Cần hiểu đúng danh hiệu viện sĩ

Viện sĩ là từ nhập ngoại. Chứ, ở nước ta danh hiệu khoa học cao nhất là giáo sư theo luật pháp hiện hành.

Viện sĩ (VS) là cách nói du nhập từ Liên Xô, rất cao giá. Cấp cao nhất - VS Viện Khoa học (Akademia Nauk) toàn Liên Xô, ta được bầu 3 vị: Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khánh Toàn và Nguyễn Văn Hiệu.

 

Hiện nay, tương đương là Viện Hàn lâm Khoa học (VHLKH) Nga (RAN, chưa tới 500 VS), ta có 2 VS: Nguyễn Duy Quý  và Đặng Vũ Minh. Dưới Viện khoa học chung, có 5 viện chuyên ngành: Viện Hàn lâm (VHL) Nghệ thuật, VHL Khoa học giáo dục, VHL Y học, VHL Kiến trúc và Xây dựng, và VHL Khoa học nông nghiệp. Đến đây, chỉ chừng này thôi đã thấy có sự phân biệt giữa VS: 1 anh là khoa học chung, 5 anh là chuyên ngành.

 

Kế đến dưới 15 nước cộng hoà cũng đồng thời hoạt động hệ thống tổ chức tương tự. "Giá" VS càng khác xa.

 

Từ đầu những năm 1990 - thời kỳ hậu Xô viết, ở Nga "bung ra" ngày càng nhiều những viện hàn lâm akademia phi chính phủ, tổ chức, hoạt động chỉ như một hội, liên hiệp hội, viện chuyên môn, thậm chí, như một câu lạc bộ ngành nghề... mà tuỳ đó, người dịch nghĩa nói sao cho... lọt tai là được.

 

Hội Khoa học tự nhiên Nga (RAEN), Hội Quốc tế thông tin hoá, Nhạc viện, Viện Vệ sinh môi trường, Hội Người câm điếc (chả nhẽ dịch "Viện câm điếc")... Chả thế, VS S.Stepanov (VHL Khoa học giáo dục Nga) cho biết, hiện nay ở Nga không thể xác minh được đang tồn tại bao nhiêu các tổ chức mang tên akademia mà thành viên đều gọi, hoặc viết VS cũng không sai - chắc chắn, không thể dưới con số 200.

 

Các akademia này lập ra không có chức năng quản lý khoa học. Thành viên gia nhập không phải bầu, chỉ cần tự nguyện, đóng lệ phí. Việc đòi hỏi văn bằng cũng tuỳ từng akademia cụ thể. Vậy là số lượng không hạn chế, càng đông càng... vui, phát triển rộng khắp càng hay, thanh thế càng... oai! Chẳng hạn RAEN hiện có không dưới 6.000 VS; MAI (Hội Quốc tế thông tin hoá) đã ngót 20.000 người. Kinh phí hoạt động dựa vào sự đóng góp của... VS và các nhà hảo tâm tài trợ cũng như ở ta vậy.

 

Thực trạng hai chữ VS ở nước ta cho tới nay vẫn chưa có gì thay đổi về cách hiểu và cách dùng, kể cả trong giới học giả và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một vị GS-TS đáng kính gần đây, trên bài viết đăng báo thay chữ TS sau chữ GS bằng chữ VS. Nhân một dịp tới nhà, tôi tò mò xem giấy chứng nhận của ông, hoá ra ông chỉ là Membre de l'Académie của... một hội y học thành phố kia ở Pháp. Hoặc như dạo nọ, mấy tờ báo ta rầm rộ đăng tít lớn: Nữ VS Việt Nam đầu tiên... khiến TSKH Trần Kim Bảo phát... ngượng, phải giải thích bà chỉ là thành viên của RAEN thôi.

 

Quốc hội ta đã khẳng định: Danh hiệu VS nước ta chưa có, đề nghị không đưa vào chức danh. Cần giới thiệu cá nhân VS nào thì ghi rõ: VS gì, của nước nào. Nước ta cần bỏ thói quen lạm dụng các chức danh GS, TS, ThS... Khi cần, phải ghi rõ TSKH, TS, ThS... thuộc ngành gì, bởi học vị dù cao cũng chỉ thuộc một lĩnh vực khoa học nhất định.

 

Trịnh Tố Long (Hà Nội)

Theo Lao Động