Chạy đua với đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2025

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2025 hiện đại, mới hoàn toàn so với cách thi cũ trước đây. Do vậy, học sinh và các trường đại học đều "chạy đua" cho phù hợp.

Thầy trò cùng chạy đua

Theo thầy Tạ Tuấn Phương, giáo viên toán, Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), năm học 2024 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.

Ghi nhận từ nhà trường, tâm trạng nhiều em rất lo lắng, nhất là khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo với nhiều đổi mới.

"Trường chúng tôi, học sinh đã làm quen với dạng tương tự đề tham khảo mà bộ vừa công bố từ nhiều năm nay nhưng thầy cô vẫn phải thay đổi hơn nữa trong dạy và học sao cho phù hợp xu thế đổi mới.

Riêng khối trường công lập, tôi cho rằng sẽ phải thay đổi rất nhiều cả trong thi cử và dạy học, có như vậy các em mới bắt kịp kiểu thi mới", thầy Phương nói.

Chạy đua với đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2025 - 1

Nhiều học sinh lo lắng với những điểm mới trong đề thi tham khảo (Ảnh minh họa: T. Đạt).

Cũng theo thầy giáo này, ngoài việc lo lắng vì đề thi đổi mới, nhiều học sinh chịu thêm sức ép phải bươn trải với các kỳ thi riêng.

Ngoài việc học ở trường, nhiều học sinh phải tham gia vài lớp ôn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy khác nhau từ sáng tới khuya, có khi từ 5h sáng.

"Cả học kỳ II một số em nhiều lần xin nghỉ để tham gia các kỳ tuyển sinh riêng, việc học trên lớp bị xáo trộn. Đặc biệt, học sinh ở xa phải khăn gói về thành phố lớn để thi, gây tốn kém một khoản kinh phí không hề nhỏ.

Để đảm bảo việc hoàn thành chương trình phổ thông không bị xáo trộn bởi các kỳ thi riêng, theo tôi, các trường đại học chỉ tổ chức các kỳ thi riêng khi học sinh hoàn thành chương trình lớp 12 và mỗi trường chỉ tổ chức 2 kỳ thi riêng/năm.

Hiện nay có quá nhiều kỳ thi riêng với tên gọi khác nhau, gây rối loạn cho học sinh, trong khi các em mang tâm lý không tham gia sẽ không yên tâm, sợ lỡ cơ hội", thầy Phương cho biết.

Chạy đua với đề tham khảo tốt nghiệp THPT 2025 - 2

Các bài thi riêng của trường đại học phải đánh giá được yêu cầu về năng lực của học sinh quy định trong CT GDPT 2018 (Ảnh: Thành Đông).

Đề tuyển sinh riêng có bắt kịp chương trình mới?

Cũng với quan điểm này, PGS.TS Dương Bá Vũ (khoa hóa học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, các kỳ thi riêng của trường đại học hiện nay cần đánh giá năng lực theo Chương trình phổ thông 2018 (CT GDPT 2018).

Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã mô tả các tiêu chí và chỉ báo của mỗi thành phần năng lực cụ thể. Các câu hỏi trong đề thi tham khảo đánh giá sự đáp ứng của học sinh đối với các chỉ báo cụ thể của năng lực.

Đề thi tuyển sinh riêng của các cơ sở giáo dục đại học cũng cần phải phù hợp với chương trình các môn học về năng lực học sinh.

Vì vậy, các cơ sở này cần công bố các tiêu chí, chỉ báo của năng lực cần đánh giá kèm theo đề thi minh họa phù hợp với mục đích đánh giá năng lực đã công bố.

"Tôi cho rằng, đây là những căn cứ quan trọng để Bộ GD&ĐT thực hiện vai trò quản lý Nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chịu trách nhiệm và có trách nhiệm giải trình, để nhân dân thực hiện quyền giám sát", PGS Vũ nói.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Văn Khánh (giảng viên cao cấp Trường Đại học sư phạm Hà Nội, thành viên ban phát triển chương trình phổ thông 2018) cho rằng, bất kỳ một quá trình giáo dục nào đều nhằm tạo ra những biến đổi của người học theo mục tiêu giáo dục.

Mục tiêu giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo NQ số 29-TW-4/11/2013, là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Để đánh giá được năng lực học sinh, các câu hỏi thi phải đánh giá được các biểu hiện năng lực, đã được quy định ở CT GDPT 2018.

Các đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, không chỉ đáp ứng yêu cầu đánh giá năng lực học sinh theo CT GDPT 2018 mà còn đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 29-TW-4/11/2013, tức là bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Ở nước ta hiện nay chỉ có một chương trình giáo dục phổ thông là CT GDPT 2018. Các yêu cầu mà học sinh cần phải đạt chính là yêu cầu của Đảng và Nhà nước về hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho thế hệ trẻ.

Để thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục phổ thông, tất cả các hình thức đánh giá học sinh phổ thông phải theo các yêu cầu của chương trình giáo dục này.

Các bài thi tuyển sinh riêng của các cơ sở giáo dục đại học phải đánh giá được yêu cầu về năng lực của học sinh quy định trong CT GDPT 2018.

Theo đánh giá của đa số giáo viên, các đề tham khảo có tính phân hóa mạnh. Đây chính là cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục đại học tin cậy và có thể sử dụng trong mục đích tuyển sinh theo tinh thần của NQ số 29-TW-4/11/2013.

Như vậy, kết quả dạy học của thầy cô giáo có thể giúp học sinh có cơ hội đỗ vào các trường đại học mà không phải qua các kỳ thi khác. Điều này sẽ góp phần nâng cao vị thế nhà giáo trong giáo dục.