"Cắt" hỗ trợ tiền điện: Trường công đồng loạt kêu "khó"

Mỹ Hà

(Dân trí) - Lần đầu tiên, Trưởng Phòng GD&ĐT ở Hà Nội đối thoại trực tiếp với Hội Cha mẹ học sinh, lãnh đạo trường về thu chi tài chính. Nhiều vấn đề được chất vấn, trong đó có việc tự nguyện, thu chi tiền điện.

Phải tắt điều hòa vì không được hỗ trợ tiền điện

Không đơn giản chỉ là chia sẻ về tài chính, với mong muốn gần gũi và lắng nghe nhiều hơn, lần đầu tiên Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) "đăng đàn" đối thoại với Hội Cha mẹ học sinh (CMHS) và lãnh đạo các trường phổ thông trên địa bàn.

Tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề liên quan đến thu chi tài chính trong nhà trường được đặt ra, trong đó tập trung vấn đề thu chi tự nguyện và hỗ trợ tiền điện.

Theo Hội trưởng Hội CMHS Trường THCS Giảng Võ, từ đầu năm đến nay, học sinh trường này chưa đóng tiền điện, trong khi các lớp đều dùng điều hòa rất nhiều.

Đại diện này đặt câu hỏi, Hội CMHS muốn hỗ trợ khoản tiền điện để giảm gánh nặng cho nhà trường có được không và hỗ trợ như thế nào để đúng luật?

Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Vạn Phúc cũng chia sẻ, mặc dù trường mới được đầu tư xây dựng nhưng do quy định mới, không được hỗ trợ tiền điện, trong khi kinh phí nhà trường khó khăn nên nhiều ngày nóng, thầy cô phải tắt điều hòa để tiết kiệm tiền điện.

Cắt hỗ trợ tiền điện: Trường công đồng loạt kêu khó - 1

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình, Hà Nội.

"Chúng tôi xót học sinh quá, nhất là các em lớp 1, lớp 2. Vậy Hội CMHS đề xuất Phòng GD&ĐT quận có thể hướng dẫn linh động vấn đề này".

Cũng với câu hỏi trên, lãnh đạo Trường tiểu học Ngọc Hà, Trường tiểu học Việt Nam Cu Ba và nhiều trường học trên địa bàn quận này rất băn khoăn bởi năm nay các trường không được hỗ trợ tiền điện điều hòa.

Các trường mong muốn, Phòng GD&ĐT quận có hướng dẫn để tháo gỡ vấn đề hỗ trợ tiền điện cho các lớp.

Về vấn đề thu chi tự nguyện, Trưởng ban đại diện CMHS Trường Tiểu học Kim Đồng đặt câu hỏi: "Đồng ý không ép buộc, không cào bằng và không quy định mức tài trợ tối thiểu.

Nhưng trong trường hợp, khi triển khai, hầu hết phụ huynh lớp đồng thuận tuy nhiên chỉ có 1-2 phụ huynh không đồng thuận.

Ví dụ như lớp 40 phụ huynh, 39 người đồng thuận, chỉ có 1 người không đồng thuận thì chúng tôi có được triển khai hay không, nếu được thì cách thức như thế nào?".

Tự nguyện nhưng phải đúng luật

Trả lời về vấn đề nóng là "cắt" tiền điện điều hòa, ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, các trường đã nhận được công văn số 1742 ngày 5/10/2020 của UBND quận về chấp thuận các khoản thu chi học phí và các khoản thu chi khác năm học 2020- 2021.

Theo đó, từ năm nay và các năm về sau, sẽ không hỗ trợ tiền điện điều hòa. Việc này thực hiện theo các văn bản mới của các cấp.

Văn bản này cũng nêu rõ, không thu tiền sử dụng điều hòa các lớp năm học 2020- 2021. UBND quận bố trí kinh phí hỗ trợ tiền điện điều hòa cho các trường, ưu tiên 2 tháng dùng cao điểm nhất.

Trên cơ sở tiền điện phát sinh do sử dụng điều hòa ở các lớp năm học vừa qua, các trường xây dựng dự kiến nhu cầu và báo cáo về UBND quận qua Phòng GD&ĐT, Phòng Tài chính Kế hoạch để xem xét quyết định.

"Chúng tôi rất chia sẻ tâm tư với những khó khăn các trường gặp phải, đặc biệt các trường khó khăn tài chính.

Hiện các trường chi phí tiền điện nhiều nhưng chúng tôi không thể làm khác được bởi do quy định mới về tài chính", ông Thuận cho biết.

Cũng theo Trưởng Phòng GD&ĐT quận, mặc dù khó khăn nhưng các đơn vị cùng tháo gỡ trên cơ sở tìm hiểu kĩ, làm đúng các văn bản chỉ đạo.

Các trường có thể sử dụng điều hòa nhưng không lãng phí, tránh tắt trong những ngày nắng nóng, làm ảnh hưởng tới học sinh.

Cắt hỗ trợ tiền điện: Trường công đồng loạt kêu khó - 2

Nhiều Hội trưởng chất vấn lãnh đạo Phòng GD&ĐT quận về xã hội hóa và hoạt động của ban đại diện CMHS. 

Về hoạt động của Ban đại diện CMHS, ông Thuận cho hay, hiện đã có Thông tư 55 ngày 22/11/2011 của Bộ GD&ĐT quy định về điều này.

Ở điều 10 của thông tư quy định, kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS, trong đó quy định kinh phí của các lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác.

Kinh phí của Ban đại diện CMHS trường được trích từ kinh phí hoạt động của Ban đại diện CMHS các lớp và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Ở đây không quy định mức ủng hộ bình quân.

"Chúng tôi đã tìm hiểu tâm tư, khi Ban đại diện CMHS các lớp hoặc trường đưa ra một mức thu cào bằng, mức thu nhập các gia đình trong lớp khác nhau.

Có người đóng 500.000 đồng, 200.000 đồng là bình thường nhưng cũng có những gia đình với họ 50.000 đồng cũng là khó khăn.

Do đó, các trưởng ban đại diện phụ huynh và hiệu trưởng lưu ý không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân. Điều này cũng sẽ giảm gánh nặng đơn thư phản đối", ông Thuận nói.

Qua dẫn dắt văn bản, ông Thuận cũng quán triệt nghiêm Ban đại diện CMHS không được quyên góp ủng hộ nhưng không theo tự nguyện, không thu các khoản như: Bảo vệ, trông coi phương tiện giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học nhà trường, khen thưởng cán bộ nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc trang thiết bị dạy học cho trường cho lớp…

Trước ý kiến của nhiều đại diện CMHS, về việc Phòng GD&ĐT có thể "linh động" về vấn đề tiền điện điều hòa và giảm bớt thủ tục khi tiếp nhận tài trợ xã hội hóa, ông Thuận cho rằng, chúng ta đang sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Mặc dù ông rất chia sẻ với các trường nhưng nên làm đúng luật.

"Về xã hội hóa, chỉ cần các đơn vị thực hiện theo đúng 8 bước mà các văn bản hướng dẫn đã gửi về các trường ngay từ đầu năm học, sẽ không bao giờ lo đơn thư hoặc phản ánh", ông Thuận khẳng định.