1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Chất lượng giáo dục Việt Nam: Cớ sao “trên bảo tốt - dưới bảo không tốt”?

(Dân trí) - Điển hình là kết quả PISA của Việt Nam xếp thứ hạng cao, thậm chí “vượt mặt” các nước tiên tiến trên thế giới nhưng đa phần người dân Việt Nam, thậm chí các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo không tin đó là sự thật.

Chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam có thực sự tốt không? Tại sao lãnh đạo Bộ GD&ĐT đánh giá là tốt nhưng địa phương, nhà trường, thầy cô cho rằng chưa tốt?

Vấn đề trên được nêu ra và mổ xẻ thẳng thắn tại Hội thảo Giáo dục 2017 về “Chất lượng giáo dục phổ thông” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội.

Nhìn từ PISA 2015: Người Việt không tin!

Thành tựu mang tính hệ thống và nổi bật nhất của giáo dục Việt Nam là kết quả kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) năm 2015 được thế giới khâm phục. Một số nhà phân tích dựa vào kết quả PISA và nhất là “bài học Việt Nam” để kêu gọi rà soát, đánh giá lại chính sách giáo dục của quốc gia mình. Tuy nhiên, đa phần người Việt Nam lại không tin chất lượng giáo dục Việt Nam có thể đạt mức tốt như kết quả này.

TS. Lê Quang Minh (Trung tâm đào tạo quản lý tiên tiến, Viện Quản trị Đại học - ĐHQG TP.HCM) cho biết, lúc bắt đầu nghiên cứu về kết quả PISA, bản thân ông cũng không thể tin vị trí xếp hạng của Việt Nam.

Kết quả PISA 2015 đăng trên báo Bangkok Post, ngày 19/12/2016.
Kết quả PISA 2015 đăng trên báo Bangkok Post, ngày 19/12/2016.

“Tôi cũng như rất nhiều người Việt, dường như không tin về chất lượng giáo dục của nước mình. Tôi từng nghĩ rằng, hệ thống giáo dục Việt Nam chỉ giỏi đào tạo gà nòi để đi thi. Tuy nhiên khi nghiên cứu rất kỹ về PISA, tôi hiểu rằng, PISA đo năng lực học sinh chứ không phải khả năng thi cử. Lúc ấy, đọc báo chí thế giới nhận định về sự thần kỳ của giáo dục Việt Nam tôi mới bắt đầu tin tưởng và tự hào” - TS Lê Quang Minh chia sẻ.

TS. Lê Quang Minh cho biết, ông cũng từng như rất nhiều người dân Việt - không tin về chất lượng giáo dục phổ thông của nước mình.
TS. Lê Quang Minh cho biết, ông cũng từng như rất nhiều người dân Việt - không tin về chất lượng giáo dục phổ thông của nước mình.

Qua nghiên cứu, kết quả PISA của Việt Nam xếp hạng cao trên bản đồ thế giới, thậm chí “vượt mặt” các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là do Việt Nam có nhiều chính sách giáo dục tạo độ sâu cần thiết cho chương trình đào tạo, trong khi chương trình của thế giới thì thường quá rộng. TS. Lê Quang Minh cho rằng, điều đó chứng tỏ giáo dục phổ thông Việt Nam có chất lượng nhưng chưa được người Việt “công nhận”.

“Ông nói gà, bà nói vịt”

Về vấn đề này, TS. Lê Thống Nhất cũng đặt câu hỏi ráo riết: “Chúng ta có quá nhiều đánh giá về thành tích, nhưng tại sao trên bảo tốt - dưới bảo không tốt. Đến khi nào chúng ta đồng nhất được chất lượng, để lãnh đạo Bộ GD&ĐT phía trên và địa phương, giáo viên phía dưới cùng chung nhận định tốt hay chưa tốt?”.

Theo TS. Lê Quang Minh, sự khác biệt này xuất phát từ mục tiêu và nhận thức khác nhau về tầm quan trọng của các yếu tố cấu thành chất lượng từ đầu vào, quá trình đến đầu ra của giáo dục. Đặc biệt, ở Việt Nam, chất lượng giáo dục từ góc nhìn của các bên liên quan rất khác nhau.

Nhiều đại biểu đồng tình, ngành giáo dục cần thống nhất thuật ngữ để rút dần khoảng cách quan điểm về chất lượng giữa các bên.
Nhiều đại biểu đồng tình, ngành giáo dục cần thống nhất thuật ngữ để rút dần khoảng cách quan điểm về chất lượng giữa các bên.

Trong khi Bộ GD&ĐT (được xem là đại diện quan điểm Nhà nước) đưa ra quan điểm toàn diện, nhắc nhiều đến tỷ lệ đạt chuẩn giáo dục khu vực và quốc tế thì chất lượng giáo dục tốt trong quan điểm của các Sở GD&ĐT (địa phương) lại là đạt các chuẩn quốc gia, các chỉ tiêu trên giao. Trong khi nhà trường quan điểm chất lượng là đạt chuẩn quốc gia, đạt chỉ tiêu địa phương đề ra, tỷ lệ thi đỗ các cấp thì phụ huynh lại quan điểm chất lượng là kết quả học tập của con em, kết quả thi đại học, mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường…

Chính sự trái ngược, không thống nhất trong quan điểm về chất lượng dẫn đến những nhận thực trật khớp nhau giữa các cấp, các bên.

Đồng tình quan điểm, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo (giáo viên Lịch sử, Trường THCS Trần Đại Nghĩa - TP.HCM) cho rằng, quan điểm chất lượng và mục tiêu giáo dục của các bên liên quan khác nhau có thể dùng để giải thích phản ứng của nhiều phụ huynh về dự án VNEN và dư luận rất trái chiều về đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Ở góc độ Nhà nước thì cho rằng đó là chương trình tốt nhưng phụ huynh lại phản đối.

“Là một giáo viên Lịch sử tôi rất ủng hộ mô hình VNEN vì nó nhắm đến phát triển kỹ năng nhận thức, còn các phụ huynh phản đối VNEN lo sợ con em mình điểm kém trong các kỳ thi, nhất là thi tốt nghiệp và vào đại học nên rất phản đối. Nếu phương thức và nội dung thi cử nhắm đến việc đánh giá kỹ năng nhận thức, đến sáng tạo, đến các kỹ năng mềm… như mục tiêu của VNEN, phụ huynh sẽ không xin cho con em mình thôi học VNEN”, cô Thảo quan điểm.

Thống nhất chuẩn, trước hết từ khái niệm

GS. Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên chương trình GDPT mới) cũng cho rằng, công tác đánh giá chất lượng giáo dục hết sức quan trọng, cần có sự đồng nhất từ trên xuống dưới, phối hợp nhịp nhàng. Chẳng hạn, chúng ta dạy theo hướng trải nghiệm, thực hành nhưng đến lúc đánh giá lại bằng lý thuyết thì chương trình khó thực hiện. Ông kiến nghị đổi mới đánh giá để hỗ trợ sự phát triển năng lực của học sinh.

Chất lượng giáo dục Việt Nam: Cớ sao “trên bảo tốt - dưới bảo không tốt”? - 4

TS. Minh kiến nghị, ngành Giáo dục cần chỉnh dần khoảng cách quan điểm về chất lượng giáo dục giữa các bên. Bộ GD&ĐT nên thành lập nhóm để soạn lại thuật ngữ giáo dục. “Chất lượng là gì? Chuẩn chất lượng là gì? Xã hội hỗn loạn vì định nghĩa khác nhau. Chúng ta đi nhanh, đi xa nhưng nền móng có nhiều lỗ hổng, ngay từ thuật ngữ, nếu không khắc phục thì trên nền sai chúng ta sẽ tiếp tục hiểu sai”, TS. Minh nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình kết luận, ngành Giáo dục cần thống nhất chuẩn khái niệm, chuẩn đánh giá để có được đồng nhất về nhìn nhận chất lượng giáo dục.

Lệ Thu