Tiếng Anh liên kết ở trường "đắt" hơn trung tâm, giá 4,8 triệu đồng/35 phút

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Theo đơn đăng ký học chương trình tiếng Anh liên kết mà phụ huynh cung cấp, giá của mỗi tiết học liên kết lên đến gần 4,8 triệu đồng cho thời lượng 35 phút trên quy mô 50 học sinh.

Phụ huynh trả gần 100.000 đồng cho 35 phút học tiếng Anh đại trà tại trường

Chị H.T.L.H. có hai con đang học lớp 1 và lớp 3 tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Theo chia sẻ từ chị H., trường tiểu học của con chị liên kết với hai trung tâm dạy tiếng Anh là I. và L.L..

Theo đó, chương trình của trung tâm I. là toán tiếng Anh và STEM, mỗi môn 1 tiết/tuần. Chương trình của L.L. là tiếng Anh nâng cao 2 tiết/tuần, sử dụng sách giáo khoa tiếng Anh bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống".

Tiếng Anh liên kết ở trường đắt hơn trung tâm, giá 4,8 triệu đồng/35 phút - 1

Thời khóa biểu lớp 3 của con chị H.T.L.M. (Ảnh: NVCC).

Chị H. đăng ký cho con nhỏ học chương trình tiếng Anh nâng cao. Học phí áp dụng cho năm học 2023-2024 là 6 triệu đồng/năm, tương đương 667.000 đồng/tháng hoặc 92.308 đồng/tiết.

Một tiết học của học sinh tiểu học là 35 phút. Lớp con chị H. có 52 học sinh. Như vậy, giá cho một tiết học tiếng Anh liên kết 35 phút này là 4.785.000 đồng.

Con lớn chị H. học lớp chương trình liên kết của trung tâm I.. Học phí mỗi tháng là 385.000 đồng, tương đương 42.700 đồng/tiết. Sĩ số lớp là 40 học sinh. Giá cho mỗi tiết học xấp xỉ 1,7 triệu đồng.

Theo thời khóa biểu chị H. cung cấp, tất cả các môn liên kết được xếp xen kẽ vào các môn chính khóa.

Tiếng Anh liên kết ở trường đắt hơn trung tâm, giá 4,8 triệu đồng/35 phút - 2

Đơn đăng ký học chương trình tiếng Anh liên kết tại trường với mức phí cụ thể (Ảnh: NVCC).

Với mức học phí này, chị H. cho rằng học liên kết ở trường quá đắt so với học trung tâm. Chị H. dẫn chứng: "Tôi đang cho con học tiếng Anh 1:1 với giáo viên người Philippines. Mỗi buổi học 25 phút, học phí 85.000 đồng. Trung tâm cung cấp các giáo viên khác nhau với giáo trình khác nhau theo yêu cầu của phụ huynh. 

Trong khi đó, một tiết tiếng Anh liên kết ở trường có 50 học sinh. Tính trung bình mỗi học sinh được tương tác với giáo viên chưa đến 1 phút nhưng học phí là 92.000 đồng. 

Chưa so sánh về chất lượng, giá học tiếng Anh ở trường đang cao hơn nhiều so với trung tâm".

Học sinh phải đăng ký học nhưng không biết sẽ đóng bao nhiêu tiền

Chị L.T.T. có con đang học lớp 1 và lớp 8 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Thời khóa biểu của con nhỏ có 2 tiết học liên kết gồm khoa học tiếng Anh và toán tiếng Anh. Thời khóa biểu của con lớn có 4 tiết học liên kết gồm 2 tiết tiếng Anh với giáo viên nước ngoài và 2 tiết toán tiếng Anh.

Tiếng Anh liên kết ở trường đắt hơn trung tâm, giá 4,8 triệu đồng/35 phút - 3

Thời khóa biểu lớp 8 có 4 tiết liên kết gồm 2 tiết tiếng Anh với giáo viên nước ngoài và 2 tiết toán tiếng Anh (Ảnh: NVCC).

Tuy nhiên, chị T. không biết học phí các môn này là bao nhiêu do nhà trường chưa thông báo. Đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh đăng ký nhưng không cung cấp thông tin học phí.

Cùng tình trạng phải đăng ký học nhưng không biết đóng bao nhiêu tiền là chị P.T.H. ở quận Nam Từ Liêm. Chị có con học lớp 6, thời khóa biểu có hai môn liên kết là tiếng Anh và STEM.

Tiếng Anh liên kết ở trường đắt hơn trung tâm, giá 4,8 triệu đồng/35 phút - 4

Thời khóa biểu lớp 6 của con chị P.T.H., quận Nam Từ Liêm (Ảnh: NVCC).

Chị M.H.M. có hai con học lớp 2 và lớp 4 tại quận Thanh Xuân cũng chưa nhận được thông báo thu tiền cho các môn liên kết năm học 2023-2024. Năm học trước, chị M. đóng khoảng 700.000 đồng học phí môn liên kết cho mỗi con. 

Theo chia sẻ của chị M., lớp con chị có gần 50 học sinh. Như vậy, tổng thu từ các môn liên kết của riêng lớp con chị M. vào khoảng 34 triệu đồng/tháng.

Tiếng Anh liên kết ở trường đắt hơn trung tâm, giá 4,8 triệu đồng/35 phút - 5

Thời khóa biểu lớp 4 của con chị M.H.M., quận Thanh Xuân (Ảnh:: NVCC).

Anh P.C.T. có con học lớp 4 tại quận Nam Từ Liêm cho biết, lớp con anh hiện mới có thông báo tiền bán trú, tiền ăn trưa, tiền bảo hiểm. Toàn bộ các khoản thu khác và tiền học môn liên kết chưa có thông báo.

"Nếu giữ nguyên như các năm trước, số tiền này rơi vào khoảng gần 1 triệu đồng bao gồm 2 tiết tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, một tiết toán tiếng Anh, một tiết STEM", anh T. chia sẻ.

Năm học này, anh T. có ý định không đăng ký môn liên kết. Tuy nhiên, giáo viên chủ nhiệm cho biết, theo quy định của nhà trường, con anh sẽ phải chuyển sang lớp khác nếu không học môn liên kết. 

"Lớp con tôi là lớp chọn, cô nói thế không khác nào ép buộc chúng tôi phải đăng ký cho con học môn liên kết mới được ở lại lớp", anh T. bức xúc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, hiện phần lớn các trường tiểu học và THCS các quận nội thành Hà Nội chưa thông báo mức thu các môn liên kết dù học sinh đã đăng ký từ đầu năm học và chương trình cũng đã triển khai.

Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đã được triển khai nhiều năm qua và được quy định tại nhiều luật và được cụ thể hóa trong các nghị định của Chính phủ.

Trong đó tại Luật Giáo dục 2019 quy định: Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư, đóng góp trí tuệ, công sức, tài sản cho giáo dục; các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục bao gồm các nguồn thu từ dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục; các khoản đóng góp, tài trợ của cá nhân cho giáo dục được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập cá nhân của đối tượng nộp thuế; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định khung học phí hoặc mức học phí và các khoản thu dịch vụ khác ngoài học phí (nếu có) đối với các cơ sở giáo dục công lập.

Để quản lý các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, theo nhu cầu người học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành các văn bản để các địa phương tổ chức thực hiện theo thẩm quyền quy định: Thông tư 04/2014-TT-BGDĐT ngày 28/2/2014 về ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 về ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ tin học...

Trong thời gian qua, các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách theo nhu cầu của người học và mang lại những hiệu quả tích cực trong quá trình giáo dục toàn diện học sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục, công tác quản lí các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa còn có nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến những băn khoăn, lo lắng và tạo ra một số dư luận xã hội không tốt về loại hình hoạt động giáo dục này.

Để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác xã hội hóa giáo dục, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lí, đảm bảo quyền lợi giáo viên, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Theo nguồn tin từ Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới, Bộ sẽ ban hành văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT nghiêm túc báo cáo báo cáo thực trạng quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục tăng cường, ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu của người học tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để đánh giá đúng thực trạng, bổ sung các văn bản chỉ đạo để thực hiện đúng và hiệu quả hoạt động này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm