"Chat" cũng cần phải học!

12g, trời nắng chang chang, một cô bé khoảng 13, 14 tuổi hồ hởi chạy vào điểm truy cập Internet công cộng. Gác một chân lên ghế, cô bé gõ lia lịa để vào nick: changtraicodon (chàng trai cô đơn), bắt đầu say sưa chat với nick rất “nữ tính”: bonghongcogai (bông hồng có gai).

Bonghongcogai một mực: “Em muốn gặp anh, ngay bây giờ. Em nhớ anh lắm!”, nhưng changtraicodon liên tục né: “Anh bận lắm. Công việc lu bu quá. Hôm khác anh đền, đừng giận anh nha cưng...”. Bonghongcogai lại nài: “Cho em wc của anh đi” (wc là từ viết tắt của webcam), changtraicodon giả vờ cáu: “Anh giận cái máy này quá, nó không có wc cưng à!”. Vừa gõ bàn phím như chim gõ kiến, changtraicodon vừa cười nghiêng ngả vì cú lừa ngoạn mục.

 

Cũng tại một điểm truy cập Internet công cộng, một cậu bé mặt búng ra sữa đang chat say sưa bỗng giật bắn mình khi cô bé ngồi dãy máy bên kia nhảy xổ đến. Cô bé vừa chỉ mặt cậu bé, vừa cười phá lên: “Là mày, là mày phải không? Xạo! Dám nói là con gái, là sinh viên đại học chưa có người yêu, tao nghi mày nãy giờ!”. Sau phút hoàn hồn, cậu bé cũng văng tục tùm lum, cười nắc nẻ: “Mày có hơn gì. Mày bảo mày là con trai, hơn tao hai tuổi, công việc ổn định, đang cô đơn. Vậy là huề!”. 

 

Một câu hỏi nảy sinh trong tôi: “Đã có ai dạy các em chat chưa? Các bậc cha mẹ đã bao giờ thấy con em mình nói chuyện trên mạng với những thông tin, ngôn ngữ có khi hết sức khủng khiếp chưa?”. Không chỉ có thế, cứ dành thời gian nhìn vào nick của các em, nhất định sẽ có lúc nhiều người thần kinh vững cũng phải sởn gai óc: batnapquantaihonemlancuoi (bật nắp quan tài hôn em lần cuối), gietchongdeyeuanh (giết chồng để yêu anh), trainhaquedaptansannhay (trai nhà quê đập tan sàn nhảy)…

 

Chat cũng là một kiểu giao tiếp và tất nhiên cũng có quyền có mặt trong câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”, và đã “học” thì phải có người dạy. Không ai phủ nhận những tiện ích của chat, song thiết nghĩ một khi đã tạo điều kiện để con em tiếp cận với thế giới mạng, các bậc cha mẹ cũng cần phải mở rộng “vùng quan tâm” để thật sự là người bạn đồng hành tin cậy của con cái trong cả từng mối quan hệ online.

 

Những cuộc chat vô bổ, lừa dối nhau không chỉ làm các em tốn thời gian, sức khỏe, tiền bạc mà còn có thể dần dần hình thành nên thói quen “nói dối trong đời thật”, thậm chí các em còn rất dễ bị thương tổn niềm tin về các mối quan hệ giữa con người.

 

Theo Đào Trung Uyên

Tuổi Trẻ