Cha mẹ cần định hướng việc sử dụng tiền lì xì của con
(Dân trí) - Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, bạn bè, người thân đến nhà để chúc Tết, đồng thời không quên lì xì (hay còn gọi là mừng tuổi) khi gặp trẻ con.
Mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa, là lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc. Qua vài ngày Tết, hai đứa con tôi nhận vài triệu đồng tiền lì xì, đây là số tiền rất lớn đối với các con.
Con tôi còn nhỏ, chẳng để ý đến mệnh giá tiền là bao nhiêu, cháu chỉ biết nhận và giữ thật kỹ. Khi vợ tôi đề nghị giữ hộ thì các cháu nhất quyết không chịu, vì các cháu cho rằng đây là tiền của mình, bố mẹ không có quyền lấy.
Đúng là tiền của các con, nhưng các con còn nhỏ nếu giữ số tiền lớn là không tốt, bởi các cháu chưa biết cách chi tiêu, có thể bị lợi dụng và dụ dỗ chiếm đoạt hoặc ham chơi dễ đánh rơi.
Việc đầu tiên mà con tôi muốn xài tiền lì xì là mua những món đồ chơi mình thích như: Điện thoại thông minh để chơi game, súng đồ chơi, siêu nhân hoặc các loại đồ chơi điện tử khác,... chứ không thích mua quần áo hay đồ dùng học tập.
Tôi khuyên các con không nên chi tiêu như thế, vì mua những thứ như con thích vừa tốn kém, dễ hư hỏng, chơi được lúc là chán, con nên mua quần áo mới, đồ dùng học tập hay truyện tranh dân gian để đọc,… thì các con lại không chịu. Chính vì vậy, tôi rất lo lắng, vì nếu con sử dụng đồng tiền vào những việc mình thích nhưng không hợp với lứa tuổi sẽ gây ra những tác hại khôn lường.
Tết Nguyên đán năm nay, xuất hiện thông tin nếu cha mẹ giữ hết tiền lì xì của con có thể bị phạt đến 30 triệu đồng. Thông tin này đã làm cho nhiều cha mẹ lúng túng và khó xử. Tuy nhiên, cần phải nhận thức đúng về quy định này.
Theo quy định tại Điều 58 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về hành vi bạo lực về kinh tế như "người nào có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng. Theo đó, chỉ khi có hành vi "chiếm đoạt tài sản riêng" của thành viên trong gia đình (cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em...) mới bị phạt 20 đến 30 triệu đồng.
Căn cứ để xử phạt cha mẹ giữ tiền lì xì của con, thì người có thẩm quyền cần xem xét đây có phải là hành vi "chiếm đoạt tài sản riêng của con" hay không. Nếu giữ tiền lì xì của con với mục đích là để con tiết kiệm tiền, không tiêu sai mục đích và dùng để chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày của con thì không bị phạt.
Do đó, việc cha mẹ giữ tiền lì xì của con thực chất là giữ hộ và thay mặt con để chi tiêu vì lợi ích của con chứ không sử dụng tiền lì xì vào mục đích riêng của cha mẹ. Khi các con có nhu cầu sử dụng tiền lì xì thì cha mẹ phải trả lại cho con nhưng phải giám sát, định hướng để con sử dụng đúng mục đích.
Tết Nguyên đán vừa qua, con tôi đã chủ động đưa hết số tiền lì xì cho vợ tôi giữ và không bao giờ quên là mình có tổng số tiền là bao nhiêu. Và tôi, bắt đầu định hướng cho con cách xài tiền lì xì một cách hợp lý như: ngoài mua những món đồ chơi con thích thì cũng cần phải mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập hay có thể sử dụng tiền lì xì để tham gia các trò chơi giải trí bổ ích. Tôi đề nghị các con nên mở sổ để theo dõi việc sử dụng tiền lì xì, vừa để quản lý, vừa để cân nhắc trong việc chi tiêu của mình.
Lúc đầu con tôi cảm thấy hơi khó chịu vì bị kiểm soát, định hướng chi tiêu nhưng sau đó thì cháu nhận ra là mình có thể mua được nhiều đồ dùng học tập hay đồ chơi mình thích, vừa làm cha mẹ vui và quan trọng nhất là mình vẫn còn một khoản tiền tiết kiệm để dành sau này sử dụng. Đặc biệt, là các con không phải bận tâm, lo lắng vì phải tự mình giữ tiền hay phải suy nghĩ nên tiêu vào việc gì, thay vào đó, cha mẹ đã thay mình làm việc này.
Dạy con cách xài tiền là một vấn đề rất quan trọng trong việc giáo dục các con, thông qua đó, định hướng cho các con sử dụng tiền một cách hợp lý, đúng cách, khoa học, tiết kiệm và không lãng phí; qua đó, sẽ góp phần quyết định trong việc hình thành tính cách của các con về sau.
Đỗ Văn Nhân