1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Sơn La:

Cần làm rõ vụ trẻ mầm non bị gãy xương đòn khi rời lớp học

Đình Cường

(Dân trí) - Khi biết con mình bị gãy xương đòn ở lớp nhưng cô giáo nói cháu không ngã hay va đập vào đâu, phụ huynh đã làm đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ.

Cần làm rõ vụ trẻ mầm non bị gãy xương đòn khi rời lớp học - 1

Hình ảnh chụp phim tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu ngày 30/12/2020 cho thấy, cháu B.V.N.M bị gãy 1/3 ngoài xương đòn phải.

Trẻ bị gãy xương đòn tay phải

Theo phản ánh của chị Vũ Thị Nga (SN 1992, trú tại thôn Kim Chung 2, xã Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La) tới PV Dân trí, con trai chị là cháu B.V.N.M (SN 2016) theo học tại trường Mầm non Hoa Mai của xã từ năm 2019.

Ngày 16/12/2020, gia đình đưa cháu M. đến trường và được cô giáo Nguyễn Mai Thu đón trong tình trạng khỏe mạnh, chân tay lành lặn, tinh thần vui vẻ.

Đến chiều cùng ngày, do bận việc nên chị Nga có nhờ người nhà là chị Vũ Hồng Tươi đến trường đón cháu M. Lúc đó, cháu M. đi từ trong lớp ra với biểu hiện mệt mỏi, buồn rầu và kêu đau tay, chị Tươi hỏi nhưng con không nói.

Về nhà, gia đình kiểm tra và phát hiện khu vực bả vai phải và cánh tay cháu M. bị sưng. Gia đình rất lo lắng và gọi điện hỏi cô giáo Thu - người trực tiếp trông lớp xem cháu có bị ngã hay va đập vào đâu không? Cô Thu trả lời không biết.

Ngày 18/12/2020, tay cháu M. vẫn bị sưng và liên tục kêu khóc, chị Nga đã đưa con đi khám tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Sơn. Tại đây, bác sĩ kết luận cháu M. bị gãy xương đòn tay phải và chấn thương vùng ngực. Bệnh viện phải tiến hành bó bột rồi cho cháu M. về nhà theo dõi.

Liên tiếp trong các ngày sau đó, gia đình tiếp tục đưa cháu M. đi kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu. Các bác sĩ vẫn kết luận cháu M. bị gãy xương đòn tay phải và chấn thương vùng ngực.

Cũng theo vị phụ huynh này, ngày 18/12/2020, chị đã gọi điện trực tiếp cho hiệu trưởng nhà trường để hỏi tình hình. Cho rằng lời giải thích của cả cô giáo chủ nhiệm lẫn hiệu trưởng đều chưa thỏa đáng, chị Nga đã làm đơn gửi tới Phòng GD&ĐT và UBND huyện Yên Châu.

"Nhiều lần tôi gặng hỏi, cháu mới nói bị cô giáo dùng đĩa đánh vào vai do nghịch sách của cô. Đêm ngủ cháu vẫn hay mê sảng và có biểu hiện sợ cô giáo. Khi trao đổi về việc này, cô hiệu trưởng còn yêu cầu tôi chuyển con đi học trường khác do vướng điều kiện hộ khẩu. Tôi yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân con tôi bị gãy xương tại lớp học nhưng đến nay vẫn không có câu trả lời", phụ huynh Vũ Thị Nga nói.

Hiện tại, gia đình vẫn cho cháu M. ở nhà để chăm sóc chứ không đến lớp, vết gãy xương đòn tay phải vẫn đang phải bó bột cố định. 

Cần làm rõ vụ trẻ mầm non bị gãy xương đòn khi rời lớp học - 2

Trường Mầm non Hoa Mai - nơi cháu M. theo học.

Nhà trường và Phòng GD&ĐT nói gì?

Trao đổi với PV Dân trí, cô giáo Lê Thị Toan - Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Mai xác nhận, nhà trường có nhận được phản ánh của phụ huynh về việc này. Ngày 19/12/2020, đại diện nhà trường đã lên tận nhà thăm nhưng chị Nga đã đưa cháu M. đi khám và không có ở nhà.

BGH nhà trường đã báo cáo tới Phòng GD&ĐT huyện Yên Châu về sự việc. Đồng thời, yêu cầu hai cô giáo trông lớp cháu M. là cô Thu và cô Thảo viết bản tường trình lại sự việc xảy ra trong ngày 16/12/2020.

Theo đó, cả hai cô giáo đều cho rằng cháu M. không ngã hay va đập gì vì lúc trả về cháu không có biểu hiện gì bất thường.

Cũng theo vị hiệu trưởng, với đặc thù là bậc mầm non nên trong trường không dùng đĩa sứ mà dùng đĩa nhựa. Việc phụ huynh cho rằng cô giáo dùng đĩa đánh vào vai học sinh, cơ quan chức năng sẽ phải điều tra làm rõ. Nếu cô giáo sai sẽ phải chịu trách nhiệm.

Do chưa được lắp camera giám sát nên trước mắt, nhà trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và cung cấp các thông tin liên quan để sớm làm rõ sự việc này.

Từ khi phát hiện sự việc, nhà trường cùng hội phụ huynh và các ban ngành đã nhiều lần lên nhà hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần cháu M, lần gần nhất là ngày 10/4/2021.

"Quan điểm của nhà trường luôn muốn phối hợp cùng với gia đình chữa trị, chăm sóc để cháu M. sớm bình phục và quay trở lại trường học. Sau khi có kết luận từ cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ có hướng xử lý tiếp theo", cô Toan khẳng định.

Bà Vũ Thị Tuyết, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Châu cho hay, trường Mầm non Hoa Mai có 13 điểm trường nằm rải rác trên địa bàn xã Phiêng Khoài với 596 học sinh đang theo học. Cháu B.V.N.M học tại điểm trường trung tâm ở thôn Kim Chung 1.

Sau khi nhận được báo cáo từ BGH trường Mầm non Hoa Mai cùng với đơn kiến nghị của chị Vũ Thị Nga, Phòng đã tổ chức đoàn công tác về xã Phiêng Khoài và gặp gỡ nhà trường, phụ huynh để tìm hiểu sự việc.

Qua nắm bắt, nhận thấy việc này nằm ngoài khả năng nghiệp vụ của mình, Phòng GD&ĐT huyện đã báo cáo sự việc tới UBND huyện. Lãnh đạo UBND huyện Yên Châu đã giao cho Công an huyện vào cuộc điều tra làm rõ nội dung này.

Cần làm rõ trách nhiệm các bên

Theo thông báo số 333/TB-ĐTTH ngày 18/3/2021 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Yên Châu xác định, cháu B.V.N.M bị gãy 1/3 ngoài xương đòn phải, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 16%.

Trong công văn số 23/CV-HBCQTE ngày 26/2/2021, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị UBND huyện Yên Châu chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan xem xét giải quyết vụ việc bé trai bị gãy xương đòn khi đi học tại trường Mầm non Hoa Mai theo quy định của pháp luật; xem xét trách nhiệm của nhà trường và cá nhân hai cô giáo phụ trách lớp.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.