Cần có đánh giá đầy đủ về cuộc thi KHKT quốc gia để tiếp tục hay dừng?

(Dân trí) - Do có nhiều ý kiến hoài nghi về dự án nghiên cứu trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia của học sinh, nên rất cần sự đánh giá đầy đủ kết quả và ý nghĩa của cuộc thi này để tiếp tục hay dừng?

Đó là ý kiến của TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT về cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học đang gây xôn xao, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học
năm 2021 vừa kết thúc. Nhiều dự án đạt giải liên quan đến lĩnh vực y dược như: "Thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng bàn tay cho bệnh nhân bị di chứng hậu đột quỵ"; "Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà"; "Cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư"… khiến nhiều ý kiến đặt câu hỏi về sự "vượt tầm" của học sinh trung học. 

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD&ĐT, với học sinh trung học nên thi ý tưởng sáng tạo và không nên có sự tham gia của các thầy ở trường hoặc viện.

Để thiết kế và chế tạo ra một thiết bị đòi hỏi khá nhiều thời gian cũng như kiến thức về kỹ thuật công nghệ. Nếu đòi hỏi điều này với học sinh phổ thông là rất khó khả thi. Nên chăng có việc hợp tác giữa trường phổ thông và ĐH là tốt để hướng các em có đam mê nghiên cứu khoa học từ sớm, góp phần đào tạo nhân lực trình độ cao.

Ông Vinh nhấn mạnh: "Mục đích của việc nghiên cứu KHKT là tốt nhưng nếu lạm dụng việc thi của học sinh vì những động cơ cá nhân của người lớn là không tốt. Nhất là khi người lớn can thiệp vào công việc của học sinh sẽ tác động tiêu cực đến nhân cách các em làm khoa học sau này.

Sau nhiều năm tổ chức thi KHKT cấp quốc gia, Bộ GD&ĐT nên có nghiên cứu đánh giá kết quả và ý nghĩa của kỳ thi này với việc giáo dục, nhất là với những học sinh đạt giải cao qua các năm.

Các em hiện nay làm gì/học gì/ở đâu? Có tiếp tục làm nhà khoa học hay không? Làm gì để nuôi dưỡng những tài năng trẻ này? Các trường ĐH nên có đánh giá xem khi được tuyển vào trường, những em đó năng lực học tập thế nào?".

"Do có nhiều ý kiến hoài nghi về sự thiếu liêm chính trong nghiên cứu khoa học của cuộc thi, nên rất cần sự đánh giá đầy đủ kết quả và ý nghĩa của cuộc thi này những năm qua để tiếp tục có cải thiện hay dừng", TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.

Cần có đánh giá đầy đủ về cuộc thi KHKT quốc gia để tiếp tục hay dừng? - 1

Các gian hàng giới thiệu dự án của học sinh tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật

Nhiều câu hỏi đặt ra về cuộc thi

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ, nếu thực sự học sinh làm được những đề tài như đã nêu là điều vô cùng đáng biểu dương.

Tuy nhiên, với những đề tài rất khó liên quan đến lĩnh vực y dược, ông Dong không tin học sinh trung học có thể tự làm được. Nếu đứng tên một tập thể thì có thể chấp nhận.

GS Dong phân tích, những đề tài y dược phải có thời gian thử nghiệm lâu năm, khi đạt kết quả nhất định mới công bố. Việc cải tiến peptit polybia-mpl để ứng dụng trong điều trị ung thư, nếu nghiên cứu lâu năm và công bố thành giải thưởng thì phải là một công trình nghiên cứu không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, phần lớn các công trình nghiên cứu đều phải có một tập thể của phòng thí nghiệm đứng ra làm chứ không chỉ có một cá nhân.

Ngoài ra, học sinh trung học hiện nay còn phải tập trung học văn hóa trên lớp để phục vụ các kỳ thi, sẽ phân bổ thời gian từ 8 - 10 tiếng/ngày như thế nào cho nghiên cứu công trình KHKT?; phòng thí nghiệm nào đứng ra giúp các em hoàn thành các đề tài/công trình KHKT này?; kinh phí để đầu tư cho một công trình nghiên cứu/đề tài KHKT như trên là bao nhiêu?

GS Dong dẫn chứng những năm trước, ông đã từng tiếp nhận thông tin phản ánh từ độc giả về một đề tài đạt giải KHKT nhưng có phần "giống" với một đề tài KHKT đã được công bố ở Pháp trước đó.

 "Giả sử, có đề tài nào đó gian lận nhưng vẫn đem đi thi ở thế giới hoặc các trường ĐH dùng giải này để ưu tiên tuyển thẳng. Nếu đề tài bị phát hiện gian dối, lúc đó sẽ xử lý ra sao, trách nhiệm thuộc về ai", GS Dong băn khoăn.

Theo một chuyên gia về lĩnh vực Khoa học & Công nghệ, hiện nay hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang phát triển khi đối tượng tham gia cũng được mở rộng. Các sản phẩm phải mang tính thực tiễn và thực chất.

Với học sinh phổ thông, những kiến thức về KHKT chưa thể sâu như bậc ĐH. Nếu em nào có đam mê nghiên cứu KHKT từ sớm, khi lên ĐH tiếp tục theo con đường này là điều nên khuyến khích.

Nếu các em học lập trình và Toán ở phổ thông thật tốt, tham gia cuộc thi KHKT có sản phẩm về Công nghệ thông tin hay robot thì vẫn có thể đạt giải.  Còn ở những lĩnh vực khác đòi hỏi độ chuyên sâu, học sinh phải nhờ sự tư vấn, trợ giúp của người khác chứ không chỉ của một mình em đó.

Khi các em đã có niềm đam mê với KHKT, nếu đỗ vào các trường/ngành khối kỹ thuật sẽ tiếp tục được đào tạo đúng sở trường.

"Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần yêu cầu nếu trường nào tuyển thẳng thí sinh đạt giải KHKT cấp quốc gia thì phải vào đúng ngành. Tránh tình trạng thí sinh "chạy giải" chỉ nhằm mục đích được ưu tiên xét tuyển vào ĐH, dù không đúng chuyên ngành", vị chuyên gia bày tỏ.