Câu chuyện hạnh phúc ở Australia

(Dân trí) - “Ước mơ được tiếp cận một trong 5 nền giáo dục hàng đầu thế giới của tôi đã thành hiện thực nhờ Chương trình Học bổng Chính phủ Australia”, Phạm Thị Hương, đang theo học chương trình Thạc sỹ Giảng dạy tiếng Anh tại ĐH La Trobe, viết về trải nghiệm của cô ở Australia.

Vượt qua thử thách đã khiến tôi trở thành một người mạnh mẽ hơn. Phải xa gia đình yêu dấu, chồng và con gái ba tuổi của mình, thật không dễ dàng. Có nhiều khác biệt mà tôi phải thích nghi, như văn hóa, thực phẩm, phương pháp học tập, giao thông và các quy định của trường.

Phương pháp học tập ở một bậc học cao hơn ban đầu là thử thách đối với tôi.

 

Các giảng viên Australia coi đạo văn là một vấn đề nghiêm trọng. Bởi thế, đây là một trở ngại đối với các sinh viên đến từ các quốc gia châu Á chưa hiểu rõ khái niệm này. Tôi tin rằng kỹ năng viết và đọc có phân tích đã tiến bộ hơn mong đợi. Tôi đã hiểu hơn những kỹ năng chuyên ngành như văn bản chương trình, học tiếng, phân tích văn bản, lãnh đạo giáo dục và xây dựng nhóm, các cách tiếp cận giáo dục, đánh giá giáo viên và sử dụng đa phương tiện trong giáo dục.

 

Thực phẩm ở Australia đa dạng. Quanh năm có những loại hoa quả khác nhau. Không chỉ có các sản phẩm chất lượng cao của người địa phương mà còn cả đồ nhập khẩu từ các nước khác. Tôi có thể dễ dàng mua đồ châu Á ở chợ để nấu nướng. Vấn đề là tôi không thích nấu nướng, vì thấy mất thời gian. Tôi cũng ngại thử đồ ăn ở Australia và các nước, ngoại trừ các món Thái hay Lào, vì nó khá giống đồ Việt Nam. Về sau, tôi nhận ra đây là cơ hội tốt để tôi thử các món từ nhiều nước khác nhau. Tôi bắt đầu tham gia các bữa tiệc để hiểu các món ăn truyền thống của các nước. Thử các món ăn khác nhau giúp bạn biết nhiều hơn về những nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

 

Câu chuyện hạnh phúc ở Australia



Trong thời gian ở Australia, tôi cũng học được cách có kỷ luật hơn trong việc lau dọn căn hộ, tiết kiệm nước, điện và hoàn thành bài tập.

 

Học kỳ 2 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc sống của tôi ở Đại học La Trobe. Tôi chấp nhận thay đổi và được những người đặc biệt khích lệ. Tôi bắt đầu lấy lại động lực và cảm hứng học tập và tham gia hoạt động xã hội. Tôi có mặt trong nhiều hoạt động như tham gia tình nguyện ở La Trobe (hoạt động Tuần lễ Tự hào, dẫn các sinh viên Singapore tham quan La Trobe và kể câu chuyện bánh chưng bánh dày cho trẻ em), hoạt động tình nguyện trong cộng đồng: câu lạc bộ ăn trưa của người cao tuổi, lễ hội trường Tiểu học Preston, lễ hội Ganesh (Hindu), lễ hội Mặt trăng, Muskaan, v.v… Ngoài ra, thể thao giúp cho tôi thoát khỏi trầm cảm trước đây. Những môn thể thao yêu thích của tôi là bóng bàn, cầu lông và leo núi trong nhà. Thể thao là cách tuyệt vời để kết nối với những người khác.

 

Phạm Thị Hương giờ đã trở về Lạng Sơn, Việt Nam.
 
Cô dạy tại một trường chuyên ở đây. Cô cho biết cô yêu thích công việc dạy học của mình.

Thời gian ở Australia, trích yếu tôi nộp cho một hội thảo khoa học “Gắn kết với Việt nam” ở Hawaii được chấp nhận. Nhờ sự giúp đỡ của thầy Ray, một người thầy đáng kính trọng và nhiệt tình, và một bạn học tốt bụng, tôi đã có một bài trình bày tốt. Tôi có một khoảng thời gian tuyệt vời tại hội nghị và được gặp những người trong ngành đến từ Australia, Mỹ, Anh và nhiều nước khác trên thế giới. Tôi rất hào hứng được khám phá hòn đảo xinh đẹp Hawaii.
 

Ngoài ra, những hiểu biết của tôi về Australia cũng được tăng lên nhờ những chuyến đi tới Wodonga, Deniliquin, Canberra và Sydney. Được giúp một đoàn cán bộ Việt Nam tổ chức một chuyến công tác tới Australia là cơ hội lớn đối với tôi. Tôi được đi ngắm cảnh, gặp các nông dân Australia và tìm hiểu về kỹ năng tưới tiêu và đồng áng. Sau chuyến đi, tôi càng yêu Australia nhiều hơn.

 

Lời khuyên của tôi là tất cả các sinh viên nên cân bằng giữa thời gian học tập và các hoạt động xã hội. Các hoạt động bên ngoài sẽ hỗ trợ việc học tập của bạn và giúp cho đời sống tinh thần của bạn phong phú hơn. Các văn phòng sinh viên quốc tế tại mỗi trường đại học ở Australia sẽ cho phép bạn tiếp cận với những hoạt động này.

 

Khi bạn bắt đầu một khóa học tại bất kỳ trường nào, bạn cũng nên đến văn phòng sinh viên quốc tế và tìm hiểu những hoạt động thú vị và nhiều ý nghĩa để có thể tham gia trong thời gian học. Tôi chắc chắn sự kết hợp giữa việc học tập chính thức, công tác tình nguyện, thể thao và hòa nhập cộng đồng sẽ làm đời sống sinh viên của bạn có thêm sắc màu và hứa hẹn một tương lai tốt đẹp cho sự nghiệp của bạn về sau.

 

Mối quan hệ của tôi với những người bạn Australia và các nước được xây dựng từ trong lớp học, các hoạt động tình nguyện, những công việc bán thời gian, những bữa tiệc và các hoạt động thể thao.

 

Tôi tìm thấy nhiều niềm vui khi làm những công việc bán thời gian. Tôi có thêm thu nhập, tăng khả năng giao tiếp và kỹ năng quản lý thời gian. Tôi được thử các món ăn Thái và làm việc cùng các sinh viên Thái Lan, Trung Quốc, Iran và cả những bạn sinh viên đến từ Việt Nam cũng như sinh viên xứ sở chuột túi. Australia tạo điều kiện cho các sinh viên quốc tế làm việc bán thời gian. Dĩ nhiên, chúng ta phải biết cân bằng giữa công việc và học tập. Đó không phải là một công việc toàn thời gian và xin đừng mơ mộng bạn sẽ mang về nhà hàng triệu đôla mà sao nhãng học hành. Sinh viên được phép làm việc 20 giờ một tuần.

 

Những bài học quan trọng từ những giao tiếp hằng ngày bao gồm:

           Học cách trở nên có kỷ luật (các quy định phải được tuân thủ)

           Học cách thích nghi với môi trường quốc tế.

           Học cách trở thành một người tiết kiệm (một bài học lớn tôi tự rút ra khi dự những bữa tiệc của bạn tôi, Margaret). Người Australia không lãng phí tiền, đồ ăn, nước uống. v.v…

           Biết nhờ giúp đỡ khi cần

           Kiên nhẫn

           Cẩn thận khi sử dụng từ ngữ giao tiếp.

           Tự chăm sóc bản thân tốt trước khi học chăm sóc người khác

           Làm mọi việc từ trái tim mình

 

Thay cho lời kết, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Chính phủ Australia đã trao cho tôi học bổng này, tới trường phổ thông nơi tôi công tác và Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo điều kiện cho tôi đi học. Tôi cũng xin được cảm ơn các giảng viên của tôi tại Đại học La Trobe, Văn phòng La Trobe Quốc tế, Khoa Giáo dục và các nhân viên thư viện. Tôi rất vui được sống tại ký túc xá suốt hai năm và rất hài lòng về dịch vụ ký túc xá. Nhờ một nhân viên rất tốt bụng tên là Hazel, tôi đã được ở ký túc xá suốt hai năm. Tôi cũng rất biết ơn gia đình đã ủng hộ tôi.
 
Tôi xin cảm ơn những người bạn, trong đó có Chanhthavy Phasouvanh (Vee) đến từ Lào, Hoang Thi Minh Anh đến từ Việt Nam và một người bạn đặc biệt người Australia, Margaret Robertson, những người đã có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời tôi. Họ là những thiên thần giúp tôi trưởng thành. Tôi sẽ mãi giữ tình bạn này trong tim, dù đi bất cứ nơi đâu.
 
Nguyễn Minh Châu
Dịch từ bài viết của Phạm Thị Hương