Cần trung tâm khảo thí độc lập để tuyển sinh

Nhiều trường sẽ tổ chức thi riêng trước khi tiến đến liên kết nhóm để sử dụng chung kết quả cũng như hình thành các trung tâm khảo thí độc lập.

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH sẽ ổn định đến năm 2020. Sau năm 2021, việc này sẽ có lộ trình phù hợp để các bên liên quan đều có thể chấp nhận. Thế nhưng, "lộ trình phù hợp" là gì hiện vẫn chưa ai hình dung được.

Thoát dần cách tuyển sinh chung

Năm 2019, tại TP HCM vẫn có 3 đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực gồm: ĐHQG TP HCM, Trường ĐH Quốc tế (thành viên ĐHQG TP HCM) và Trường ĐH Luật TP HCM. Với Trường ĐH Luật TP HCM, chỉ những thí sinh lọt qua vòng xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia và kết quả học bạ mới bước vào kỳ thi đánh giá năng lực.


Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)

ĐHQG TP HCM cho biết năm 2019, các trường thành viên sẽ tăng tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do đơn vị này tổ chức lên 40%. Trường ĐH Quốc tế sẽ dành khoảng 50% chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức; 10% chỉ tiêu từ kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức. Nghĩa là ngoài kỳ thi THPT quốc gia, một số lượng không nhỏ thí sinh sẽ bước vào kỳ thi thứ 2.

Đối với khối trường không thuộc ĐHQG TP HCM, năm 2019 vẫn ổn định phương thức xét tuyển, trong đó dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, một tỉ lệ nhỏ chỉ tiêu xét học bạ hay xét tuyển kèm điều kiện tiếng Anh… Về cơ bản, việc xét tuyển không có gì biến động. Thế nhưng, các trường cũng đã có những kế hoạch cho các năm sau.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết từ năm 2020, trường sẽ tuyển sinh bằng cách tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tổng hợp UEH-GAT (UEH - General Ability Test). Cụ thể, trường tuyển sinh dựa vào 2 tiêu chí: kết quả bài thi UEH-GAT và điểm GPA (trung bình 3 năm THPT), dự kiến tỉ lệ điểm ở mỗi tiêu chí được tính là 50%.

Đặc biệt, Trường ĐH Kinh tế TP HCM dự kiến tổ chức kỳ thi UEH-GAT mỗi quý một lần, tạo cơ hội cho thí sinh có thể dự thi nhiều lần trong năm để cải thiện kết quả, tăng cơ hội trúng tuyển. Thậm chí, trước khi tốt nghiệp THPT, học sinh vẫn được quyền đăng ký tham gia kỳ thi này.

Theo ông Nhựt, với kỳ thi này, trường dự kiến sẽ tổ chức nhiều nơi để thí sinh không phải di chuyển xa, gồm các khu vực: Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, TP HCM và Tây Nam Bộ.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng sau năm 2020, nếu kỳ thi THPT quốc gia minh bạch, khách quan thì vẫn có thể sử dụng để xét tuyển. Tuy nhiên, trường đang hướng đến đưa kỳ thi SAT của Mỹ vào để làm kỳ thi tuyển…

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết việc tuyển sinh phụ thuộc mục tiêu đào tạo của trường. Tuy nhiên, nếu trường nào cũng tổ chức thi riêng thì sẽ gây tốn kém mà chưa chắc đã hiệu quả.

Sớm có cơ chế cho các trung tâm khảo thí

Việc tuyển sinh phụ thuộc vào mục tiêu đào tạo của trường nên PGS-TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt cho rằng thời gian tới, các trường sẽ có xu hướng tổ chức kỳ thi riêng. Tất nhiên, trường nào đủ năng lực mới có thể tổ chức, trường không tổ chức có thể tùy vào lĩnh vực ngành nghề công nhận kết quả thi của trường khác để tuyển sinh. Xu hướng này có thể hình thành các nhóm trường có chung ngành nghề cùng công nhận kết quả thi.

Hình thành các trung tâm khảo thí độc lập là ý kiến được nhiều chuyên gia đề cập cho lộ trình sau năm 2020. Theo TS Lê Lâm, Chủ tịch HĐQT hệ thống Trường Đại Việt Sài Gòn, cần có các trung tâm khảo thí độc lập làm nhiệm vụ tổ chức thi. Kết quả đó được nhiều trường công nhận và sử dụng. Các trung tâm khảo thí này tổ chức nhiều đợt trong năm để tránh gây áp lực cho học sinh và xã hội.

Đồng ý quan điểm trên nhưng có ý kiến cho rằng việc này cần được diễn ra tự nhiên, không mang tính áp đặt. Khi một trung tâm khảo thí nào đó hình thành, hoạt động uy tín thì các trường ĐH sẽ công nhận và sử dụng.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng để hình thành các trung tâm khảo thí độc lập sau năm 2020, nhà nước cần có chính sách, lộ trình kèm theo các cơ chế cần thiết ngay từ bây giờ. Vấn đề khó khăn nhất vẫn là nhân sự chuyên nghiệp để thiết kế đề thi và thử nghiệm.

Ngoài ra, theo TS Vinh, rất cần có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới để dựa vào đó, các trung tâm tập trung phát triển nhân sự, chuẩn bị nội dung, kỹ thuật đánh giá cho phù hợp. Thời gian thành lập và đi vào hoạt động cũng phải mất khoảng 3-5 năm do phải xây dựng được các ngân hàng đề thi và thử nghiệm ổn định, khi đó trung tâm mới có sản phẩm mang đi đánh giá. Nếu gấp rút chuẩn bị thì cũng phải đến sau năm 2022 may ra có vài trung tâm khảo thí đáng tin cậy.

Coi chừng luyện thi lại rầm rộ

PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng nếu trường nào cũng tổ chức thi, nghĩa là quay về thời kỳ trước "3 chung", sẽ dẫn đến nhiều chuyện phức tạp và hệ lụy của nó là không hề nhỏ. Theo đó, khi các trường tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển thì học sinh sẽ phải tham gia nhiều kỳ thi để lấy kết quả xét tuyển vào các trường, gây tốn kém. Ngoài ra, không phải trường nào cũng có đủ năng lực để tổ chức riêng một kỳ thi, đặc biệt là khâu đề thi có bảo đảm chính xác, minh bạch hay không; luyện thi lại hoạt động rầm rộ...

Theo Huy Lân

Người Lao Động