Cần thay đổi chuẩn hiệu trưởng

(Dân trí) - Mục tiêu hàng đầu của chuẩn hiệu trưởng phải là hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) phát triển năng lực lãnh đạo trường học lấy học sinh làm trung tâm, phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, kết nối cộng đồng, cam kết trách nhiệm XH...

Cần thay đổi chuẩn hiệu trưởng - 1

Ngày 24/11, tại Học viện Quản lý giáo dục, Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT- Chương trình ETEP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã tổ chức hội thảo về “Chuẩn hiệu trưởng và phát triển chương trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng CBQLCSGD PT”.

Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu, điều phối trưởng ETEP, chuyên gia Ngân hàng Thế giới, lãnh đạo các Vụ,Cục,Dự án thuộc Bộ GD&ĐT, lãnh đạo một số Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng trường phổ thông các cấp, lãnh đạo, chuyên gia của Học viện Quản lý giáo dục và các trường đại học sư phạm chủ chốt tham gia ETEP...

Hội thảo đã tập trung thảo luận về những vấn đề cần thay đổi của chuẩn hiệu trưởng hiện hành để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Mục tiêu hàng đầu của chuẩn phải là hỗ trợ CBQLCSGDPT phát triển năng lực lãnh đạo trường học lấy học sinh làm trung tâm, phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên, kết nối cộng đồng, cam kết trách nhiệm Xã hội, với phụ huynh học sinh để học sinh thành công trong học tập và tham gia phát triển xã hội.


Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Chương trình ETEP sẽ sử dụng chuẩn để đánh giá năng lực, phân tích nhu cầu học tập CBQLCSGDPT để phát triển chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng 4000 CBQLCSGDPT cốt cán trong toàn quốc.

Những CBQLCSGDPT cốt cán sau đó sẽ tiếp tục hỗ trợ 70.000 CBQLCSGDPT ở địa phương thực hiện bồi dưỡng phát triển năng lực lãnh đạo trường học thường xuyên, liên tục, tại chỗ.

Học viện Quản lý giáo dục và các trường ĐH Sư phạm chủ chốt tham gia ETEP sẽ cử chuyên gia, giảng viên hỗ trợ học tập cho đội ngũ CBQLCSGDPT toàn quốc thông qua hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) và hệ thống quản lý thông tin bồi dưỡng GVQLBQLCSGD (TEMIS). Kết quả thực hiện chương trình bồi dưỡng sẽ được người học và cơ quan quản lý là các Sở GD&ĐT đánh giá trên hệ thống TEMIS.

Hội thảo cũng tập trung thảo luận về tiêu chí và quy trình lựa chọn CBQLCSGDPT cốt cán và giảng viên sư phạm bồi dưỡng CBQLCSGDPT cốt cán, trong đó yêu cầu quan trọng nhất đối với giảng viên tham gia giảng dạy là sự trải nghiệm về bồi dưỡng CBQLGDPT, am hiểu về công tác quản lý trường phổ thông và đổi mới giáo dục, quản lý giáo dục.

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm