“Chào” bản thân để giành học bổng
Nhiều học sinh, sinh viên giỏi bị từ chối cấp học bổng đã rút kinh nghiệm: Cơ hội du học hoàn toàn có thể đã mở ra nếu các bạn biết cách “chào bán bản thân” một cách ấn tượng.
Lời khuyên chung của những du học sinh giành được học bổng như mơ ước là hãy luôn tự tin đánh giá đúng bản thân mình và mạnh dạn nộp hồ sơ xin học bổng.
Chọn học bổng và tiếp thị bản thân
Tâm lý chung của người xin học bổng thường là nộp hồ sơ ở nhiều nơi để “lọt sàng xuống nia” hoặc cứ chăm chăm nhắm đến một loại học bổng mà họ cho là “danh giá” nhất. Cả hai xuất phát điểm này, trong thực tế, đều dễ dẫn đến kết quả xôi hỏng bỏng không. Các du học sinh khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ các loại học bổng, sau đó chọn học bổng phù hợp với khả năng của mình nhất bởi vì giá trị các học bổng là tương đương nhau nếu bạn học tốt, không có học bổng nào danh giá hơn học bổng nào.
Du học sinh Nguyễn Thị Minh Ngọc - người giành được học bổng của Học viện Nanyang, Singapore vào năm ngoái, kể: “Học bổng ngành quản trị kinh doanh mà tôi chọn yêu cầu xếp loại năm học gần nhất phải đạt loại khá trở lên. Suýt chút nữa tôi đã bỏ cuộc nhưng nhờ liều một phen chứng minh năng lực của mình qua các tiêu chí còn lại mà tôi vẫn giành được học bổng”. Như vậy, thêm một lời khuyên dành cho các ứng viên xin học bổng: Một khi đã chọn được học bổng phù hợp với năng lực và đam mê của bản thân thì đừng vì không đáp ứng một vài yêu cầu, tiêu chí của học bổng đó mà vội bỏ cuộc. Cơ hội rất có thể sẽ vẫn mở ra nếu bạn chứng minh được năng lực và đam mê của mình.
Một bước vô cùng quan trọng trong khâu nộp hồ sơ, đó là cách bạn rao “chào bán bản thân” như thế nào cho thật ấn tượng mà vẫn bảo đảm được tính trung thực bởi vì văn hóa phương Tây đánh giá rất cao tính trung thực. Hãy làm thế nào để người đọc hồ sơ cảm thấy bạn là một con người thú vị mà họ cảm thấy cần gặp bạn ở vòng phỏng vấn. “Cách tốt nhất để gây ấn tượng với người chấm điểm hồ sơ là kể một câu chuyện súc tích nhưng qua đó thể hiện được niềm đam mê cháy bỏng của bạn về chuyên ngành mình chọn xin học bổng” - Bùi Minh Tuệ, du học sinh đã giành được học bổng Trường ĐH Kinh tế Tài chính London - LSBF (Anh) cách đây hai năm, chia sẻ.
Cách viết bài luận xuất sắc
Những ai đã trải qua các lần xin học bổng đều hiểu sự quan trọng của bài tiểu luận. Điểm số và bảng thành tích tạo ấn tượng đầu tiên, còn chất lượng bài tiểu luận lại quyết định bạn có là người chiến thắng hay không.
Một nguyên tắc viết tiểu luận sao cho cực kỳ ấn tượng được các du học sinh đúc kết đó là: Không có chủ đề dở, chỉ có người viết dở. Người viết phải chú ý giữ trọng tâm và chỉ nên trình bày một điểm duy nhất trong bài viết. Hãy viết ra những suy nghĩ, tình cảm thật của mình và chọn chủ đề mà mình cảm thấy thú vị, làm sao để người đọc hiểu rõ về con người bằng xương bằng thịt của bạn thông qua bài viết.
Bài luận của Phạm Hy Hiếu - người vừa được cùng lúc đến năm trường ĐH của Mỹ chào đón mới đây cho thấy tầm quan trọng của kỹ năng viết. Với đề bài “Hãy kể cho chúng tôi một sự kiện mà bạn cảm thấy hấp dẫn về mặt học thuật”, Hiếu đã mạnh dạn so sánh quá trình tìm tòi phương pháp giải toán hình học của mình giống như… kiếm sĩ Độc Cô Cầu Bại trong tiểu thuyết của Kim Dung. Lối so sánh táo bạo, thông minh và biện chứng của Hiếu để đi đến sự đồng nhất triết lý kiếm thuật của Độc Cô Cầu Bại với triết lý giải toán hình học: “Sử dụng vũ khí yếu hơn sẽ đòi hỏi nhiều sự khéo léo hơn” đã thực sự gây ấn tượng sâu sắc với những người chấm bài luận. Và quan trọng là sự chân thật đằng sau câu chữ, như Hiếu đã chứng minh bằng thực tế: “Tôi đã tiến bộ rất nhiều và cuối cùng, trong kỳ thi chọn đội tuyển dự thi quốc tế của nước mình, tôi là một trong ba thí sinh trong đội tuyển giải được bài toán hình học bằng yếu tố phụ - một cách giải ngắn hơn đáp án của kỳ thi”. Kết quả là bài luận của Hiếu đạt 12 điểm - điểm tuyệt đối.
Điểm cộng lớn cho khiếu hài hước
Ngô Thị Giáng Uyên - người nổi tiếng với các bài viết du ký như cuốn du ký Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương đã kể về cuộc phỏng vấn giành học bổng Chevening năm 2004: “Khả năng hài hước cũng là thế mạnh của tôi đấy. Tôi nhớ lúc trả lời phỏng vấn của hai ông giám đốc marketing ở Unilever trong vòng cuối, họ hỏi tôi nếu tuyển vào không làm marketing mà làm sales thì có đồng ý không. Tôi trả lời có. Hai ông ngạc nhiên bởi hầu hết những người trước đó khi trả lời câu hỏi này, họ đều nói không vì đang ngồi trước hai sếp marketing. “Tại sao phỏng vấn marketing mà làm sales?” - một ông hỏi. Tôi nói: “Tại vì tôi biết nếu làm sales một thời gian thì bộ phận marketing cũng sẽ muốn đưa tôi qua đó nhưng sẽ quá muộn vì sales không đồng ý cho đi”. |
Theo Nhật Tú
Pháp luật TPHCM