Bạn đọc viết:
“Cảm ơn các anh chị nhưng cho tôi gửi lại… chiếc phong bì”
(Dân trí) - “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” là nét đẹp tri ân của người Việt. Tết sắp đến cũng là lúc mọi người lại chộn rộn hỏi han nhau chuyện quà Tết cho thầy cô của con. Không đợi đến mùng ba như thông lệ, Tết rục rịch đến là lời xầm xì quà Tết cho thầy cô cũng đến.
Đọc bài viết “Quà Tết thầy cô: Cốt ở tấm lòng” của tác giả Hoài Nam trên báo Dân trí, tôi rất thấm thía cái nghĩa, cái lễ đối với người thầy. Tôi thích nhất là lời nhắn nhủ của tác giả: “Chuyện quà ngày Tết, nhiều khi chính người tặng do đặt quá nhiều kỳ vọng dẫn đến áp lực cho mình và cả người nhận. Từ đó, quà tặng không chỉ mất đi ý nghĩa còn trở thành một gánh nặng cho cả hai. Ở thế chủ động là người tặng quà, chính phụ huynh cần cởi trói cho mình, dạy con kính trọng thầy không đồng nghĩa với quà cáp.”
Lời gửi gắm ấy khến tôi và có lẽ nhiều người sẽ chột dạ bởi không ít lần chính mình đưa bản thân mình vào tình huống khó xử, tréo ngoe. Tôi xin kể câu chuyện của bản thân và một số phụ huynh năm ngoái đến chúc Tết thầy cô các cháu và bị trả lại… phong bì.
Các cháu học trường thành phố và lẽ thường càng ở nơi đô thị đông đúc, nhộn nhịp thì hoạt động quà cáp mỗi dịp lễ tết lại càng xôn xao, rộn ràng hơn. Tôi được bầu vào ban đại diện cha mẹ học sinh từ đầu năm học nên mọi hoạt động ở lớp đều tham gia.
Đầu năm chúng tôi đóng góp quỹ hội phụ huynh kha khá, đến mấy trăm nghìn mỗi cháu và lên kế hoạch chi rất chi tiết, trong đó không bao giờ thiếu khoản chăm lo cho giáo viên các dịp lễ lớn, đặc biệt là Ngày Nhà giáo và Tết nguyên đán.
Một số tiền đã được ấn định sẽ chi ra vào dịp Tết nguyên đán để mua quà biếu cô giáo chủ nhiệm của các cháu. Gần Tết càng lúc càng tất bật với bao nhiêu công việc cuối năm nên chúng tôi không có thời gian họp ban đại diện trực tiếp. Chúng tôi liên lạc qua điện thoại, chủ yếu là bàn luận nên mua quà gì và hẹn ngày cùng đến nhà cô giáo chúc Tết.
“Chín người mười ý”, luôn luôn là như vậy. Thật khó để thống nhất món quà tặng khi thị trường quà Tết càng lúc càng sôi động, phong phú. Cuối cùng một chị phụ huynh trong hội đưa ý kiến chỉ mua một lẵng hoa tượng trưng, còn lại sẽ bỏ phong bì toàn bộ số tiền chúc Tết.
Ban đầu ý kiến ấy không được nhận được sự đồng thuận. Bởi quà Tết bằng hiện kim, bằng tiền bạc sẽ làm mất đi phần nào ý nghĩa thiêng liêng của quà tặng. Nhưng chị phụ huynh ấy lập luận bằng nhiều lý lẽ và thuyết phục mọi người rằng: “Ai chẳng thích tiền!”. Dần dà, mọi người xuôi theo ý kiến ấy và thống nhất bỏ phong bì.
Ngày hẹn đến, năm phụ huynh trong ban đại diện đúng giờ đến nhà cô giáo của các cháu chúc Tết với lẵng hoa phong lan nhỏ. Chiếc phong bì được gói ghém đặt dưới giỏ phong lan. Cô giáo các cháu ngoài bốn mươi tuổi, giản dị tiếp chúng tôi trong căn nhà ba gian đơn sơ mà gọn gàng.
Chúng tôi trò chuyện khá vui vẻ về việc học hành của các cháu. Cô giáo khá cởi mở chia sẻ cùng chúng tôi về những quan niệm lễ nghĩa thời xưa và cả nay. Cô tâm sự đã từng là một người giáo viên đầy nhiệt tâm với học sinh được trò hết mực yêu quý. Cô cũng kể đã từng va vấp nhưng chuyện không vui trong nghề dạy học khi phụ huynh dùng tiền bạc, quà cáp để mua lòng thầy, toan tính điểm số…
Lời tâm sự của cô giáo làm chúng tôi chột dạ nghĩ đến chiếc phong bao dưới giỏ phong lan. Người giáo viên trước mặt chúng tôi đang rất vui và hạnh phúc trước sự quan tâm của phụ huynh. Cô khẳng định những món quà tinh thần, những lời chúc thật lòng mới thật sự ý nghĩa…
Và khi chúng tôi trao giỏ phong lan cùng lời chúc Tết đến cô, chiếc phong bì làm cô chú ý và biến sắc mặt. Cô mỉm cười nhưng nụ cười đã có phần gượng gạo. Cô nhẹ nhàng rút chiếc phong bi ra và nói từ tốn: “Cảm ơn các anh chị nhưng cho tôi gửi lại… chiếc phong bì. Tôi xin nhận tấm lòng của mọi người”.
Số tiền trong phong bì ấy sau đó bỏ vào quỹ hội và mỗi phụ huynh chúng tôi đều nhận ra mình đã sai trong hành động, sơ sài trong nhận thức. Ngay đến người lớn chúng ta đôi khi cũng còn đặt nặng vật chất, quà cáp thì sao dạy con trẻ biết tri ân bằng tình cảm?
Ngọc Hùng
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!