Chấm thi THPT quốc gia 2019: Mã hóa đáp án thi trắc nghiệm
(Dân trí) - Phát biểu tại buổi họp báo kết thúc kì thi THPT quốc gia 2019 vào chiều 27/6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, công tác chấm thi sẽ tiến hành ngay sau khi kết thúc kì thi. Ngoài việc đánh phách điện tử, đáp án môn thi trắc nghiệm cũng được mã hóa để hạn chế tiêu cực trong khâu chấm.
Camera ghi hình 24/24
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, việc gian lận thi cử đến từ khâu chấm thi khiến nhiều người lo ngại.
Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên về việc hạn chế gian lận khi chấm thi, ông Mai Văn Trinh cho hay, với những thay đổi về mặt kĩ thuật năm nay, khả năng hạn chế gian lận.
Tuy nhiên, thực hiện nó là con người, do vậy mỗi cán bộ giáo viên phải làm hết chức năng nhiệm vụ của mình, đồng thời địa phương cần lựa chọn những người có đủ năng lực và phẩm chất thực hiện.
Cụ thể, một trong những điểm mới đó là phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã được sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện để khắc phục lỗ hổng có thể dẫn tới tiêu cực. Trong đó, các bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử.
Người chấm nếu nhìn thấy bài thi thì không nhìn thấy phách, còn nhìn thấy phách thì không thấy bài của thí sinh.
Về quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm, theo quy định tại khoản 2, Điều 23 Quy chế thi.
Phiếu trả lời trắc nghiệm được quét theo từng phòng thi. Thư ký cắt miệng túi bài thi, kiểm điểm phiếu trả lời trắc nghiệm đối chiếu với số phiếu trả lời trắc nghiệm ghi trên túi bài thi và phiếu thu bài, chuyển phiếu trả lời trắc nghiệm cho cán bộ kỹ thuật nạp vào máy quét.
Quét xong phiếu trả lời trắc nghiệm của túi nào, phiếu trả lời trắc nghiệm được thư ký kiểm đếm, đóng lại túi đó và niêm phong theo quy định.
Sao lưu toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) ra đĩa CD hoặc DVD (gọi là CD0) thành 3 bộ đĩa giống nhau, bàn giao 1 đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.
Thực hiện chức năng nhận dạng ảnh của phần mềm chấm thi trắc nghiệm để chuyển dữ liệu ảnh bài làm của thí sinh thành kết quả dưới dạng văn bản đã được mã hóa.
Toàn bộ dữ liệu đã nhận dạng (dạng văn bản đã mã hóa) và ghi ra đĩa 3 bộ CD hoặc DVD (gọi là CD1) giống nhau bàn giao 1 bộ đĩa cho Chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa Ban Chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, 1 bộ đĩa gửi về Bộ GD&ĐT.
Hệ thống máy móc để Trường ĐHBK Hà Nội chuẩn bị chấm thi tại địa phương
Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín.
Dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa và chỉ có thể giải mã khi Bộ GD&ĐT cấp khóa giải mã.
Rút kinh nghiệm của kì thi năm 2018, năm nay camera an ninh giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm.
Có bộ lưu điện dự phòng đảm bảo hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới.
Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ của camera được niêm phong và lưu giữ ít nhất một năm.
Bộ GD&ĐT kiểm tra phòng lưu trữ bài thi và các thiết bị chống cháy tại một địa phương
Muốn sửa phải được Bộ cấp mã
Về việc chấm các bài thi tự luận, theo ông Trinh, phải thực hiện triệt để cách li trong quá trình làm phách.
Thứ hai, khâu chấm phải thực hiện nghiêm túc 2 vòng độc lập, bốc thăm chấm. Trong quá trình đó, phải có camera an ninh.
Tiếp theo, việc chấm kiểm tra tối thiểu 5%. Trong đó các bài thi điểm cao của môn Ngữ văn ở các hội đồng thi sẽ được mang ra để chấm kiểm tra.
Ngay cả việc nhập kết quả môn thi Ngữ văn năm nay phải được tiến hành hai vòng độc lập, khi đối sánh không có lỗi gì mới nhập lên được hệ thống. Nếu Hội đồng nào làm tắt thì sẽ bị phần mềm của Hội đồng thi quốc gia phát hiện ngay.
Ở chấm thi trắc nghiệm, ngoài các thay đổi về kĩ thuật trên đây, ông Mai Văn Trinh cho hay, ngay cả đáp án chấm trắc nghiệm cũng được mã hoá và chỉ được giải mã bằng công cụ giải mã.
Do vậy, Bộ GD&ĐT chưa công bố ngay đáp án sau khi môn thi cuối cùng kết thúc như mọi năm mà sẽ công bố vào thời điểm thích hợp sao cho đáp ứng hai mục tiêu: Phù hợp với tiến độ chấm thi và có thêm kênh giám sát để có đủ thời gian xử lý.
Camera an ninh giám sát việc chấm thi tại Thanh Hoá
“Đặc biệt, nnếu người chấm thi có khâu nào sai trước đó, đều không thể tự quay lại chỉnh sửa mà phải được Bộ GD&ĐT cấp một mã để vào sửa.
Với giải pháp kĩ thuật như vậy, nếu thực hiện tốt sẽ hạn chế được tiêu cực”, ông Trinh cho hay.
Ngoài ra cũng theo ông Trinh, việc chấm thi hiện phụ thuộc rất lớn vào các trường ĐH. Công tác tập huấn và triển khai hệ thống máy móc chấm thi đã được Bộ GD&ĐT thực hiện từ tháng 4/2019 và hiện chưa có địa phương nào yêu cầu hỗ trợ gì lớn.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, hiện các đoàn thanh tra chấm thi THPT quốc gia 2019 đã "xuất quân", ngày 28/6 sẽ chính thức làm việc. Năm nay đoàn thanh tra tổ chức có quy mô, kỹ lưỡng hơn. Bộ GD&ĐT thành lập các đoàn thanh tra đến tất cả 63 Hội đồng thi với số lượng nhiều hơn năm ngoái.
Bên cạnh 2 cán bộ từ trường đại học, thành phần các đoàn thanh tra sẽ có thêm 1 thanh tra nữa là cán bộ địa phương. Đặc biệt, thanh tra sẽ không làm việc tại địa phương mình.
“Ngay sau khi kết thúc ngày thi cuối cùng, đã có những thông tin ban đầu về việc chấm thi được các đoàn này chuyển về Bộ GD&ĐT”, ông Bằng khẳng định.
Mỹ Hà