Cảm xúc đặc biệt của cô giáo sinh vào đúng Ngày Thống nhất 30/4

(Dân trí) - Mỗi năm gần đến sinh nhật mình, cô Trần Thị Bích Phượng, giáo viên trường THCS Tô Ký (Hóc Môn, TPHCM) lại cảm thấy lâng lâng tự hào bởi đó cũng là lúc đất nước hân hoan kỷ niệm Ngày Thống nhất 30/4.

Cảm xúc đặc biệt của cô giáo sinh vào đúng Ngày Thống nhất 30/4 - 1

Cô giáo Trần Thị Bích Phượng sinh ngày 30/4/1975.

Hàng năm, gần như cô giáo dạy Văn Trần Thị Bích Phượng không tự tổ chức sinh nhật nhưng cô nhận được những “món quà” bất ngờ giản dị như tấm thiệp chúc mừng từ học trò hay những lời mời họp mặt từ bạn bè.

Năm nay, những ngày cuối tháng 4, cô không thể tất bật đến lớp, đến trường với học trò vì phải nghỉ phòng, chống dịch Covid-19. Dù đôi chút buồn nhưng cô Phượng cũng nhận được những lời nhắn chúc mừng sinh nhật.

Nhìn đường phố treo cờ phướn chào mừng kỉ niệm ngày thống nhất đất nước, người dân hân hoan đón chào ngày lễ lớn của dân tộc thì lòng cô lại thấy chộn rộn.

“Tôi nghe mẹ tôi kể lại, gần trưa ngày 30/4/1975 thì mẹ đau đẻ, ba vắng nhà nên lúc đó người cậu bồng mẹ đưa lên xe ngựa để chở tới nhà bảo sinh. Đến 13h, tôi cất tiếng khóc chào đời”, cô Bích Phượng kể lại lúc ra đời của mình.

Cô Phượng kể tiếp, từ nhỏ lúc đi học hay đến lúc lớn đi làm, cô luôn cảm thấy vui dù mọi người hay trêu gọi “30/4” thay cho tên.

“Cứ đến ngày sinh nhật mỗi năm, tôi đều cảm thấy vui, hãnh diện, tự hào và thấy cuộc đời mình có phần may mắn khi sinh ra đúng vào thời điểm ấy.

Đó là thời khắc chiến tranh đã qua đi, một thời kỳ mới mở ra, một cuộc sống mới cho dân tộc mình”, cô Phượng chia sẻ.

“Tôi cảm thấy hạnh phúc vì may mắn sinh ra không còn chiến tranh. Cũng từ đó tôi thấy phải sống thật có trách nhiệm khi thế hệ đi trước đã chiến đấu, hy sinh để mang lại cuộc sống yên bình ngày hôm nay”, cô giáo dạy Văn bộc bạch.

Cảm xúc đặc biệt của cô giáo sinh vào đúng Ngày Thống nhất 30/4 - 2

Cô giáo Trần Thị Bích Phượng (thứ hai từ trái qua) cùng các đồng nghiệp chụp ảnh nhân dịp đầu năm học mới.

Sinh ra tại mảnh đất Hóc Môn có bề dày lịch sử, cô yêu mảnh đất ấy và luôn muốn đóng góp cho quê hương mình.

Tốt nghiệp ra trường năm 1998, cô Phượng được quay về quê giảng dạy cho trường THCS Thị trấn Hóc Môn. Sau đó trường THCS Tô Ký (Hóc Môn) được thành lập năm 2012 thì cô Phượng gắn bó ở ngôi trường này đến nay.

22 năm gắn bó với môi trường sư phạm, với nghiệp dạy văn, cô luôn hạnh phúc với công việc mình đã chọn.

Cô Phượng cũng chia sẻ rằng mình mong muốn mọi trẻ em đều được học hành tới nơi tới chốn. Gia đình, nhà trường phải phối hợp với nhau để giúp các em học tập tốt nhất. Bên cạnh đó, cô luôn muốn truyền dạy cho thế hệ sau tình yêu dân tộc.

“Ngoài bài giảng, tôi tìm hết những gì mà bản thân cảm nhận được về chiến tranh, để giáo dục đạo đức học sinh trong những tiết dạy của mình.

Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của mình đối với thế hệ sau, giúp các em thêm yêu quê hương đất nước mình”, cô giáo Phượng tâm sự.

Cảm xúc đặc biệt của cô giáo sinh vào đúng Ngày Thống nhất 30/4 - 3

Ngoài công việc giảng dạy, cô Phượng còn phụ trách công đoàn nhiều năm nay

Câu lạc bộ những người sinh ngày 30/4

Cô Trần Thị Bích Phượng chia sẻ, cô là một trong hàng nghìn người có ngày sinh đặc biệt 30/4/1975. Cách đây 15 năm, tại TPHCM có một sự kiện đáng nhớ kết nối gần 1.000 người cùng ngày sinh trong một tiệc sinh nhật chung.

Sau đó buổi hội ngộ đó, một “Câu lạc bộ những người sinh ngày 30/4” đã được ra đời. Hàng năm, các anh chị trong nhóm thường gặp nhau làm tổ chức các từ thiện. Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 nên nhóm không thể tổ chức họp mặt như mọi năm nhưng mọi người vẫn luôn quan tâm và thăm hỏi nhau.

Lê Phương

Ảnh: NVCC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm