Chạy đua vào trường điểm: Vất vả mẹ, khổ con!

Trong khi nhiều phụ huynh quay cuồng chạy vào trường điểm tiểu học cho con thì một số khác lại chọn con đường “hiền hòa” hơn: trường “xóm”. Đặc biệt, các chuyên gia giáo dục khẳng định: “Nên chọn trường gần nhà, chọn cô giáo quan tâm học sinh chứ không nhất thiết chạy đua vào trường điểm”.

Mỗi năm đến mùa tuyển sinh, các bậc phụ huynh lại chạy đôn chạy đáo lo xin học cho con.
Mỗi năm đến mùa tuyển sinh, các bậc phụ huynh lại chạy đôn chạy đáo lo xin học cho con.
 
Sợ thành tích “ảo”
 
Sau một thời gian nhờ người chạy vào một trường điểm tại quận Đống Đa (Hà Nội), chị Hạnh Ngân (quận Hoàng Mai) quyết định chọn trường tiểu học gần nhà để nhập học cho con. Chị Ngân cho biết, nghe nhiều phụ huynh có con học trước chia sẻ, thực ra tốn kém, nhờ vả mãi mới xin được vào trường điểm nhưng được một thời gian mới thất vọng. Thực tế, một số trường do mang danh “điểm” nên học sinh có thành tích học tập “ảo”. Ngoài ra, cha mẹ luôn phải lo lắng lễ tết giáo viên… rất mệt mỏi. Vì vậy, chị quyết định chọn một lớp học ở trường tiểu học bình thường gần nhà để con mình được chăm tốt hơn.

Phụ huynh Thúy Hoa (khu tập thể Bách khoa, Hà Nội) cho biết, ở trường điểm hoặc trường dân lập, môn ngoại ngữ được chú trọng nhiều hơn. Trong khi ngoại ngữ chỉ là phương tiện, không phải toàn diện nên tốt nhất, chọn trường nào, các cháu được giáo viên chăm sóc cẩn thận chu đáo. Đặc biệt, nhiều trường điểm, sĩ số tầm 60 học sinh, cô giáo quan tâm sao xuể? Nhiều cô toàn phải đọc cho các cháu chép. Vì thế, chị cho con học trường thường, sau đó cho cháu học ngoại khóa.

“Tuần tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét để có công văn yêu cầu các địa phương phổ biến đến các trường về việc giáo viên không được chấm điểm đối với học sinh lớp 1 trong học kỳ I. Việc thay đổi cách đánh giá hy vọng sẽ làm giảm bớt áp lực trong việc học thêm của phụ huynh, học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ bàn với địa phương có biện pháp khắc phục ở những lớp quá tải học sinh để đảm bảo chất lượng chung”. - Ông Phạm Ngọc Định Vụ trưởng Vụ Giáo dục  tiểu học (Bộ GD&ĐT)

Chị Anh Thi, phụ huynh có 2 con theo học ở Trường dân lập Đoàn Thị Điểm chia sẻ, học trường điểm công lập tưởng rẻ nhưng không hề rẻ. Ở trường tiểu học dân lập mang tiếng học phí đắt nhưng chị đã thử làm một phép tính thì thấy, trường tư chỉ chênh tiền khoảng 3 phần so với chi phí ở trường điểm công lập. Ở trường công lập, học sinh phải học thêm ở lớp và học thêm ở ngoài để lấy kiến thức, học thêm kĩ năng sống, ngoại ngữ… Chưa kể, gia đình phải quan tâm lễ tết cho cô giáo cũng khá mệt mỏi. Tuy nhiên, ở trường dân lập, học sinh được đi sâu vào kĩ năng sống nhiều hơn. Các gia đình có quan điểm “thoáng” thì thích cách học như vậy, tuy nhiên có gia đình lại cho rằng như thế trẻ chơi quá nhiều cũng không tốt. Việc thi đầu vào ở trường điểm dân lập rất vất vả...

“Chết đuối” vì quá sức  trẻ

Ngày 26/3, trả lời câu hỏi, có nên bằng mọi giá cho con vào trường điểm không, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho rằng, các gia đình không nên chọn thương hiệu trường điểm, mà chọn những trường có không gian tốt, môi trường hay, sân rộng, cây mát, cơ sở vật chất đang được đầu tư và quan trọng là gần nhà để đảm bảo sức khoẻ cho học sinh.  Điều cần nhất ở độ tuổi này là có nhiều tiết tăng cường về mỹ thuật, âm nhạc, thể dục nên cần chọn cho con mình môi trường tốt, giáo viên có điều kiện chăm sóc. Lên cấp THPT, phụ huynh mới nên chọn trường bởi đây là độ tuổi các em cần hoà nhập cộng đồng, tiếp thu những kiến thức sâu rộng.

Cũng theo ông Tiến, do áp lực tuyển sinh nên hầu như trường điểm nào cũng đang có sĩ số khoảng 60 học sinh/lớp. Đặc biệt, năm nay lứa “heo vàng” vào lớp 1 của TP Hà Nội có khoảng hơn 10.000 cháu. Con số này không quá lớn nhưng trường thì không “nở” ra, còn người học vẫn tăng khiến các trường áp lực. Vì vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội giao cho các quận huyện phân tuyến tuyển sinh để san sẻ học sinh ra những trường bình thường. Đặc biệt, sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ có chuyên đề nghiên cứu về việc không nên cho trẻ con đi học “tiền lớp 1”. Theo đó, chính các giáo viên tiểu học cho biết, học sinh đi học trước, nếu không có nội lực sẽ không theo kịp. Có học sinh nhiều nhất là hết học kì I, sẽ hết vốn, học sa sút.

Trước đó, ngày 25/3, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, việc cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học. “Tôi đã tiếp xúc với nhiều giáo viên và đều nhận được câu trả lời, học sinh học trước thường hay sao nhãng học tập và đuối dần so với những bạn đang hào hứng học vì không học trước chương trình. Việc học trước cũng dẫn tới nguy cơ mắc phải những lỗi, tật rất khó sửa chữa, khắc phục như tư thế ngồi, cách cầm bút... Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn không tạo áp lực cho học sinh lớp 1 bằng việc không lấy điểm học kỳ I, tuy  nhiên nhiều học sinh vẫn phải nhận điểm 1 – 2, thậm chí là điểm 0 ngay khi mới vào học khiến cả học sinh lẫn phụ huynh đều chịu áp lực lớn. Về điều này, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn về việc đánh giá học sinh tiểu học chỉ bằng nhận xét thay vì cho điểm để không gây áp lực cho học sinh”, ông Định chia sẻ.

 

Theo Lương Mỹ

Gia đình & Xã hội