tự nguyện thì phải tạo điều kiện cho phụ huynh được từ chối trong thoải mái", chị Minh nhận định.
Cô N.T.Đ, giáo viên toán cấp THCS tại Hà Nội, nêu quan điểm: "Chương trình liên kết sẽ không bị phản đối như hiện tại nếu sắp xếp theo nhu cầu thực sự của phụ huynh".
Theo cô Đ., 15 năm trước, thời điểm các trường học bắt đầu triển khai chương trình liên kết, phụ huynh được tự nguyện tham gia đúng nghĩa.
Hà Nội hiện chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ học sinh trên toàn thành phố tham gia chương trình liên kết. Nhưng theo quan sát của cô Đ., nếu trước đây tỷ lệ này chỉ đạt mức 30-40%, thì hiện tại đã lên đến 90-95%.
"Nếu 90-95% đó là do phụ huynh hoàn toàn tự nguyện thì không có gì để tranh cãi. Nhưng nếu có phần trăm phụ huynh tự nguyện trong ép buộc thì cần xem xét thấu đáo", cô Đ. bày tỏ.
Về chuyện xếp lịch học thêm vào lịch học chính khóa, cô Đ. cho rằng lịch học bất cập này không hoàn toàn do nhà trường cố ý xếp để "ép" phụ huynh tham gia.
"Một là các trường phải tổ chức học hai buổi theo chương trình giáo dục phổ thông mới mà nhân sự của trường không có khả năng đáp ứng, bắt buộc phải liên kết đào tạo để lấp đầy thời khóa biểu.
Hai là đơn vị liên kết cùng lúc làm việc với nhiều trường, không thể trường nào cũng xếp lịch học vào cuối buổi.
Ba là các môn học phải sắp xếp hài hòa, tránh tình trạng một buổi học có đến 3 tiết tiếng Anh hay 3 tiết toán, dẫn đến việc phải xen kẽ môn liên kết vào thời khóa biểu chính khóa", cô Đ. nêu 3 lý do chính.
Cô Đ. cho rằng, nhu cầu học thêm trong nhà trường là nhu cầu có thật của phụ huynh. Tuy nhiên, có hiện tượng biến tướng, lợi dụng điều này để ép buộc các phụ huynh không có nhu cầu cũng phải tham gia.
"Cấm học thêm, dạy thêm trong nhà trường vào thời điểm này là bất cập. Vì các trường đang thiếu thốn cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhưng về lâu dài, các trường cần được đầu tư để nâng cao năng lực, làm sao để dịch vụ công của trường đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh, phụ huynh mà không còn phải liên kết đào tạo với tư nhân", cô Đ. nêu ý kiến.