Huế:

Câu chuyện về đào tạo “thế hệ vàng” ở trường Đại học Y Dược Huế

(Dân trí) - Trong những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện rất thú vị trước tấm lòng tâm huyết, luôn trăn trở và rộng mở về đào tạo thế hệ trẻ của GS.TS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Đại học (ĐH) Y Dược Huế.

PV: Là 1 trong 3 “cái nôi” đào tạo các thế hệ y bác sĩ của cả nước, xin giáo sư cho biết quá trình tuyển chọn, sàng lọc các sinh viên (SV) ưu tú nhất ở trường ĐH Y Dược Huế? Là khối ngành chuyên biệt Y Dược đầy thử thách, SV vào trường phải hoàn thành các nhiệm vụ học tập khó khăn gì? Đặc biệt các SV xuất sắc phải đáp ứng yêu cầu khắt khe nào từ thầy cô giáo? Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) cho SV được nhà trường đặt ra với những mục tiêu như thế nào?

GS. Cao Ngọc Thành: Ở mỗi trường đại học đều có quá trình tuyển chọn sàng lọc đặc thù và tiêu chuẩn khác nhau. Tuy nhiên khối trường Y Dược có yêu cầu cao, thuộc dạng cao nhất trong các khối ngành bậc đại học. Vì cao nhất như vậy nên mức độ cạnh tranh của Y Dược rất khốc liệt. Trường chỉ tuyển các em có điểm trên sàng cao nhất. Như năm này, trường có điểm chuẩn vào trường hơn gần gấp đôi điểm sàng. Đặc biệt khối Y Đa khoa có điểm chuẩn cao nhất, gần như tương đồng với điểm chuẩn với 2 trường ĐH Y Dược tại hai đầu đất nước, chỉ chênh lệch nửa điểm.

Nhà trường có 1 truyền thống là duy trì đảm bảo chất lượng đào tạo một cách xuyên suốt, đồng đều từ lúc các em vào trường cho đến khi ra trường, chứ không buộc phải dồn sức cho những năm cuối. Môn nào cũng quan trọng buộc các em phải cố gắng. Nên đây gọi là duy trì “văn hóa chất lượng” trong đào tạo. Nếu như trường không duy trì một cách liên tục thì sẽ trồi trụt theo thời gian, chất lượng SV sẽ không đảm bảo.

Về nhiệm vụ, tổng thời gian SV trường học gấp rưỡi so với các ngành khác. Lượng thời gian học trong ngày, trong tháng cũng nhiều hơn. Do đặc thù nên khối lượng kiến thức kỹ năng được chia thành 3 khối là: khối kiến thức Kỹ năng Khoa học cơ bản (chủ yếu là năm 1), khối Y học Cơ sở (chủ yếu năm 1,2,3) và khối Y học Lâm sàng (chủ yếu năm 4,5,6). Trong mỗi khối đều có phần lý thuyết và thực hành với các yêu cầu cao. Thông qua việc học 3 khối này, nhà trường sẽ định hướng, xây dựng thái độ đúng đắn cho SV.

GS. Cao Ngọc Thành đang giảng dạy cho SV trường
GS. Cao Ngọc Thành đang giảng dạy cho SV trường

Đây là một yêu cầu rất cao, rất khó khăn, đặc biệt trong khối Y học Lâm sàng thì SV Y khoa phải tương tác với người bệnh, bắt đầu áp dụng các kiến thức đã học để điều trị, chăm sóc người bệnh dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Qua 6 năm học, yêu cầu khắt khe từ giáo viên là SV phải có đủ kiến thức – kỹ năng – thái độ đúng đắn về nghề, hay gọi cách khác thì các em phải “tinh thông về y lý, sáng về y đức và giỏi về y thuật”.

Song hành với học tập chuyên môn, SV được yêu cầu tham gia NCKH. Đây là một nội dung nằm trong chương trình đào tạo. Mục tiêu hoạt động này là làm cho SV bắt đầu làm quen với công tác NCKH. Đã có nhiều em bắt đầu NCKH từ năm 2, năm 3. Tiếp đến, sẽ tạo điều kiện cho SV tiếp cận sớm với những thành quả của KHCN và giúp các em hình thành sớm tác phong khoa học, và quan trọng nhất là niềm đam mê với khoa học. Cuối cùng là sẽ giúp tạo ra các bằng chứng khoa học.

Trên thế giới ở lĩnh vực y học, đây là xu hướng mới khi bằng chứng khoa học chính là sự cung cấp các hiệu quả về y học. Nói nôm na, việc NCKH tạo ra các bằng chứng mới, hiệu quả hơn, giúp người bệnh nên họ có nhiều sự lựa chọn hơn. SV Y khoa của trường tích cực làm NCKH sẽ tạo ra nhiều bằng chứng khoa học, dù có độ nặng nhỏ đi chăng nữa nhưng sẽ đóng góp vào kho tàng bằng chứng khoa học ngành y cho Việt Nam và Thế giới. Những SV xuất sắc trong học tập cũng như trong NCKH là nguồn để nhà trường tuyển dụng, đưa vào đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ.

GS.TS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng ĐH Y Dược Huế
GS.TS. Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng ĐH Y Dược Huế

PV: Quá trình học thạc sĩ, tiến sĩ, thực hành từ các trung tâm y tế, bệnh viện lớn trong nước và quốc tế của cán bộ trẻ được yêu cầu khắt khe như thế nào để đảm bảo chuyên môn cho ngành y?

GS. Cao Ngọc Thành: ĐH Y Dược có một yêu cầu là cán bộ trẻ phải được đào tạo đủ “nền rộng” ban đầu và đi vào các phân ngành, dưới phân ngành ở giai đoạn sau. Đây cũng là xu hướng của thế giới. Cán bộ trẻ phải nhanh chóng được đào tạo chuyên ngành qua việc đào tạo có bằng cấp uy tín trong và ngoài nước.

Thực tế hơn 10 năm qua, trường đã mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, gửi cán bộ trẻ ra nước ngoài học tập. Trong 5 năm qua thì trường đã chuyển hướng qua việc liên kết bền vững với những đối tác có chất lượng về y học ở những nước phát triển. Như ĐH Sassari (Ý) có chương trình Thạc sĩ Công nghệ Y sinh học do ĐH này cấp bằng, đã có nhiều cán bộ trẻ ở trường theo học. Các cán bộ được cử ra nước ngoài được trường yêu cầu phải cố gắng học tập tốt: tốt giữa lý thuyết, thực hành và nghiên cứu.

Hướng đào tạo cho cán bộ trẻ được trường cực kỳ chú trọng. Vì câu chuyện của phát triển bền vững hiểu đơn giản là khi anh có máy móc, trang thiết bị y tối tân nhưng không có con người giỏi thì không làm chủ tốt các công nghệ mới ấy được.

Do vậy đội ngũ trẻ sẽ làm nên tương lai, sự danh giá cho trường đang được chú trọng đưa đi đào tạo ở nước ngoài, tại những nơi có nền y học tiên tiến nhất. Trường vẫn cứ suy nghĩ, làm thế nào càng ngày sẽ đào tạo được thế hệ trẻ có bản lĩnh con người Việt Nam chân chính. Đây là sự quyết định đến việc tồn vong của đất nước. Nên cán bộ trẻ phải luôn luôn học, và luôn được nhà trường đào tạo một cách nghiêm túc, bài bản và đầy đủ.

PV: Việc trường định hướng và “tiếp lửa” cho cán bộ trẻ, hay nói cách khác kinh nghiệm từ thế hệ thầy cô cũ đã và đang giúp ích cho cán bộ trẻ như thế nào?

GS. Cao Ngọc Thành: Bản thân tôi và nhiều thầy cô lớn ở trường là “gạch nối” giữa thế hệ cũ với tương lai. Thời chúng tôi bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và hòa bình nên có những xáo trộn rất lớn, tuy thế chúng tôi vô cùng ham học hỏi. Thực tế, thế hệ chúng tôi có các cán bộ lớn tuổi đã trưởng thành xuất sắc từ 30 năm trước từ chương trình BS nội trú của Cộng hòa Pháp hay nhiều cán bộ hoàn thành nhiệm vụ ở chương trình học các nước khác mấy chục năm trước. Đây chính là “bằng chứng sống”, là nguồn hỗ trợ, động viên, hình thành một “đầu cầu” vô cùng hữu hiệu giúp cho lớp đi sau, và là hình mẫu tuyệt vời để truyền lửa cho các em.

Kinh nghiệm của lớp đi trước chính là chuyên môn nghề nghiệp và các kinh nghiệm đã trải qua trong môi trường học tập, làm việc và mối quan hệ. Đây là điều vô giá, nó giúp cán bộ trẻ nâng cao kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Từ đó sẽ tạo ra các giá trị cho người trẻ, giúp các em có được sự tin tưởng từ khách hàng, bệnh nhân. Điều các em cần trong cuộc đời làm nghề của mình là phải có chuyên môn tốt, tác nghiệp giỏi, làm sao giữ được chữ tín với bệnh nhân. Và đó cũng là điều chúng tôi đã và đang làm cho các em.

Hiện tại, đã có nhiều cán bộ trẻ chủ chốt có đủ chuyên môn, kinh nghiệm cần thiết và một “sức sống mới” rất tuyệt vời, đã và đang dần giữ một số vị trí trong các khoa, bộ môn tại trường ĐH Y Dược Huế. Tương lai trong 5-10 năm nữa, các em sẽ là thế hệ tiếp bước xứng đáng cho trường phát triển hơn nữa so với thời gian hiện tại.

Các cán bộ trường ĐH Y Dược Huế đang tập trung nghiên cứu y học
Các cán bộ trường ĐH Y Dược Huế đang tập trung nghiên cứu y học

PV: Nhiệm vụ cấp bách nhất của cán bộ trẻ hiện nay theo giáo sư là gì?

GS. Cao Ngọc Thành: Theo tôi, điều cấp bách nhất đối với cán bộ trẻ là rèn đức và luyện tài. Nói về rèn đức, trong xã hội hiện nay, vấn đề giữa thầy thuốc và khách hàng, bệnh nhân có rất nhiều chuyện đáng bàn. Có nhiều thứ hiện đang quá thực dụng. Nó có thể đến từ phía thầy thuốc và cả bệnh nhân. Nếu thầy thuốc xác định nghề này là phục vụ, là cứu người và không đòi hỏi từ bệnh nhân lẫn đòi hỏi từ đơn vị sử dụng lao động - thì nếu anh làm tốt, người ta sẽ có thái độ khác, vì phương Đông chúng ta có một điều rất hay là không bao giờ quên ơn người đã giúp mình. Từ đó, cán bộ trẻ phải biết tự điều chỉnh bản thân cho phù hợp. Còn nếu thực hiện theo kiểu khiên cưỡng thì chẳng bao giờ tiến bộ được. Phải biết tự ngộ ra thì bản thân sẽ tốt, sẽ tiến lên.

Về luyện tài, đương nhiên là thầy thuốc thì ai cũng muốn có tay nghề giỏi. Muốn vậy, cán bộ trẻ phải tự hoàn thiện về chuyên môn, tự học tập, trau dồi nghề nghiệp. Trong một thời gian ngắn khi được nhận về trường, cán bộ trẻ phải xác định con đường và nhanh chóng đạt mục tiêu đề ra. Phải đạt được các học vị một cách tốt nhất sau một thời gian ngắn – đây là yêu cầu bắt buộc của trường. Bên cạnh đó, cán bộ là giảng viên có 3 nhiệm vụ gồm: giảng dạy chiếm khoảng 2 phần 3 thời gian làm việc; NCKH là “nhiệm vụ cứng” chiếm khoảng 1 phần 3 thời gian và các công tác quản lý, hoạt động khác. Trong đó, trường yêu cầu cao việc tự hoàn thiện về năng lực nghiên cứu. Và nếu làm tốt NCKH từ thời SV thì thời gian sau này, cán bộ trẻ sẽ rất thuận lợi.

Trường ĐH Y Dược Huế - 1 trong 3 “cái nôi” của cả nước đã và đang đào tạo nhiều “thế hệ vàng” về ngành y cho đất nước
Trường ĐH Y Dược Huế - 1 trong 3 “cái nôi” của cả nước đã và đang đào tạo nhiều “thế hệ vàng” về ngành y cho đất nước

PV: Giáo sư có thể đặt niềm tin cho lớp trẻ - những người kế tục của trường ra sao? Một lời gửi gắm đến toàn thể cán bộ trẻ cho tương lai?

GS. Cao Ngọc Thành: Đa số cán bộ trẻ giờ rất năng động, khả năng tiếp thu các kiến thức, kỹ năng mới rất tốt, khả năng sử dụng các ngoại ngữ khá tốt. Đấy là 3 điểm cộng. Nếu như được định hướng tốt thì chắc chắn cán bộ trẻ sẽ phát triển. Điều đó tốt cho bản thân họ, tốt cho nhà trường và tốt cho xã hội. Tôi tin chắc rằng lớp trẻ của trường sẽ phát triển, trở thành một công dân tốt, một thầy thuốc tốt, một giảng viên tốt, một cán bộ y tế tốt, có y đức tốt.

Cơ hội phát triển của cán bộ trẻ trong giai đoạn hiện nay của đất nước là vô cùng lớn khi so chỉ với 30 năm trước đây thì việc bước chân ra nước ngoài học tập là rất khó nhưng hiện đang có nhiều cơ hội. Hiện việc tiếp cận với tri thức nước ngoài rất nhiều, nên tôi mong cán bộ trẻ tiếp cận với những cơ hội ấy một cách đúng đắn để hoàn thiện bản thân, từ đó sẽ làm việc và cống hiến cho y học tốt hơn bằng tất cả khả năng của các em.

Đại Dương (thực hiện)