Cà Mau:

Cắt hợp đồng giáo viên vì không có tiền trả lương?

(Dân trí)- Có bằng đại học và nhiều chứng chỉ chuyên môn khác nhưng anh Lê Trung Tiến (giáo viên dạy Tin học tại Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) vẫn bị cắt hợp đồng làm việc. Lãnh đạo Trung tâm cho rằng văn bằng của anh Tiến không còn phù hợp.

Tiếp xúc với PV, anh Lê Trung Tiến nghẹn ngào nói: “Tôi bị cắt hợp đồng từ đầu tháng 2, nhưng không biết tìm đến cơ quan nào, bởi từ khi mới xảy ra vụ việc, tôi đã đội đơn yêu cầu đến nhiều cơ quan từ địa phương đến tỉnh nhưng mọi việc vẫn rơi vào im lặng”.

Theo tìm hiểu của PV, anh Lê Trung Tiến được nhận vào hợp đồng làm giáo viên dạy Tin học tại Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình từ năm 2008. Trong công việc, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, năm nào cũng được khen thưởng. Sau một năm công tác, anh đã được kết nạp Đảng viên.

Trao đổi với PV xung quanh vấn đề vì sao lại cắt hợp đồng nhân viên chỉ trong vòng 3 ngày mà không thông báo trước, không có một chế độ nào cho người nghỉ việc, ông Hồ Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình cho biết: Việc ông cho cắt hợp đồng đối với anh Tiến một phần là do ông “tốt bụng”, muốn xin cho anh Tiến về hợp đồng ở vị trí lái xe nhưng không được nên mới xảy ra mâu thuẫn. Phần nữa là do Trung tâm không có kinh phí trả lương cho anh Tiến.

Có đầy đủ văn bằng chứng chỉ chuyên môn nhưng anh Lê Trung Tiến vẫn bị cắt hợp đồng làm việc.
Có đầy đủ văn bằng chứng chỉ chuyên môn nhưng anh Lê Trung Tiến vẫn bị cắt hợp đồng làm việc.

Theo tìm hiểu của PV, tại Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình vẫn còn thiếu một biên chế mà trong 3 người hợp đồng thì chỉ có anh Tiến là có bằng đại học, có đầy đủ các chứng chỉ về chuyên môn nghiệp vụ. Trong khi đó, tại điểm 2.1 Công văn 6413/UBND của UBND tỉnh Cà Mau ban hành ngày 10/12/2013 nêu rõ: “Những đơn vị còn chỉ tiêu biên chế đã hợp đồng người lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm và có thời hạn trên 5 năm thì thống nhất cho tiếp tục hợp đồng”. Có nghĩa là nếu thực hiện đúng theo Công văn 6413 thì anh Tiến vẫn có thể được tiếp tục làm việc (chưa nói đến việc chuẩn hóa trình độ cán bộ giáo viên tại đơn vị này - PV).

Một lãnh đạo Trung tâm dạy nghề huyện Thới Bình (xin giấu tên) bày tỏ quan điểm: “Ngoài các bằng đại học, Tin học, Ngoại ngữ, đồng chí Tiến cũng đã được đơn vị đưa đi đào tạo về nghiệp vụ nhiều lần. Cụ thể, đồng chí Tiến đã có chứng chỉ quản lý cơ sở dạy nghề, kiểm định viên chất lượng dạy nghề và nhiều chứng chỉ chuyên môn khác. Dựa trên các văn bản, chứng chỉ nói trên cho thấy, ngoài việc giảng dạy, anh Tiến vẫn có thể làm việc quản lý hồ sơ tại phòng đào tạo hoặc nhiều nhiệm vụ khác tại trung tâm”.

Theo tìm hiểu, hợp đồng lao động của anh Lê Trung Tiến là loại hợp đồng dài hạn, có hiệu lực đến cuối năm 2015, nhưng anh lại bị cắt hợp đồng chỉ trong “nháy mắt” mà không được thông báo trước và không có một chế độ nào cho người nghỉ việc.

Tuấn Thanh
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm