Chàng trai 9X Việt và những đóng góp cải cách môn kinh tế cấp quốc tế

(Dân trí) - Với tâm thế tích cực trong học hỏi và cống hiến, Nguyễn Việt Hoàng (SN 1993) đã gặt hái không ít kết quả đáng ngưỡng mộ, đồng thời còn góp phần cải cách chương trình giáo dục môn kinh tế tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới.

Nguyễn Việt Hoàng đang là nghiên cứu sinh ngành Kinh tế chính trị và Kinh tế phát triển tại ĐH Tổng hợp London, Anh quốc và là thủ lĩnh phong trào kêu gọi cho tự do học thuật và đa nguyên trong kinh tế học của sinh viên châu Âu. Việt Hoàng cũng là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2004, gương mặt trẻ thanh niên ASEAN năm 2010.

Các hoạt động/thành tích nổi bật khác:

- Cùng đội tuyển Toán quốc gia 2 lần tham dự cuộc thi Toán quốc tế tại Thái Lan và Ấn Độ năm 2003 và 2004

- Giải 3 cuộc thi HSG Toán và giải 3 cuộc thi HSG Tin học toàn TP năm 2008

- Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, giải thưởng toán học Nguyễn Đình Chung Song

- Khách mời trẻ tuổi nhất tham dự Đại Hội Thi Đua Yêu Nước Toàn Quốc lần VII và Đại Hội Đảng Toàn Quốc lần thứ X

- Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Chủ Tịch UBND TP. HCM

- Học bổng toàn phần khóa học dự bị ĐH tại trường Mander Portman Woodward London, Anh Quốc 2008

- HCB cuộc thi HSG Toán toàn Vương Quốc Anh UKMT năm 2009

- Giải Nhì cuộc thi “Lãi suất 2.0” của Ngân hàng Trung ương Anh dành cho học sinh môn Kinh tế trên toàn Vương quốc Anh, 2010

- Một trong mười thí sinh trên toàn thế giới được nhận vào khóa Cử nhân kinh tế đặc biệt của ĐH Tổng Hợp London, 2011

- Trưởng ban tổ chức hội thảo thường niên của Rethinking Economics lần 2 năm 2014 tại ĐH Tổng hợp London. Hội thảo có sự tham gia của hơn 300 thành viên là các học sinh ưu tú nhất ngành kinh tế đến từ những trường ĐH hàng đầu Châu Âu như Oxford, Cambridge, Sorborne, LSE, UCL, Manchester và hơn 40 diễn giả là những nhà kinh tế học và hoạch định chính sách hàng đầu Vương quốc Anh.


Nguyễn Việt Hoàng với bảng thành tích đáng ngưỡng mộ.

Nguyễn Việt Hoàng với bảng thành tích đáng ngưỡng mộ.

Góp phần cải cách chương trình môn kinh tế tại nhiều trường ĐH nổi tiếng trên thế giới

Nguyễn Việt Hoàng là một chàng trai tài năng và không xa lạ với những giải thưởng Toán học trong và ngoài nước. Năm 2008, khi vừa học hết lớp 9, Hoàng được học bổng sang Anh, từ đó có cơ duyên làm quen và gắn bó với ngành Kinh tế và trở thành một trong những người khởi xướng phong trào kêu gọi cho tự do học thuật và đa nguyên trong kinh tế học của sinh viên châu Âu: Rethinking Economics (RE).

Lý do thực hiện theo Hoàng và các bạn trong nhóm là bởi vì môn kinh tế học đã bộc lộ rõ những nhược điểm của mình sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008-2009, một sự kiện mà gần như không có một nhà kinh tế học dòng chính thống nào đã có thể dự đoán hoặc giải thích được.

"Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà kinh tế học khi đã quá tự tin vào các học thuyết và lý thuyết của mình, tin rằng môn kinh tế học đã là một môn khoa học "chính xác" như Vật lý hay Toán học mà quên mất đi về bản chất môn kinh tế vẫn là một môn khoa học xã hội nghiên cứu về con người, và trong khoa học xã hội thì mọi lý thuyết đều không thể lúc nào cũng chính xác và tất cả mọi học thuyết đều mang tính chất tham khảo, gợi mở", Hoàng nói.

Do đó, tổ chức của Hoàng đã tổ chức các hội thảo thường niên để xem xét lại các vấn đề kinh tế học. Trong năm 2014, Hoàng phụ trách công việc Trưởng ban tổ chức. Mặc dù rất vất vả, thậm chí những tuần cuối cùng, hầu như Hoàng ngủ rất ít, mỗi ngày chỉ có 2 – 3 tiếng, nhưng niềm vui lại lấp đầy, khi được gặp rất nhiều giáo sư, tiến sĩ kinh tế và nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Anh, như giáo sư ĐH Cambridge Ha Joon Chang, Giáo sư – Thượng nghị sĩ Lord Robert Skidelsky…

“Em cùng các bạn trong ban tổ chức từng được giáo sư Skidelsky mời vào văn phòng của ông ở Thượng viện Anh trong tòa nhà Quốc hội để thuyết trình về những điều chúng em đã làm. Chúng em cũng đã nhận lời mời hợp tác ở vai trò ban cố vấn trong dự án cải cách sách giáo khoa kinh tế mà ông đang soạn thảo với sự hỗ trợ của Viện INET, Hoa Kỳ.

Đến tận bây giờ thì em vẫn còn giữ liên lạc với ông cùng các giáo sư trong dự án, và bây giờ thì mọi người vẫn đều nhớ về một chàng trai Việt Nam rất năng động và ham học hỏi”, Hoàng nói.


Việt Hoàng chụp lưu niệm với GS DDH Cambridge Ha Joon Chang tại hội thảo Rethinking Economics London 2014

Việt Hoàng chụp lưu niệm với GS DDH Cambridge Ha Joon Chang tại hội thảo Rethinking Economics London 2014

Hoàng cho biết, sau hội thảo, uy tín của RE tăng lên rất nhiều. Từ một tổ chức sinh viên ít tiếng tăm và ít khả năng thương lượng, sau vài năm hoạt động, đã có mặt hầu hết khắp các mặt báo nổi tiếng của Anh như Financial Times, The Economist, The Guardian,...

Và từ một tổ chức chỉ có vài thành viên đến chủ yếu từ London, Cambridge và Manchester, giờ đã lớn mạnh thành một tổ chức của sinh viên kinh tế học trên toàn thế giới (hơn 100 thành phố trên 50 nước).

Năm 2014 cũng là năm khá thành công của RE khi tổ chức được 2 hội thảo liên tiếp ở London và New York, và đánh dấu sự xuất hiện của RE trên đất Mỹ. Sự kiện ở New York mời được GS Paul Krugman đoạt giải Nobel Kinh Tế năm 2008 đến tham dự phát biểu. Giáo sư cũng đã dành thời gian viết riêng một bài về tổ chức của Hoàng để đăng trên tạp chí New York Times.

Ngoài ra, tổ chức của Hoàng còn lên Der Tagesspielgel (một trong những báo chính thống có lượng bạn đọc đông đảo nhất ở Đức), và thậm chí, trong bài viết, cái tên Hoang Nguyen được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Về mặt giáo dục, các hội thảo của Hoàng cùng các bạn tổ chức đã góp phần cải cách được chương trình việc dạy và học môn kinh tế tại nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới như Cambridge, UCL, Manchester…

Hoàng chia sẻ: “Từ một môn khoa học khô khan và xa rời thực tiễn, giờ môn kinh tế thu hút được lượng lớn sinh viên theo học và đã có nhiều công trình nghiên cứu thực tiễn hơn với xã hội. Tuy những cải cách đó là không hoàn hảo và chưa đạt được những gì chúng em mong muốn nhưng đó là những bước đầu tiên hết sức quan trọng trong tiến trình cải cách môn kinh tế học”.


Việt Hoàng phát biểu tại lễ trao giải Thanh niên tiêu biểu ASEAN 2010

Việt Hoàng phát biểu tại lễ trao giải Thanh niên tiêu biểu ASEAN 2010

Mang thế giới về Việt Nam

Mặc dù là người trẻ sống, học tập và làm việc xa quê hương đã lâu nhưng trong Hoàng luôn canh cánh về trách nhiệm của mình đối với đất nước. Hoàng mong muốn sau này được đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc giải phóng con người khỏi đói nghèo, lạc hậu và tình trạng kém phát triển tại Việt Nam cùng những quốc gia khác trên thế giới.

Đó cũng là lý do tại sao Hoàng mong muốn có cơ hội được làm việc tại Ngân hàng thế giới. “Mục tiêu của Ngân hàng Thế giới là giúp các nước đang phát triển xoá sạch đói nghèo và bất bình đẳng xã hội cũng như hoàn thiện thể chế để cung cấp dịch vụ công được tốt hơn. Đó cũng là những vấn đề mà em hết sức quan tâm", Hoàng chia sẻ.

Ngoài ước mơ to lớn đó ra thì Hoàng cũng còn một ước mơ nho nhỏ khác là đem được những phong trào hoạt động của học sinh sinh viên quốc tế mà Hoàng đã đóng góp một phần không nhỏ về Việt Nam.

Năm 2010, tại London, Hoàng có cơ hội tham dự một cuộc thi dành cho học sinh môn kinh tế mang tên "Mục Tiêu 2.0" do Ngân hàng trung ương Anh phối hợp với báo Times tổ chức. Mỗi thí sinh có 10 phút trình bày cho câu hỏi "Nếu bạn là Thống đốc ngân hàng Nhà nước Anh hiện tại thì bạn sẽ làm cách nào để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô và kéo lạm phát về mức mà Chính Phủ đưa ra là 2%?"

“Em thấy những hoạt động đó hết sức thiết thực cho những người trẻ, làm họ quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề chính trị, xã hội quan trọng của đất nước. Thiết nghĩ các cơ quan ban ngành tạo điều kiện cho các bạn trẻ tham gia những sân chơi học thuật bổ ích như vậy để các bạn biết thêm về tình hình của đất nước và từ đó ra sức thêm phấn đấu”.


Việt Hoàng và chương trình Rethinking Economics từng được báo Đức giới thiệu.

Việt Hoàng và chương trình Rethinking Economics từng được báo Đức giới thiệu.

Và cũng chính từ ước mơ "tạo ra cho các bạn trẻ những sân chơi học thuật bổ ích như vậy" nên trong năm mới 2017 này, Hoàng và một nhóm các bạn đang học kinh tế ở Thủ đô sẽ ra mắt một tổ chức mang tên Broaden Economics tại Hà Nội, xuất phát từ mong muốn khuấy động/phát động phong trào tự học, tự đọc và quan trọng nhất là nâng cao tư duy phản biện cho những người trẻ.

Những bạn trẻ mong muốn tham gia chương trình/nhóm này thì liên hệ qua địa chỉ email của Hoàng: hoang@rethinkeconomics.org

Hoàng Dung