Chất lượng giáo dục mầm non thiếu và yếu: Giải quyết thế nào?
(Dân trí) - Ở bậc học mầm non hiện nay, thiếu khoảng 27.000 giáo viên và 363 trường mầm non. Không chỉ vậy, nhiều cơ sở trường lớp hiện tại vừa xuống cấp vừa lạc hậu, kéo chất lượng mầm non xuống thấp. Vậy ngành giáo dục giải quyết bài toán này thế nào?
Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa.
Được biết, hiện nay cả nước còn 363 xã, phường, thị trấn chưa có trường mầm non, 2.600 thôn, bản chưa có nhóm, lớp mầm non, phòng học kiên cố mới đạt 59,8%, số còn lại là phòng học nhờ, học tạm, phòng tranh tre, nứa lá. Bên cạnh đó, nhiều trường học thiếu công trình vệ sinh, nước sạch, trang thiết bị… ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Bộ GD-ĐT có biện pháp giải quyết tình trạng này trong năm học tới chưa, thưa Thứ trưởng?
Quả thực, chất lượng giáo dục hiện nay chưa đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền. Giáo dục mầm non (MN) ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ở một số tỉnh/thành phố chậm, tỷ lệ trường MN đạt chuẩn quốc gia còn thấp (bình quân trên cả nước là 24,2%), một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ trường MN đạt chuẩn quốc gia dưới 10%. Việc thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục MN cho trẻ em năm tuổi còn chậm, gặp nhiều khó khăn, không đạt được tiến độ như kế hoạch đã đề ra.
Rất may, Đề án phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi thực hiện được 3 năm qua rất hiệu quả, tạo nên bước phát triển mới cho trẻ MN. Đến hết năm học 2012-2013 toàn quốc có 13.741 trường (tăng 295 trường so với năm học trước). Trong đó, công lập 12.098 trường (tăng 636 trường), dân lập 109 trường (giảm 3 trường), tư thục 1.473 trường (tăng 137 trường), bán công 97 trường (giảm 439 trường).
Trong 3 năm qua có hơn 4.400 (4482) trường mầm non bán công được chuyển đổi sang công lập, tạo cơ hội cho trẻ em MN được đến trường. Hàng chục ngàn phòng học được xây dựng theo hướng kiên cố, cả nước có thêm gần 1.000 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Các chỉ tiêu về huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDMN mới, trẻ được ăn bán trú tại trường đều đạt và vượt so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 1 của QĐ số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.
Trong năm học tới, Bộ xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GDMN trên các địa bàn. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng các cơ sở GDMN công lập tại các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo mỗi xã có ít nhất 1 cơ sở GDMN, bảo đảm để trẻ em được học chương trình mẫu giáo 5 tuổi trước khi vào lớp một. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi để đảm bảo chất lượng việc thực hiện chương trình GDMN.
Học sinh xã Pá Cốp - Mộc Châu - Sơn La trong giờ nghỉ trưa. (Ảnh: Việt Hưng)
Đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên MN ở một số địa phương còn nhiều bất cập, dẫn đến việc một bộ phận giáo viên chưa yên tâm công tác. Bài toán này giải quyết thế nào thưa Thứ trưởng?
Đúng là đội ngũ giáo viên MN hiện nay vừa thiếu vừa hạn chế về chất lượng. Hiện cả nước còn thiếu 27.554 giáo viên MN.
Tuy nhiên, khi thực hiện Đề án phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, đội ngũ giáo viên tăng về số lượng, từng bước chuẩn hóa về chất lượng. Hơn 40.000 giáo viên MN được tuyển dụng vào biên chế. Gần 70% giáo viên MN được đảm bảo chế độ, chính sách, yên tâm phấn khởi, tâm huyết gắn bó với nghề.
Bộ GD-ĐT đã xây dựng, quy hoạch kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDMN theo từng giai đoạn ở mỗi địa phương và cả nước. Bên cạnh đó, củng cố, quy hoạch lại các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non (GVMN) phù hợp với quy hoạch mạng lưới chung. Đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo GVMN phù hợp với thực tiễn, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội và nhu cầu của người học.
Bộ tiếp tục, xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên đối với GVMN nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ GVMN, đáp ứng yêu cầu đổi mới của bậc học MN. Chỉ đạo thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với GVMN theo đúng quy định của Nhà nước.
Thưa Thứ trưởng, Đề án phổ cập GDNM cho trẻ em 5 tuổi có phải đó là một giải pháp tối ưu để thực hiện đối mới giáo dục MN mà Bộ GD-ĐT đưa ra?
Theo Quyết định 239, đến cuối năm 2012 có 85% số tỉnh đạt chuẩn phổ cập, nhưng đến nay, chỉ mới có 6 tỉnh (9,5%) được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN. Tiến độ thực hiện QĐ 239 cho thấy, phổ cập GDMN là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, khó đạt được mục tiêu phổ cập vào năm 2015 nếu không có sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các địa phương.
Do vậy, để đạt được mục tiêu Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, Bộ tham mưu tới các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, mua sắm trang thiết bị đồ dùng đồ chơi cho trẻ MN 5 tuổi. Quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho giáo viên và cán bộ quản lý. Quan tâm đời sống cho đội ngũ giáo viên và thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi…
Thu hút trẻ đến trường ngày càng tăng, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ, thực hiện có chất lượng chương trình GDMN. Đây chính là một giải pháp tích cực mà Bộ tham mưu để góp phần đổi mới GDMN.
Vậy còn việc nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục MN?
Bộ tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện Chương trình GDMN theo nguyên tắc bảo đảm tính phù hợp, tiên tiến, liên thông với giáo dục ở bậc tiểu học, chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ vào lớp một. Tăng tỉ lệ học 2 buổi/ngày, tỉ lệ bán trú của trẻ MN.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình GDMN, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, các lớp mẫu giáo ghép. Chú trọng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ MN và các điều kiện giáo dục cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi, ưu tiên các nguồn lực để đảm bảo lộ trình thực hiện phổ cập. Phấn đấu năm học 2013-2014 kiểm tra công nhận thêm 18 tỉnh đạt chuẩn Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi theo kế hoạch đã định.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hồng Hạnh