Can đảm như... giáo viên dân lập
Học sinh dân lập hư, lười… Làm giáo viên dân lập khổ trăm bề. Những điều đó ai cũng biết. Nhưng một điều mà ít người biết đó là học sinh dân lập cũng rất tình cảm và chịu khó. Vì thế, giáo viên ở đây cũng được rất nhiều chứ không chỉ mất.
Ra đường chẳng phải sợ ai
Làm giáo viên ở các trường phổ thông dân lập một thời gian thì ra đường chẳng phải sợ ai nữa, đó là lời khẳng định chắc nịch của nhiều thầy cô giáo. Cô Nguyễn Nga - giáo viên một trường dân lập lâu năm - cũng không nằm ngoài cái lệ đó.
Theo lời kể của cô Nga, cuộc đời đi dạy của các cô có đủ chuyện vui buồn. Nào là chuyện hồi trẻ bị học sinh thích, gây chú ý bằng cách rất ngược đời là… xì lốp xe đạp rồi vác bơm chờ ở cổng trường; nào là chuyện học sinh lớp cô chủ nhiệm chơi ác cô giáo bộ môn khác bằng cách… găm kim khâu dưới ghế ngồi để cô bị thương; nào là chuyện phạt học sinh rồi bị dọa đánh…
Chính vì phải đối phó với những tình huống sư phạm hầu như không bao giờ có trong các bài giảng ở trường đại học như vậy mà cô Nga trở thành một người đầy kinh nghiệm xử lý trò hư.
Từ những câu chuyện của cô có thể soạn thành một quyển từ điền về các kiểu trò hư: Trò nữ thường nghịch ngầm, rất thâm thúy. Dù ngoài mặt có khi các nàng vui vẻ với mình nhưng bên trong lại thầm tìm cách phá rào các kỉ luật của cô. Trò nam nghịch rất ầm ĩ nhưng sòng phẳng, vì thế dễ bị “thu phục” nếu mình tôn trọng và coi các em như người đã trưởng thành.
Theo cô Nga, “việc quá cứng rắn với những trò cá biệt chỉ đem đến kết quả ngược lại điều mình mong muốn. Có lần, tôi làm “căng” với một trò cá biệt, khiến trò ấy nổi xung, dọa sẽ đánh cô ngay sau khi ra khỏi trường.
Tôi biết với trường hợp này, nếu xử nhũn sẽ bị “phang” ngay, lần sau trò sẽ không nghe lời mình nữa. Vì thế, tôi bình tĩnh nói: Trong trường, em là học sinh của tôi, tôi giáo dục em bằng phương pháp sư phạm. Còn nếu ra ngoài đường, em dùng cách gì tôi cũng đối phó lại được, em không đấu nổi với tôi đâu”.
Và để chứng minh cho việc vừa nói vừa làm của mình, tan học, cô Nga đã gọi ngay cho anh trai mình đến làm vệ sĩ để lấy uy với học trò. Thấy vậy, trò đó cũng “ngán”, xuôi xị ngay cho đến lúc ra trường.
Giáo viên chủ nhiệm - cần một tấm lòng
Giáo viên bộ môn đã khó, giáo viên chủ nhiệm còn vất vả trăm bề. Tuy vậy, ở các trường phổ thông dân lập, thầy cô giáo đã thể hiện sự quan tâm đúng mức đến công tác chủ nhiệm.
Ở trường THPT DL Phương Nam, cách đây vài năm đã thường xuyên tổ chức các hội nghị về công tác giáo viên chủ nhiệm trong trường dân lập. Sau hội nghị, nhà trường còn tập hợp các tham luận tốt của các thầy cô giáo chủ nhiệm thành một cuốn sách lưu hành nội bộ qua các thế hệ của trường để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của những người gần gũi các em nhất.
Cô Nguyễn Thị Loan đã đúc kết kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm của mình trong ba chữ “nghiêm khắc - tình cảm - tâm lý”. Cô kể lại câu chuyện về một lớp 12 mà cô chủ nhiệm.
Lớp này không có nề nếp, học sinh nói chuyện tự do trong giờ, ra vào lớp như đi chợ, nói tục chửi bậy thoải mái. Nhiều thầy cô từng bất lực với lớp này vì đến giờ học sinh khóa chặt cửa không cho thầy cô vào. Có thầy giáo già vào đứng lớp, học trò quậy đến nỗi thầy không dám tiếp tục dạy lớp vì sợ lên cơn đau tim.
Trước tình trạng đó, cô Loan đã nhiều đêm mất ngủ với trăn trở: “Nếu nghiêm và cứng quá sẽ “đứt”, nhưng nếu mềm mại quá học sinh sẽ như ngựa phi nước đại, đứt dây cương trở thành “bất kham”. Cuối cùng cô chọn biện pháp dung hòa cả hai cách này.
Bên cạnh biện pháp mạnh, quản lý lớp bằng nội quy nghiêm ngặt với các khung hình phạt kiên quyết, cô theo dõi và chọn ra một số học sinh cá biệt thường giữ vai trò đầu trò, tách từng em ra và thể hiện sự quan tâm đến các em, đánh vào tâm lý cần có người để chia sẻ của các em để tạo lòng tin, vì nhiều em có hoàn cảnh rất đáng thương.
Có em nghe lời. Có em tiếp tục phá sau lưng cô. Cô tiếp tục kiên nhẫn biện pháp mềm dẻo, kết hợp khen mỗi khi học trò có tiến bộ nhỏ. Điều đó đã khích lệ các em rất nhiều.
Tiếc là những người như cô Loan không nhiều, vì hiện nay nhiều trường dân lập chủ yếu thuê các thầy cô trường ngoài. Việc gắn bó vì thế cũng không sâu sắc.
Vì thế nên thầy cứ dạy cho xong việc thầy, trò học hay không thầy vẫn ăn lương. Trò có kết quả kém thì thầy cũng được thông cảm, ai chả biết học trò dân lập học kém rồi! Chính vì vậy mà các em đã kém lại ngày càng tụt lại phía sau...
Theo Phượng Diễm
VTC