Gia Lai:
Cậu học trò mồ côi vùng “chảo lửa” nuôi ước mơ thành kĩ sư
(Dân trí) - Sinh và và lớn lên trong vùng “chảo lửa”, em Ksor Phe (18 tuổi, học sinh đồng bào Jrai, trú tại xã Uar, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) từ nhỏ đã phải mồ côi bố, mẹ. Sống ở vùng khó, hàng ngày phải vượt hàng chục km để đi học, nhưng Phe vẫn kiên trì đi học, nuôi ước thành một kĩ sư thông tin.
Những ngày giáp kỳ thi THPT quốc gia 2019, học sinh Ksor Phe (lớp 12, Trường DTNT tỉnh Gia Lai) vẫn đang miệt mài ôn tập, tổng hợp lại kiến thức để đạt được kết quả cao. Đặc biệt, cậu học trò nghèo này còn tham gia các buổi học nhóm để cùng trao đổi kiến thức và kèm cặp một số bạn học sinh yếu khác.
Nhìn từ xa, Phe có dáng người đen và gầy nhưng tìm ẩn trong cậu là cả nghị lực và ý chí kiên cường trong 12 năm học vừa qua. Kể về hoàn cảnh gia đình mình, Phe cho biết, em sinh ra và lớn lên từ vùng đất Krông Pa, nơi đó đất đai cằn cỗi. Hầu như, làng chỉ có cây sắn mới trụ được. Học sinh đồng bào cũng chỉ học đến lớp 9 là phải vào rừng cuốc nương rẫy, săn bắt để mưu sinh…
Phe vừa lên 3 tuổi thì mẹ em bị bệnh rồi mất đi. Kể từ ngày đó, bố trở nên buồn bực, suốt ngày đi uống rượu và la mắng 7 chị em Phe. Một năm sau, bố Phe cũng bỏ đi lấy vợ khác và mất liên lạc từ đó. Lên 4 tuổi, Phe và 6 chị em cùng lên rừng mót măng, xuống ruộng nhặt lúa…Dưới cái nắng ở vùng “chảo lửa”, nhưng dân làng vẫn thấy 7 chị em nhà Phe đi mót khoai, mót lúa kiếm cơm, khắp cánh rừng Buôn Choanh đều in hằn dấu chân của chị em nhà Phe.
Cũng nhờ những hạt lúa mót đã nuôi lớn cậu bé mồ côi. Lần lượt các anh chị đi lấy chồng nên Phe phải ở cùng với gia đình người chị cả. Lúc ấy, gia đình chị cả cũng khó khăn lắm nên lên 7 tuổi Phe bắt đầu đi chăn bò, nhặt lúa thuê cho bà con trong làng để phụ giúp anh chị. Nhiều lần, Phe cũng đã có ý bỏ học vì gia đình quá nghèo nhưng chị cả đã khuyên và nuôi dưỡng ước mơ cho Phe.
Sống trong gia đình mồ côi, Phe và 6 chị em phải mưu sinh kiếm sống từ nhỏ.
Với ý chí nghị lực của cậu bé mồ côi, trong tiểu học Phe có 5 năm liền dành danh hiệu học sinh giỏi, dân làng thương cậu học trò nghèo mà “sáng dạ” nên cũng hay cho gạo, khoai để nuôi Phe khôn lớn. Vì 5 liền học sinh giỏi, lại mồ côi bố mẹ nên Phe được cho vào trường dân tộc nội trú học. Chính điều này cũng đã san sẻ bớt gánh nặng cho gia đình người chị cả.
Được tạo mọi điều kiện tốt nhất nên Phe luôn chăm chỉ, tự giác trong quá trình học tập. Cuối tuần hay lễ tết được nghỉ là cậu học trò nghèo lại về với Buôn Choanh để giúp nhà chị cả lên nương rẫy để trồng lúa và đi chăn hàng chục con bà thuê nhằm phần nào đỡ đần, có thêm chi phí sinh hoạt.
Tuy hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tiếp xúc với đồ điện tử nhưng cậu học trò nghèo lại luôn tự mày mò, tìm tòi để nghiên cứu, chế tạo nhiều máy... Phe tâm sự: “Biết gia đình chị nghèo lại phải lo cho em ăn học nên em cũng luôn cố gắng học tập, bớt chi tiêu để dành dụ tiền để phục vụ cho chi phí học tập. Bản thân em mất bố mẹ từ nhỏ nên cũng có phần nào buồn nhưng đó cũng là động lực để em cố gắng học tập và nỗ lực hơn nhằm mai sau có công việc ổn định có thể tự nuôi sống bản thân mình, phụ giúp gia đình chị”.
“Chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia em rất tự tin với lượng kiến thức em nắm được. Em đã ôn tập cho khối tự nhiên với các môn Toán, Hóa, Lý, Sinh và đăng kí vào trường Công nghệ Thông tin Đà Nẵng với quyết tâm đậu để và ra trường làm một kĩ sư thông tin”, Phe bộc bạch.
Phạm Hoàng