Cấm dạy thêm, học thêm: Nước mắt đã rơi!
(Dân trí) - Trước lệnh cấm dạy thêm học thêm của TPHCM, nhiều nhà giáo đã phải rơi nước mắt. Những giọt nước mắt chua cay và tủi hờn cho một quy định nhưng thật ra là cho nghiệp trồng người.
Khi đoàn khảo sát của HĐND thành phố Hồ Chí Minh về địa bàn tìm hiểu về tình hình dạy thêm học thêm, thầy Nguyễn Văn Lợi, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 đã không kìm nén được nỗi lòng. Thầy bật khóc ngay giữa cuộc họp dù lúc đó thầy vội vã ngồi xuống, quay mặt đi như không muốn ai phải nhìn thấy những giọt nước mắt.
Nước mắt của một nhà giáo trở thành tiếng cười cho không ít người. Nhiều người cho rằng ông khóc vì từ nay không được tổ chức dạy thêm, nhà trường và giáo viên mất đi một nguồn thu. Đánh giá như vậy là đã quá xem nhẹ nhà giáo. Họ khóc cho cái nghề luôn được ca tụng, vinh danh nhưng thực tế là rất bạc bẽo.
Phụ huynh có nhu cầu gửi con, còn giáo viên làm thêm ngoài giờ làm việc để kiếm thêm thu nhập cũng bị cấm một cách thô bạo. Nhất là bậc tiểu học, gọi là học thêm nhưng thật ra hầu hết các trường tổ chức các hoạt động vui chơi, năng khiếu, thể thao… vào thời gian bố mẹ chưa kịp đến đón con. Nói một cách thẳng thừng là nhà trường, giáo viên nhận giữ trẻ, như vậy vừa hỗ trợ phụ huynh, nhà giáo có thêm khoản thu nhập.
Thử hỏi, sau một ngày làm việc, có ai, có người làm ở ngành nghề nào mà không muốn vội vã về với gia đình, con cái. Giáo viên cũng là người những ông bố bà mẹ!
Thầy Nguyễn Văn Lợi có chia sẻ: “Những tâm tư của người thầy rất khó để nói ra!”.
Nước mắt rơi mà không cần phải khóc. Tại buổi làm việc giữa đoàn Ban văn hóa Xã hội, HĐND và Sở GD-ĐT TPHCM, những tâm tư trước lệnh cấm dạy thêm, học thêm đã được nhiều đại biểu, giáo viên lên tiếng thay cho thầy Lợi và rất nhiều nỗi lòng của nhà giáo.
Trước quy định cấm dạy thêm, học thêm trong trường và giải pháp ngành giáo dục đưa ra là giáo viên không được dạy học sinh chính khóa của mình trong bất cứ trường hợp nào, nếu vi phạm có thể bị kỷ luật mức cao nhất là đuổi việc, cô Nguyễn Thị Hồng Chương - hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc, huyện Bình Chánh nghẹn ngào với từng lời mình thốt ra.
Bà nói, cấm dạy thêm chẳng lẽ vì giáo viên đã làm sai hay sao? Trong khi, ở trường bà, một trường ngoại thành mà nhiều giáo viên hay bản thân bà có thừa điều kiện để chuyển về nội thành nhưng cái tình cái nghĩa sau thời gian gắn bó với học trò đã níu chân họ ở lại.
Với vai trò nhà quản lý, bà giáo Chương không muốn phải cùng chính quyền đến tận nhà giáo viên để xử lý vi phạm.
Là một đại biểu HĐND và cũng từng là một hiệu trưởng, bà Nguyễn Việt Tú bày tỏ bà rất tâm tư trước vấn đề cấm dạy thêm, học thêm trong trường học của thành phố. Nhất là nhớ lại lúc bà cầm bảng lương của giáo viên, nhân viên và cũng đã từng lên tiếng trước HĐND về lương của đội ngũ nhà giáo, nhân viên trong ngành giáo dục.
Nhà giáo mong muốn được sống, được làm thêm, được kiếm thêm bằng chính năng lực, chuyên môn của mình chẳng lẽ là một cái tội?
Bà Nguyễn Việt Tú bộc bạch: “Cần có phân biệt giữa chính những người làm giáo dục với nhau. Người làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành thì khác xa, khác rất xa với với những người làm giáo dục mang trên mình tâm huyết, tình yêu thương với học trò”.
Giáo viên đi dạy thêm vì lương thấp dễ bị “chụp mũ” ngay là đi dạy thêm vì tiền. Ngành nghề nào cũng có thể làm thêm bằng chính năng lực, chuyên môn của mình bất kể người đó giàu hay nghèo. Kể cả những giáo viên có điều kiện, gia đình khả giả, việc họ đi dạy thêm kiếm thêm thu nhập cũng là chính đáng. Chỉ sai và thiếu đạo đức khi ai đó làm mọi cách để o ép, lôi kéo học sinh đi học thêm.
Thật chua chát khi nhiều người kỳ vọng từ quy định cấm dạy thêm: Cấm dạy thêm để nhà giáo… có tâm hơn. Với những người chọn nghề giáo bằng một sự yêu mến, trân trọng, có tâm thì có dạy thêm hay cấm dạy thêm họ vẫn sẽ tâm huyết với nghề. Có chăng khó khăn hơn trong đời sống mưu sinh, nỗi lo cơm áo gạo tiền chắn chắn sẽ ảnh hưởng đến sự dốc sức cho nghề, cho học trò. Sự tổn thương làm họ đau đớn cho những tin yêu của mình.
Còn một khi người thầy đã không có tâm, đã không yêu nghề thì có dạy thêm bao nhiêu đi chăng nữa hay cấm dạy thêm tuyệt đối thì cũng chẳng thể vì thế mà họ yêu nghề, yêu học trò hơn.
Giáo viên rớt nước mắt là đang nghẹn ngào cho nghề giáo chứ không chỉ khóc cho một quy định cấm họ kiếm thêm bằng năng lực, chuyên môn của mình.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)