Cambridge mất ngôi số 1 trên BXH đại học thế giới QS
(Dân trí) - Viện Công nghệ MIT đã “qua mặt” đại học Cambridge để vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng QS World University Rankings vừa được công bố đầu tuần này. Ngoài Cambridge, nước Anh còn có 3 “gương mặt” khác hiện diện trong Top 6.
Đây là lần đầu tiên Viện công nghệ MIT đứng đầu bảng xếp hạng QS. Sở dĩ có sự bứt phá ngoạn mục này là nhờ MIT tăng đáng kể tỷ lệ số giảng viên quốc tế, hạng mục vốn khiến MIT “thua thiệt” so với các trường mạnh khác trong những năm trước. Theo kết quả công bố của QS hồi tháng 6, MIT đứng đầu ở 11/29 hạng mục, qua đó giúp Viện công nghệ nổi tiếng này vượt qua các đối thủ “sừng sỏ” như Cambridge và Havard.
Nhìn chung, các trường ĐH Mỹ vẫn duy trì thế áp đảo trên bảng xếp hạng của QS, với 6 vị trí trong Top 10, 13 đại diện trong Top 20 và 31 đại diện trong Top 100. Tuy nhiên, Vương quốc Anh cũng cho thấy sự ổn định và là đối thủ đáng nể nhất với Mỹ trong cuộc cạnh tranh cho vị trí nền giáo dục đại học số 1 thế giới.
Tuy “chỉ” có 4 cái tên trong Top 10 nhưng cả 4 đại diện của Anh đều nằm trong Top 6 với Cambridge (số 2), University College London (4), Universty of Oxford (5) và Học viện Hoàng gia London (Imperial College London) xếp hạng 6.
“Các trường đại học Anh đang cải thiện đáng kể về mặt hiệu quả các nghiên cứu của họ. Trong top 20 trường hàng đầu của Vương quốc Anh, chỉ có 3 trường không tăng thứ hạng so với năm ngoái”, John O'Leary, thành viên ban tư vấn của QS cho biết.
Chỉ có một “gương mặt” mới trong top 20 so với năm ngoái, đó là University of Toronto (Canada), xếp hạng 19. Đây cũng là lần đầu tiên Canada có hai đại diện trong Top 20, với University of Toronto và ĐH Montreal's McGill (18).
Pháp chỉ có 2 trường nằm trong Top 50, với ENS Paris (hạng 34) và École Polytechnique (41) trong khi Đức thậm chí không có đại diện nào trong 50 trường đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS.
Vị trí cao nhất của một trường đại học nằm ngoài châu Âu và Bắc Mỹ thuộc về trường University of Hong Kong, với thứ hạng 23. Bảng xếp hạng lần này cũng tiếp tục chứng kiến sự đi lên của các trường ĐH châu Á. Ngoài University of Hong Kong, châu lục đông dân nhất thế giới này còn có National University of Singapore (NUS) - hạng 25, và University of Tokyo (hạng 30) nằm trong Top 30.
Bảng xếp hạng đại học thế giới QS do tổ chức xếp hạng ĐH Quacquarelli Symonds (thường được gọi tắt là QS) công bố. Bảng xếp hạng QS dựa trên các tiêu chí đánh giá chất lượng nghiên cứu, khảo sát đánh giá của nhà tuyển dụng, tỉ lệ sinh viên/giảng viên, số lượng bài báo được trích dẫn, số lượng sinh viên và giảng viên quốc tế… Hơn 46.000 học giả và 25.000 nhà tuyển dụng đã đóng góp quan điểm trong cuộc khảo sát các trường đại học trên quy mô toàn cầu này.
Mạnh Hải
Theo Guardian