Chấm thi ĐH: Day dứt từ những bài văn vô hồn, lãnh cảm
Một nhóm giáo viên chấm văn phải kêu trời vì lỗi chính tả trong bài thi văn "nhiều như trấu": "dòng thơ bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm lãng mạng ơi là lãng mạng", "Nguyễn Khoa Điềm sáng tạo ra âm hưởng chữ tình trính chị để xây nên một Mặt đường khát vọng hoành tráng"...
Trong khi các trường khối A đang "hưng phấn" vì điểm thi cao đến mức khó tin thì điểm môn Văn của hai khối C, D lại ảm đạm hơn nhiều. Tại khoa Văn, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), 9.000 bài thi khối C đã chấm xong thì chỉ có 2 điểm 9, ít nhất trong những năm gần đây, trong khi điểm 4, 5, 6 lại tăng đột biến khiến những trường lấy môn Văn làm chủ đạo "bối rối" và dường như những trăn trở xung quanh chuyện dạy và học văn vẫn chưa thể dứt…
"Văn dốt, chữ nát"
Theo PGS.TS Hà Văn Đức, Chủ nhiệm khoa Văn ĐH KHXH&NV thì năm nay số điểm 0, 1, 2 đã vãn hẳn cho thấy chất lượng bài thi đồng đều hơn. Thế nhưng, điểm nhàng nhàng quá nhiều chứng tỏ đề thi phân hóa rất kém và chắc chắn, những trường cần kén chọn thí sinh có năng lực văn chương thực sự sẽ gặp không ít khó khăn. PGS Hà Văn Đức cho biết, khi đã tuyển đầu vào xong, khoa Văn thường phải làm thêm một động tác tuyển chọn để "lọc" những em giỏi vào lớp chất lượng cao.
Tại một hội đồng chấm thi, một tiến sĩ văn học rất mệt mỏi khi đón túi bài thi có khoảng 36 bài nhưng chấm mãi toàn là những bài văn đều đều, thậm chí vô hồn và vô cảm. Chị nêu ví dụ, truyện ngắn Vợ nhặt, một tác phẩm mang đậm tình người của nhà văn Kim Lân trước đây đề thi hay yêu cầu phân tích nhân vật Tràng, nhưng năm nay, đề thi Văn (khối D) yêu cầu phân tích cả 3 nhân vật là cụ Tứ, Tràng và cô vợ nhặt của Tràng, từ đó khái quát vấn đề tình người và niềm hy vọng, thế nhưng có không ít thí sinh viết “ba lăng nhăng” vì lâu nay, họ quen thói bê nguyên xi một bài văn mẫu ở lò luyện thi vào bài thi.
Có em lại còn lạc đề một cách khó hiểu như: đề yêu cầu phân tích nhân vật Hộ trong Đời thừa của Nam Cao thì lại đi phân tích nhân vật Độ trong tác phẩm Đôi mắt ! Ngay cả khi lạc đề vào tác phẩm này, không thể hiểu nổi vì sao những câu văn vô nghĩa của kỳ thi trước lại lặp nguyên vẹn tại kỳ thi này: Con người ta mới có đôi mắt; Mỗi người có hai con mắt, một con mắt sinh học và một con mắt tâm linh. Một nhóm giáo viên chấm văn phải kêu trời vì lỗi chính tả trong bài thi văn "nhiều như trấu": dòng thơ bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm lãng mạng ơi là lãng mạng; Nguyễn Khoa Điềm sáng tạo ra âm hưởng chữ tình trính chị để xây nên một Mặt đường khát vọng hoành tráng; Cuộc sống mà Nam Cao không bàng quang…
Phản cảm biết bao là những bài văn chữ xấu loằng ngoằng như chữ của người Ả Rập, đến mức mà TS Văn học Lý Hoài Thu, khoa Văn Trường KHXH&NV phải thốt lên: "Tôi không thể hiểu nổi vì sao "chúng" lại học hết cấp ba và cũng đi thi đại học".
Ai đang giết chết nền văn học ?
Khoan hãy bàn đến hàng ngàn bài văn chất lượng tầm tầm, điều day dứt, đáng để suy ngẫm lúc này chính là thái độ "lãnh cảm" của rất đông học sinh phổ thông với văn chương, dù rằng môn học này dạy ta bài học làm người. Có quá nhiều lý do của câu chuyện buồn này. Giảng viên Bùi Việt Thắng, khoa Văn ĐH KHXH&NV cho rằng, việc phân tiết học quá hạn hẹp trong khi cơ cấu chương trình quá nặng nề buộc học sinh phải học văn theo kiểu "nhồi nhét", hiểu tác phẩm đã khó, nói chi đến sự rung cảm.
Thạc sĩ Thu Hòa, nguyên là giáo viên chuyên Văn của Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), hiện đang công tác tại một viện khoa học bức xúc cho tôi xem một cuốn sách tham khảo văn của NXB ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong đó lỗi sai về tư tưởng, trích dẫn nhiều không kể xiết. Người yêu thơ từng thổn thức với bài Thu ẩm của Nguyễn Khuyến bởi câu thơ: Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe, vậy mà cuốn sách lại viết: Mắt lão không viền cũng đỏ hoe.
Nhà thơ Xuân Diệu, người vốn nổi tiếng "kỵ" bị sửa bản thảo, nếu còn sống chắc ông sẽ "kiện" khi câu thơ Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua... của ông được cuốn sách trên viết rằng: Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua. Truyện Kiều của Nguyễn Du mãi mãi đằm thắm giá trị nhân bản vì những câu thơ chất chứa tâm trạng: Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san, ai ngờ nhóm tác giả "biến dị" thành: Rừng thu nay đã nhuốm màu quan san. Nhà thơ Nguyễn Công Trứ vốn "ngất ngưởng", kiêu bạc, bản ngã mạnh mẽ, nhưng cuốn sách lại "tán" nhà thơ "nép mình chốn cửa Phật"...
Đây có lẽ chỉ là một trong vô vàn những cuốn sách văn kém chất lượng đang làm rối loạn thị trường sách, sách sai, nói gì đến chuyện học văn tốt và theo cô giáo Thu Hòa, rất nhiều thí sinh thi đại học đã bị "chết oan".
Theo Thu Phương - Vũ Thơ
Thanh Niên