Gia Lai:
Cắt hợp đồng hơn 200 giáo viên, nhân viên: Trường lại thiếu giáo viên
(Dân trí) - Mới đây, UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) đã chi hơn 3,8 tỉ đồng để trả tiền hợp đồng cho hơn 200 giáo viên, nhân viên hợp đồng trong ngành Giáo dục. Nhưng cùng với đó, UBND huyện Ia Grai cũng đã chỉ đạo cắt hợp đồng với số lượng trên (trong đó có khoảng 155 giáo viên).
Trước đó, báo Dân trí đã thông tin, trong đầu năm học 2017-2018, UBND huyện Ia Gra, Phòng Giáo dục đã lên kế hoạch để dự trù tuyển dụng một số giáo viên hợp đồng nhằm đáp ứng việc thiếu giáo viên trên địa bàn theo định mức được giao.
Tuy nhiên, vào tháng 9 thì Trung ương đã có Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Ban chấp hành Trung ương quy định: “Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã sử dụng hết số biên chế sự nghiệp được giao, không được thực hiện hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.”. Chính vì Kết luận này đã khiến cho các địa phương “dở khóc, dở cười”, nhất là đối với đơn vị giáo dục.
Để thực hiện theo Kết luận 17 và văn bản 2340/STC-HCSN ngày 5/10/2017 của Sở Tài chính thì UBND huyện Ia Grai đã văn bản số 1283/UBND-NV ngày 20/12/2017 để yêu cầu phòng Tài chính-kế hoạch của huyện tiến hành xuất kinh phí để chi trả tiền lương cho hơn 200 giáo viên, nhân viên hợp đồng trong năm học 2017-2018.
Cùng với đó, giao cho Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện thông báo với các đơn vị trường học trên địa bàn tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động theo đúng thời gian quy định lại Điều 38 - Luật Lao động năm 2012.
Theo ông Phạm Văn Đại - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ia Grai cho biết: “Nếu cắt hợp đồng hơn 200 giáo viên, nhân viên hợp đồng thì ngành Giáo dục huyện sẽ rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, nhất là các khu vực khó khăn, vùng 3… Đặc biệt, có những trường như Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Ia Chia, Ia Grai) thiếu đến 12 giáo viên, trường Tiểu học Chu Văn An (xã Ia O, Ia Grai) thiếu 13 giáo viên. Còn lại nếu như cắt hợp đồng thì rất nhiều trường sẽ thiếu các giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học…”.
“Như vậy để duy trì việc dạy và học thì Phòng Giáo dục huyện Ia Grai đang lưu chuyển các giáo viên để giảm bớt gánh nặng ở các vùng thiếu. Nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 số lượng thiếu. Ngoài ra, để khắc phục thì các trường cũng bố trí để giáo viên dạy tăng giờ, tăng tiết. Nhưng sẽ vướng mắc khi tăng tiết nhiều, các giáo viên sẽ không chịu nổi áp lực dẫn đến chất lượng giáo dục sẽ không cao. Cùng với đó, số tiền chi trả cho giáo viên dạy tăng tiết dự trù sẽ tăng gấp 3 lần so với số tiền để chi trả cho giáo viên dạy hợp đồng…”, ông Đại cho biết thêm.
Tâm sự với chúng tôi, thầy Nguyễn Quang Tưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: “Năm vừa rồi trường chúng tôi hợp đồng 8 giáo viên và còn thiếu 4 giáo viên. Nếu như cắt 8 giáo viên hợp đồng này thì còn lại 12 giáo viên mà dạy 13 lớp sẽ không chịu nổi áp lực và môn Thể dục sẽ không có giáo viên dạy. Tuy tiền lương giáo viên hợp đồng rất ít ỏi nhưng nguyện vọng của các giáo viên mong muốn được ở lại phục vụ trường, nhưng theo văn bản thì phải cắt nên chúng tôi không làm khác được. Hiện các giáo viên đang làm hết tháng 1 để tiến hành tìm việc làm thay thế, trong khi đó trường lại thiếu giáo viên trầm trọng…”.
Cô Trương Thị Thảo (GV hợp đồng trường MN 17/3, thị trấn Ia Kha, Ia Grai) là người đã gắn bó với nghề giáo viên hơn 10 năm. Cô Thảo tâm sự: “Trước đây, trễ tiền lương hơn 4 tháng. Giờ trả tiền xong, rồi bị cắt hợp đồng. Đã 10 năm gắn bó thì tôi chỉ biết đứng lớp chứ có biết làm gì đâu. 10 năm cống hiến giờ tôi bị cắt hợp đồng, không biết làm nghề gì để có tiền nuôi hai con nhỏ…”.
Chung tâm trạng, cô Nguyễn Thị N (GV dạy tiểu học trên địa bàn Ia Kha, Ia Grai) cho biết: “Giờ em không biết làm sao nữa. Bố mẹ nuôi em ăn học 4 năm, ra trường hy vọng sẽ tìm được công việc ổn định tại một trường nào đó. Nhưng ra trường em cũng xin hợp đồng tại một trường tại xã Ia Tô được 1 năm. Năm nay em cũng may mắn được kí hợp đồng dạy tại một trường tiểu học với mức lương khoảng 3 triệu đồng. Tuy số tiền ít ỏi, nhưng em vẫn cố gắng dạy vì niềm mơ ước được dạy chữ, vừa có thêm chút tiền phụ giúp bố mẹ. Nhưng giờ đây bị cắt hợp đồng, chúng em không biết làm gì nữa. Dù đang cầm tấm bằng Đại học Sư phạm nhưng hiện tại em đang phải đi về làm cà phê giúp bố mẹ…”.
Theo Kết luận số 17-KL/TW ngày 11/9/2017 của Ban chấp hành Trung ương thì nhiều huyện trên địa bàn đang rất khó khăn không biết xử lý ra sao với số lượng giáo viên hợp đồng trên địa bàn. Điều đó dẫn đến thực trạng các giáo viên ra trường không có việc làm trong khi đó các trường đang “gồng mình” vì thiếu giáo viên dạy học.
Phạm Hoàng