Chấm thi trắc nghiệm: Có đảm bảo tính khách quan?

(Dân trí) - Trước thông tin cho rằng việc chấm thi trắc nghiệm quá rườm rà, việc quy đổi từ thang điểm 100 sang thang điểm 10 chưa đảm bảo công bằng cho thí sinh... Dân trí đã có cuộc trao đổi với T.S Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục khảo thí thuộc Bộ GD-ĐT.

Thưa ông, Bộ GD-ĐT có nhất thiết phải yêu cầu các trường gửi các file dữ liệu về Bộ thì mới được nhận đáp án để chấm?

 

Đây là điều bắt buộc phải làm. Hình thức thi tự luận có nhược điểm là không thể kiểm soát tập trung việc chấm bài; do đó có trường hợp tự ý nâng điểm cho thí sinh, như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006. Nhược điểm này có thể khắc phục được bằng phương pháp thi trắc nghiệm.

 

Trong quy trình chấm thi trắc nghiệm (bằng máy), khâu đầu tiên là quét tất cả các bài thi và niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu bài làm của thí sinh để lưu giữ tại nơi chấm thi; đồng thời, niêm phong một đĩa CD như vậy gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc này cho phép kiểm soát và giám sát được khâu chấm thi ở tất cả các đơn vị.

 

Ngay sau khi nhận được dữ liệu từ đơn vị gửi về, Bộ gửi các file chứa đáp án hoán vị để các đơn vị chấm bài.

 

Với việc yêu cầu các trường như vậy thì có làm chậm trễ việc chấm thi trắc nghiệm không, thưa ông?

 

Đúng là ở đây có sự phụ thuộc vào thời gian các trường gửi về Bộ đĩa CD chứa dữ liệu và Bộ gửi đĩa CD đáp án về các trường. Chúng tôi đang suy nghĩ về một phương án khác, để các trường có thể chấm ngay sau khi quét toàn bộ các bài thi và niêm phong đĩa dữ liệu; mặt khác, vẫn đảm bảo kiểm soát được kết quả chấm thi.

 

Như vậy, ở đây vẫn có kẽ hở để gian lận nên chưa thể tin tưởng hoàn toàn vào người chấm thi?

 

Trong thi cử, bên cạnh sự tin tưởng vào thí sinh và những người tham gia còn phải có hệ thống quy chế, biện pháp kỹ thuật để kiểm soát, chống tiêu cực, gian lận, chẳng hạn như việc niêm phong túi đề thi đến từng phòng thi hay việc rọc phách bài thi tự luận v.v… và nhiều biện pháp khác.

 

Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT thu thập dữ liệu quét bài để từ đó điều chỉnh thang điểm theo ý muốn, chạy theo “thành tích” nào đó, ông đánh giá thế nào về việc này?

 

Hoàn toàn không phải như vậy, trong một bài thi trắc nghiệm, tất cả các câu trắc nghiệm đều bằng điểm nhau, điểm tối đa của toàn bài là 10 điểm như bài tự luận. Việc làm tròn điểm (theo quy chế) của bài trắc nghiệm do máy tính thực hiện theo quy tắc toán học, đảm bảo đồng nhất giữa các bài thi.

 

Như vậy, phương án chấm bài trắc nghiệm là công khai; khâu chấm chính thức bài thi chỉ phụ thuộc vào đáp án hoán vị của phiên bản (mã đề thi). Quy trình này đã được xác định trước khi chúng ta áp dụng phương pháp trắc nghiệm và đã được tập huấn kỹ cho tất cả các trường trong thời gian qua.

 

Tiến độ chấm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng tính cho đến thời điểm này đã hoàn thành chưa, thưa ông?

 

Theo thông tin từ các trường, công việc chấm thi đã được tiến hành đúng tiến độ. Kết quả quét bài thi trắc nghiệm đã cơ bản hoàn thành, đa số các trường đã gửi các file dữ liệu về Bộ và nhận được đáp án hoán vị để chấm. Một số trường đã hoàn tất toàn bộ khâu chấm bài (cả trắc nghiệm, tự luận) và đã công bố điểm thi. Dự kiến tất cả các trường sẽ hoàn thành khâu chấm thi sớm hơn trước.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Hùng
(Thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm