Kiên Giang:

Cấm giáo viên “đòi nợ” bảo hiểm y tế trong giờ học

(Dân trí) - “Hiện nay, việc mua bảo hiểm y tế (BHYT) là nghĩa vụ và quyền lợi của các em học sinh. Tuy nhiên, UBND huyện cấm các giáo viên không được gọi tên, nhắc nhở các em học sinh mua BHYT ngay trong giờ học” - ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết.

Tìm hiểu vấn đề mua BHYT của các em học sinh (HS) ở Phú Quốc, PV Dân trí đến một số trường trên địa bàn huyện, mới biết tỷ lệ các em HS nơi đây tham gia mua BHYT khá cao. Để có kết quả này, các giáo viên (GV), cơ quan chức năng ở huyện Phú Quốc làm rất tốt công tác tuyên truyền vận động, thay cho các biện pháp “răn đe” như nhắc nhở HS trong giờ học, hạ điểm thi đua GV chủ nhiệm...

Trao đổi với PV Dân trí xung quanh vấn đề này, ông Lê Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Quốc chia sẻ: “Đúng là công tác thu BHYT là một gánh nặng cho các GV chủ nhiệm. Tuy nhiên, mấy năm qua ban giám hiệu nhà trường chủ động tuyên truyền chính sách này ngay buổi chào cờ, buổi họp đầu tiên với phụ huynh HS. Nhờ đó, các em học sinh, phụ huynh nắm rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình khi tham gia BHYT và nói rõ việc mua BHYT là qui định của pháp luật chứ không phải của nhà trường. Tiếp đó, các GV cũng phải tích cực đôn đốc, nhắc nhở các em HS mua BHYT trong những giờ sinh hoạt ngoại khóa hoặc gặp riêng để tìm hiểu và vận động, chứ không gọi tên từng em, nhắc nhở việc đóng BHYT ngay trong giờ học”.

 
UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cấm giáo viên gọi tên, nhắc nhở học sinh đóng BHYT trong giờ học.
UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cấm giáo viên gọi tên, nhắc nhở học sinh đóng BHYT trong giờ học. Trong ảnh: Một buổi học của học sinh lớp 12 C1 Trường THPT Phú Quốc.

Theo hiệu trưởng Vân, nhờ cách làm này đến nay riêng Trường THPT Phú Quốc có tỷ lệ các em HS đóng BHYT trên 95%. Số còn lại đa phần các em có hoàn cảnh quá khó khăn và nhà trường đã lập danh sách để trình với UBND huyện.

Riêng về các khoản thu đầu năm học, hiệu trưởng Vân cũng cho biết, nhiều năm qua, nhà trường chỉ thu mỗi một khoản là tiền thuê người làm vệ sinh (khuôn viên trường và nhà vệ sinh) khoảng 5.000 - 6.000 đồng/HS/một năm học. Ngoài ra, trường không tổ chức thu thêm khoản thu nào khác.

Xung quanh vấn đề HS mua BHYT, ông Phạm Văn Nghiệp - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết: “Hiện nay việc HS mua BHYT không còn là tính tự nguyện nữa vì đã trở thành luật. Do đó, việc đầu tiên là chúng ta phải nghiêm túc chấp hành vì đã trở thành luật. Nhưng đối với huyện Phú Quốc, UBND huyện nghiêm cấm GV gọi tên, nhắc nhở các em HS mua BHYT ngay trong giờ học để đảm bảo chỉ tiêu. Vì làm điều này, các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ bị mặc cảm với bạn bè, ảnh hưởng đến việc học tập”.

Giải thích “điều cầm” này, ông Nghiệp cho biết, nhà trường, các GV cần tích cực, chú tâm vào công tác vận động, tuyên truyền chính sách này đến phụ huynh, HS để các em và phụ huynh biết đây là nghĩa vụ và quyền lợi để các phụ huynh chấp hành. Nếu làm được việc này, GV không phải trở thành người “đòi nợ” BHYT.

Riêng những trường hợp các em HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng đóng BHYT, ông Nghiệp cho biết, các trường học có trách nhiệm xác minh và lập danh sách báo cáo với huyện để huyện có phương án vận động các nhà tài trợ mua BHYT cho các em HS thuộc diện này.

Nguyễn Hành

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm