Quảng Trị:
Chăm lo sự nghiệp khuyến học, khuyến tài theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Dân trí) - Ngày 27/8, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Đại Nam - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị nhấn mạnh: Khuyến học khuyến tài, học tập suốt đời là một phần trong tư tưởng vĩ đại và đạo đức cao đẹp của Bác.
Hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” là dịp để ôn lại di huấn của Người về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhìn nhận lại kết quả sau 50 năm thực hiện di chúc của Bác về sự nghiệp trồng người, về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Đồng thời, để khẳng định, thống nhất một số công việc cần thực hiện về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH, từng bước đẩy mạnh sự phát triển kinh tế tri thức, tiếp cận nhanh hơn nữa những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội thảo có 3 nhóm vấn đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Hội khuyến học các cấp tỉnh Quảng Trị làm theo lời dạy của Bác, thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Định hướng nhiệm vụ học tập suốt đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ông Hồ Đại Nam – Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị nhấn mạnh: Khuyến học khuyến tài, học tập suốt đời là một phần trong tư tưởng vĩ đại và đạo đức cao đẹp của Bác.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị đánh giá, bằng tình cảm của mình, các cơ quan đơn vị đã có bài tham luận về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tham luận có chất lượng tốt, tiếp cận trên nhiều góc độ, đề cập nhiều vấn đề mới, thể hiện sự tinh tế và sâu sắc nhận thức, suy nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, công lao của người với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nói lên những việc làm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện lời dạy của Người.
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Trương Sỹ Tiến - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, sự học của Bác là một quá trình vượt qua bao khó khăn gian khổ nhưng với động cơ cao cả cùng với dũng khí tự cường dân tộc đã là gốc rễ, là động lực tạo ra một nghị lực phi thường và bền bỉ cho quá trình vượt khó đó. Bác Hồ là tấm gương sáng của việc tự học. Với Bác Hồ, học là công việc thường xuyên, liên tục, suốt đời. Bác Hồ đã nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và hạ quyết tâm “Phải làm cho dân tộc Việt Nam trở nên một dân tộc thông thái”.
Về công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh với khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ông Võ Trường Sơn - Phó Trưởng ban Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng, trong quan điểm của Bác, việc dân vận rất quan trọng; đối tương công tác dân vận là nhân dân; mục tiêu công tác dân vận là mục tiêu chung của cách mạng; nội dung cơ bản của công tác dân vận là tổ chức lực lượng nhân dân để thực hiện mục tiêu chung của cách mạng; cách làm công tác dân vận là phải tiến hành trước hết từ cơ sở, nắm chắc và vận động nhân dân từ cơ sở. “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân vận và công tác dân vận, trong những năm qua Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị đã chủ động phối hợp tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt, triển khai thực hiện, hướng dẫn chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; kịp thời hỗ trợ, động viên cả về vật chất và tinh thần cho các đối tượng học sinh, sinh viên vượt khó, vươn lên học giỏi; xây dựng hệ thống tổ chức hội vững mạnh và hoạt động hiệu quả từ tỉnh hội đến cơ sở.
Đại tá Ngô Xuân Thường - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết, Bộ đội biên phòng Quảng Trị thực hiện di chúc Bác Hồ vì sự nghiệp trồng người. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã kiên trì bám trụ, bám dân, bám địa bàn, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới.
Những chiến sĩ biên phòng được nhân dân trìu mến gọi bằng những “Thầy giáo quân hàm xanh”đã luôn đồng hành cùng với các thầy cô giáo chăm lo sự nghiệp trồng người nơi biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên mọi miền Tổ quốc. Trong những năm qua, không chỉ phát huy và làm sáng mãi phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, mà những hoạt động đó của họ đã góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục, xây dựng xã hội học tập ở khu vực biên giới ngày càng phát triển.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Trị cho rằng, học tập tư tưởng của Bác, mỗi tổ chức cá nhân cần xây dựng nội dung và cách làm phù hợp.
Phát biểu kết luận hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Trị nêu: 50 năm nhìn lại, Hội Khuyến học Quảng Trị đã thể hiện nhuần nhuyễn giữa tư tưởng của Bác về học tập suốt đời - của ý Đảng và lòng dân xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và “Cộng đồng học tập” cấp xã được nhân dân đồng thuận và đón nhận rất hào hứng, lan tỏa.
Nghiên cứu quán triệt bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những di huấn của Người, chúng ta cần hiểu rằng, Người nêu vấn đề trong điều kiện cụ thể của xã hội, nhưng phải khai thác được cách nghĩ và cách nhìn của Người để liên hệ với hoàn cảnh hôm nay. Đó chính là mục đích, thông điệp hội thảo “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập”.
Lãnh đạo Hội Khuyến học nhấn mạnh: “Mỗi tổ chức cá nhân cần rút ra những nội dung và lựa chọn cách làm thật phù hợp để truyền được cảm hứng và ý chí học hành suốt đời cùng những chủ trương và chỉ đạo sáng suốt của Bác Hồ tới mọi người. Phấn đấu trở thành công dân học tập, gia đình chúng ta là gia đình học tập nơi ta sinh sống là “Cộng đồng học tập”, cơ quan nơi ta làm việc là đơn vị học tập. Làm được điều này là chúng ta đã làm theo di chúc của Bác Hồ vĩ đại”.
Đ. Đức