Tuyển sinh ĐH, CĐ 2005:

Cảnh báo nhiều thủ đoạn gian lận tinh vi

Sau hàng loạt đường dây thi thuê bị triệt phá, thủ đoạn gian lận năm nay dự báo sẽ không lộ liễu nhưng tinh vi hơn, chủ yếu là thi kèm và sử dụng điện thoại di động.

Chiều 27/6, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã kết thúc việc kiểm tra công tác chuẩn bị thi ĐH, CĐ 2005.

 

Còn chưa đầy một tuần, kỳ thi ĐH năm 2005 đầu tiên sẽ diễn ra. Hiện tại, hầu hết các ĐH trong cả nước đã hoàn tất các công tác chuẩn bị từ khâu rà soát hồ sơ thi, tập huấn công tác coi thi đến các phương án sắp xếp danh sách thi. Để đối phó với các hiện tượng gian lận trong thi cử, nhiều trường đã đưa ra các biện pháp cụ thể.

 

Tách riêng những thí sinh trùng họ tên

 

Năm nay ĐH Hàng hải Hải Phòng có hơn 17.000 thí sinh sẽ dự thi tại 20 cụm thi, trong nội thành Hải Phòng. Hiệu phó Phạm Tiến Tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo coi thi ĐH Hàng hải, cho biết, mục tiêu hàng đầu của trường trong kỳ thi này là ngăn chặn hiện tượng gian lận trong thi cử.

 

"Chúng tôi đã tiến hành rà soát hồ sơ và lên danh sách những thí sinh trùng tên, họ nhưng lại có năm sinh chênh lệch nhau. Những thí sinh này sẽ bị tách ra ngồi ở những phòng thi khác nhau để phòng trường hợp trà trộn vào phòng giúp nhau làm bài. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát hồ sơ lần cuối vào ngày 3/7, khi thí sinh đến làm thủ tục dự thi", ông Tỉnh cho biết.

 

Ngày 28/6, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cũng hoàn tất việc rà soát 15.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Theo Hiệu phó Bùi Duy Cam, đã phát hiện 2 thí sinh có họ tên, tháng và năm sinh trùng nhau. Hai thí sinh này sẽ được sắp xếp dự thi tại 2 địa điểm khác nhau. Hiện ĐH này đã phối hợp với cơ quan an ninh rà soát các trường hợp nghi vấn khác.

 

Sau hơn một tháng phối hợp rà soát hồ sơ, lực lượng An ninh văn hóa (PA25) Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện một số dấu hiệu đầu tiên của các thủ đoạn gian lận. Theo thượng tá Nguyễn Văn Mỹ, Trưởng phòng PA25, nhiều khả năng gian lận thi cử sẽ không diễn biến lộ liễu như những năm trước. Số đối tượng dùng hồ sơ giả để thi hộ sẽ giảm mạnh do việc đánh trúng những đường dây tổ chức gian lận thi cử năm trước. Thủ đoạn năm nay là hình thức thi kèm hay sử dụng điện thoại di động nhắc bài nhưng sẽ tiến hành tinh vi hơn.

 

Linh hoạt trong đánh số báo danh để chống thi kèm

 

Lãnh đạo nhiều ĐH cũng cho rằng, hình thức thi hộ hiện không còn phổ biến. Với công nghệ hiện nay, thí sinh rởm rất khó vượt qua khâu rà soát hồ sơ và đối chiếu ảnh tại phòng thi. Thêm vào đó, sau khi tiếp nhận thí sinh trúng tuyển, các trường sẽ tiến hành đối chiếu chữ viết của sinh viên với 3 bài thi đại học. Những sinh viên trúng tuyển nhờ thi hộ dễ dàng bị lật tẩy. Do vậy, các đường dây thi thuê đã chuyển sang hình thức thi kèm, sẽ có vài thí sinh trùng, gần với tên của "đối tác" trà trộn vào phòng thi nhắc bài.

 

Để vô hiệu hóa những "vệ tinh" này, theo Hiệu phó ĐH Khoa học tự nhiên Bùi Duy Cam, trường đã sử dụng biện pháp đánh số báo danh linh hoạt, không tuân theo quy luật. Những thí sinh có tên gần giống nhau sẽ không ngồi cạnh nhau.

 

"Chúng tôi đã lên 4 phương án đánh số báo danh khác nhau. Thí sinh nào ngồi cạnh nhau sẽ được giữ bí mật đến phút chót, ngay cả với giám thị. Trước mỗi buổi thi, giám thị sẽ bốc thăm chọn phương án đánh số báo danh", ông Cam nói.

 

ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cũng áp dụng phương án đánh số báo danh theo từng buổi thi.

 

Một biện pháp nữa mà các trường áp dụng trong kỳ thi tới là không cho thí sính đem thẻ dự thi về sau mỗi buổi thi. "Trước đây, đã xảy ra trường hợp thay ảnh để tráo người vào dự thi. Sau khi kỳ thi kết thúc, thí sinh trong phòng mới dám gửi thư tố cáo. Năm nay, chúng tôi sẽ thu thẻ ngay sau khi thí sinh kết thúc buổi thi", hiệu trưởng một ĐH ở Hà Nội cho biết.

 

Thí sinh quay cóp nhắc bài nhau, kỷ luật ngay giám thị

 

Mùa tuyển sinh 2004, tại ĐH Hàng hải, ngay trong buổi thi đầu tiên, công an Hải Phòng đã bắt quả tang 4 thí sinh sử dụng điện thoại di động để nhận lời giải từ bên ngoài.

 

Rút kinh nghiệm, năm nay, ĐH Hàng hải đã tập huấn giám thị về phương án chống gian lận bằng điện thoại di động. Những thí sinh mặc áo kín cổ, nhiều túi, khăn quấn tay... sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của giám thị. "Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an bảo vệ các địa điểm thi và theo dõi, bắt giữ ngay các trường hợp thi hộ, thi kèm", ông Tỉnh khẳng định.

 

Ngay cả đối với giáo viên coi thi, ĐH Hàng hải cũng nghiêm cấm sử dụng điện thoại di động trong khi thi, nhằm tránh những tiêu cực có thể xảy ra như lộ đề thi ra ngoài hoặc chuông điện thoại reo làm ảnh hưởng đến việc làm bài của thí sinh. Nếu bị phát hiện mang theo điện thoại, giám thị sẽ bị đình chỉ thi và nhận hình thức kỷ luật.

 

Theo thượng tá Mỹ, việc sử dụng điện thoại để nhắc bài không phải là thủ đoạn mới, đã được áp dụng trong những năm trước. Tuy nhiên, năm nay dự báo thủ đoạn sẽ tinh vi hơn, một phần do sự phát triển của công nghệ. Thí sinh sử dụng những điện thoại nhỏ xíu, luồn dây nghe vào trong áo, hoặc sử dụng tai nghe không dây cài vào ve áo. Thậm chí có trường hợp giấu điện thoại di động dưới giày sau đó dùng tai nghe không dây liên lạc với bên ngoài hoặc 2-3 thí sinh lọt vào phòng giúp một thí sinh làm bài.

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long cho rằng, nếu làm tốt công tác coi thi, sẽ hạn chế được các hành vi gian lận. Năm nay, Bộ GD&ĐT cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp coi thi không nghiêm túc. Nếu để thí sinh quay bài, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ phải chịu kỷ luật.

 

Năm ngoái, phao thi không chỉ được dắt trong túi quần, áo mà còn được giấu dưới giầy, máy tính. Một số thí sinh thậm chí còn cuộn phao giấu trong thước kẻ. Thứ trưởng Long cũng đặc biệt lưu ý các giám thị chỉ ký tên vào bài thi sau khi thí sinh đã ghi đầy đủ họ tên, nhằm tránh việc tráo bài.

 

Theo dự báo của PA25 Hà Nội, năm nay, đối tượng thi kèm sẽ sử dụng những hồ sơ thật, chắc chắn với đầy đủ thông tin cần thiết để đối phó với việc rà soát của lực lượng công an và nhà trường. Việc phát hiện các đối tượng này sẽ thực hiện trong quá trình coi thi. Nếu giám thị không kiên quyết thì sẽ rất khó giải quyết vì các thí sinh “thật” và “giả” đều dự thi một cách hợp pháp. Các giám thị cần đặc biệt lưu tâm trường hợp cho chép bài hay đưa giấy nháp cho nhau.

 

"Các giám thị thường chỉ xử lý mạnh các trường hợp sử dụng phao, ít để ý tới các trường hợp thí sinh cho nhau chép bài. Thí sinh bình thường chắc chắn sẽ không cho chép bài, đây có thể là dấu hiệu của trường hợp thi kèm, trà trộn vào phòng thi cho nhau chép bài. Năm nay, chúng tôi sẽ lưu ý các giám thị về vấn đề này", Trưởng phòng PA25 nói.

 

Kỳ tuyển sinh 2004, hơn 2.600 thí sinh bị đình chỉ thi, trong đó 10 trường hợp dùng điện thoại di động.

 

ĐH Thái Nguyên là trường giữ kỷ lục về số thí sinh bị đình chỉ thi: 461 em. Tiếp đó là ĐH Luật với 264 trường hợp, ĐH Tây Bắc 211 em.

 

Lực lượng PA25 Hà Nội, Hải Phòng, Huế cũng bắt giữ một số đối tượng liên quan đến đường dây thi thuê, trong đó có cả sinh viên. Cục An ninh Văn hóa A25 cũng đưa ra ánh sáng một đường dây thi thuê liên quan đến 27 ĐH, CĐ do Đinh Đức Thịnh cầm đầu.

 

Ngay trước kỳ thi tuyển sinh, tháng 4/2005, Công an Hà Nội cũng phát hiện đường dây thi thuê do Phạm Huy Hồng cầm đầu. Với 35 con dấu giả, nhóm của Hồng đã đưa hàng chục thí sinh vào đại học, thu ngót nghét 500 triệu đồng. Thủ đoạn của nhóm này là sử dụng phiếu báo điểm giả để đưa thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 2.

 

Sau vụ việc này, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải rà soát thí sinh trúng tuyển. Hơn 90 sinh viên rởm tiếp tục bị lật tẩy.

 

Theo Vnexpress