Càng lên cao, tỷ lệ học sinh yếu kém càng nhiều
(Dân trí) - Nếu như tỷ lệ học sinh yếu kém của bậc Tiểu học chỉ là 5,7% thì khi lên đến bậc THCS, tỷ lệ này đã tăng gấp 3 với 16,9% và lên đến bậc THPT tỷ lệ đã “đội” lên con số là 23,16%.
Đó là các con số tổng hợp được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc họp giao ban giữa các lãnh đạo Bộ GD-ĐT với 64 Giám đốc Sở GD-ĐT diễn ra vào sáng nay, 7/3.
Kết quả cụ thể việc rà soát học sinh học lực yếu kém của ba cấp học nói trên được thực hiện sau khi kết thúc học kỳ I năm học 2007-2008 cho thấy:
Đối với bậc Tiểu học, trong nhóm 1 là các nhóm các tỉnh thành phố có điều kiện kinh tế phát triển bao gồm TPHCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Hải Dương… thì tỉnh có có tỷ lệ học sinh yếu kém cao nhất là tỉnh Hải Dương với 2,5%.
Tại nhóm 2 là nhóm của một số tỉnh khu vực nông thôn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển ở mức trung bình (Hà Tây, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định…) thì Hà Tây là tỉnh có tỷ lệ học sinh yếu kém cao nhất với 7,92%.
Tại nhóm 3 là một số tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc ít người sinh sống và vùng nông thôn có điều kiện khó khăn (Sơn La, ĐăkLăk, Hà Giang, Trà Vinh…) thì tỉnh có tỷ lệ học sinh yếu kém cao nhất trong nhóm này là Sơn La với 13,94%.
Đối với bậc THCS cũng chia thành hai nhóm để rà soát thì tại nhóm 1 gồm những tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển (Hải Phòng, Bắc Ninh, Khánh Hoà, TPHCM…) thì tỉnh có tỷ lệ học sinh yếu kém cao nhất trong nhóm này là TPHCM với 10,34%.
Nhóm 2 là một số tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống (Bình Phước, Sơn La, Kon Tum, Sóc Trăng) thì tỉnh có tỷ lệ học sinh yếu kém cao nhất trong nhóm này là Sóc Trăng với 32,29%.
Đối với cấp THPT ở nhóm 1, TPHCM vẫn dẫn đầu về tỷ lệ học sinh yếu, kém với 19,75%, dẫn đầu nhóm 2 là Bình Phước với 56,07% học sinh có học lực yếu kém.
P.V