GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu:

Cần tổng điều tra toàn diện trước khi đánh giá

(Dân trí) - Để có được cơ sở vững chắc cho một đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay, có lẽ cần có một cuộc tổng điều tra toàn diện, khoa học với quy mô thích hợp.

Đó là quan điểm của GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học - Giáo dục của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. GS Trân Châu cho rằng, về thực trạng của nền giáo dục nước ta, có nhiều ý kiến đánh giá không chính thức khác nhau, nhiều ý kiến cho là bất cập, yếu kém, lạc hậu, hay có người còn cho là đi lạc hướng…thậm chí còn cho là đã góp phần làm suy yếu thêm nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội. Trong một môi trường xã hội mà văn hóa, đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái như Nghị quyết 4 đã nêu, thì không thể không ảnh hưởng đến toàn xã hội trong đó có giáo dục, không thể đơn thuần quy là do lỗi của giáo dục trong việc làm băng hoại đạo đức, văn hóa, xã hội.
 
Cần có một cuộc tổng điều tra toàn diện về giáo dục trước khi đánh giá (Ảnh minh họa)

Cần có một cuộc tổng điều tra toàn diện về giáo dục trước khi đánh giá (Ảnh minh họa)

Hiện tượng nhà trường nào đó và các thầy giáo nào đó "bán bằng”, một bộ phận học trò học chỉ để có “bằng” có phần là do lỗi của hệ thống quản lý giáo dục, nhưng lỗi này chỉ có thể phát sinh, nảy nở và phát triển trong một môi trường xã hội mà có sự hiện diện của việc mua bán chức, kiếm được việc làm, hay thăng tiến không phải chủ yếu do năng lực bản thân, mà khá phổ biến là phụ thuộc khá nhiều vào việc “chạy chọt”, “đổi chác” bằng nhiều hình thức khác nhau.

Mặc dù chưa có kết quả “tổng kiểm tra” “đánh giá tổng thể” một cách khoa học nhưng dư luận xã hội hình như cũng khá thống nhất về một số yếu kém của giáo dục cần sớm khắc phục.

Cũng theo TS Trân Châu, những yếu kém chính thường được nêu trong thời gian gần đây đó là học nặng, thi cử phức tạp tốn kém, thiếu kiến thức thực hành, hiệu quả học không cao, khả năng vận dụng tri thức kém. Ngoài một số học sinh xuất sắc, giỏi, trình độ của số khá nhiều học sinh, sinh viên không tương xứng với bằng cấp mà họ có được. Đội ngũ giáo viên ở tất cả các cấp ngày nay được đào tạo theo một hệ thống khá cơ bản, theo chương trình khá tốt so với trước đây nhưng vẫn còn đó những bất cập…

Giải pháp nào để đổi mới?

Theo quan điểm của GS. TSKH Phạm Thị Trân Châu thì những giải pháp cần phải hướng tới đó là nâng cao sự gương mẫu, hiệu quả hoạt động của giáo viên. Đây có lẽ là khâu đột phá trước tiên cần làm ngay vì các thầy cô có vai trò đặc biệt quan trọng đến chất lượng đào tạo.

Cần đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi nghề, có tâm huyết, trách nhiệm nghề nghiệp, xứng đáng là thầy giáo. Từ thực tế cho thấy giáo dục phổ thông có vai trò khá quan trọng đối với việc hình thành nhân cách, phải xây dựng từ gốc, vì vậy làm thế nào để có bậc học này có đội ngũ giáo viên chuẩn.

Tạo điều kiện để có người giáo viên có điều kiện phấn đấu vươn lên, toàn tâm toàn ý với nghề. Hơn ai hết, người thầy phải là tấm gương sáng cho học sinh về nhiều mặt, nhất là ý thức “học tập suốt đời” về mọi mặt.

Mặt khác rà soát lại yêu cầu, mục tiêu đào tạo về kiến thức lý thuyết và thực hành, nhân cách, kỹ năng sống cho người học của từng bậc học, từng loại hình đào tạo, thật rõ ràng cụ thể thiết thực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của nước ta đáp ứng yêu cầu của nước ta về họi nhập quôc tế.

Cần quan tâm nhiều đặc biệt có biện pháp, hình thức kiểm tra thích hợp để đảm bảo chuẩn chất lượng sản phẩm của mỗi bậc học trong suốt quá trình đào đạo.

Có cần quá chú trọng mất nhiều công sức, tiền bạc như hiện nay để chỉ sàng lọc, do đó không khuyến khích người học phải cố gắng trong quá trình học. Chất lượng đầu ra không bảo đảm dẫn đến một thực tế là có sự qua khác nhau về trình độ giữa những người có cùng một “tấm bằng” xác nhận trình độ. Điều này dẫn đến sự bất công về cơ hội việc làm, nhất là trong điều kiện có nhiều tiêu cực mà không phải dễ khắc phục và có thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Ngành cũng cần có biện pháp để giúp người học sớm hướng nghiệp từ bậc phổ thông.

Về vấn đề chương trình, SGK, GS Trân Châu cho rằng so với trước đã có nhiều tiến bộ, việc cải cách hay viết lại cần có chuẩn bị hết sức cẩn thận, lên phương án cụ thể tranh thủ ý kiến rộng rãi nhiều loại chuyên gia, tìm cách thích hợp để tránh lãng phí tiền công và công sức mà có thể lại thêm khó khăn cho việc đổi mới.

“Sách có thể chưa thật tốt như mong muốn, có thể hoàn thiện dần nhưng nếu có giáo viên tốt, có chương trình hướng dẫn cụ thể thì vẫn có thể đạt yêu cầu mong muốn” - GS Trân Châu nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề tổ chức quản lý, GS Trân Châu cũng cho rằng cần phải có sự thay đổi. Ở đây những người có trách nhiệm ở tất cả các cấp kể cả thành viên của hội đồng tư vấn cần làm đủ chức năng nhiệm vụ và phải có cơ chế quy định về việc chịu trách nhiệm cá nhân đối với công việc được giao. Cần có hệ thống tư vấn, thanh tra, kiểm tra (làm việc một cách thật sự, có chịu trách nhiệm chứ không phải là hình thức) đánh giá một cách đầy đủ mọi hoạt động giáo dục, cũng như mọi tổ chức, hoạt động có tính chất thử nghiệm.

“Cải cách giáo dục được tổ chức thành lập theo tinh thần thực sự cầu thị, có cơ chế để có thể tranh thủ được nhiều ý kiến của đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học và quản lý có kinh nghiệm nghề nghiệp, có tâm huyết. Tổ chức này có nên chăng là một tổ chức có quyền lực để thực thi nhiệm vụ được giao?” - GS Trân Châu nói.

S.H