Cách xây dựng hồ sơ du học kết hợp mối quan tâm liên ngành

Quang Trường

(Dân trí) - Để tăng thêm tính độc đáo, thí sinh có thể kết hợp giữa kiến thức, trải nghiệm thực tế của Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, Nghệ thuật để xây dựng hồ sơ du học.

Vừa qua, hội thảo "Chiến lược xây dựng hồ sơ theo ngành học khi nộp vào đại học top đầu thế giới" được tổ chức tại Hà Nội thu hút đông đảo người quan tâm tham dự. Các thí sinh thành công đã chia sẻ về xu hướng học các ngành liên ngành, và cách xây dựng hồ sơ theo hướng này.

Thể hiện đam mê tìm hiểu sự giao thoa giữa các ngành học

Tạ Đức Minh, một học sinh trường THPT Chuyên  Hà Nội - Amsterdam đã trúng tuyển nhiều trường top đầu Mỹ như Northwestern (top 9 nhóm ĐH Quốc gia Mỹ) hay ĐH New York dự định học ngành Xã hội học, có ứng dụng Toán, thống kê vào khoa học xã hội.

Đức Minh cho biết, trái với suy nghĩ thuần túy là để học các ngành xã hội học không cần kiến thức tự nhiên, qua một số dự án ngoại khóa và tìm hiểu của mình, em đã nhận thấy mình có thể ứng dụng kiến thức Toán để lượng hóa, phân tích các vấn đề xã hội.

Em đã tham gia một dự án nghiên cứu về ảnh hưởng xã hội và hiệu quả của việc học online trong thời kỳ bệnh dịch Covid, sử dụng các phương pháp nghiên cứu như định tính, định lượng, khảo sát. Qua đó, em đã có trải nghiệm thú vị và có câu chuyện hay về kiến thức liên ngành để chia sẻ với nhà tuyển sinh.

Bạn Đức Anh trúng tuyển Đại học Rice (top 16 nhóm đại học quốc gia Mỹ) dự định học về chính sách công và các vấn đề bình đẳng giới. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, Đức Anh cũng nhấn mạnh vào việc em muốn dùng phương pháp toán học để đánh giá và lượng hóa các vấn đề xã hội.

"Nghiên cứu nào cũng cần được chứng minh rõ ràng bằng số liệu. Có những nghiên cứu em phải sử dụng những phần mềm phân tích dữ liệu trong quá trình làm".

Đức Anh chia sẻ: "Em làm các hoạt động về bình đẳng giới, tham gia thực tập ở một cơ quan chuyên đóng góp các gợi ý, chính sách cho doanh nghiệp. Em nhận thấy các chính sách dành cho doanh nghiệp do nữ lãnh đạo chưa phát triển tốt. Em đã thu thập số liệu, hỗ trợ các cô chú ở đó nghiên cứu về mảng chính sách này. Đó là cơ hội để em áp dụng cả kĩ thuật phân tích số liệu vào một ngành xã hội. Em đã thể hiện với nhà trường rằng mình có khả năng kết hợp tự nhiên với xã hội và mình đam mê thực sự với ngành nghiên cứu chính sách",

Đức Minh và Đức Anh đều nhận định, ngày càng có nhiều ngành học hay các vấn đề cần phải giải quyết cần đến kiến thức liên ngành. Các giải thích cho hiện tượng xã hội hay gợi ý chính sách đều phải dựa trên nền tảng số liệu, khoa học kĩ thuật cao. Đầu tư cho môn Toán hay kỹ thuật sẽ giúp công việc ở lĩnh vực xã hội hiệu quả hơn.

Bạn Dương Hà Anh, nữ sinh trúng tuyển ĐH Brown (Ivy League) và ĐH Wellesley (top 4 Nhóm ĐH khai phóng Mỹ) cho biết em đã chọn kết hợp giữa đam mê mĩ thuật và kinh tế học.

Cách xây dựng hồ sơ du học kết hợp mối quan tâm liên ngành - 1

Hội thảo thu hút đông đảo người quan tâm là các bậc phụ huynh, học sinh tham dự.

Hà Anh thích vẽ từ nhỏ và đã tham gia nhiều dự án, câu lạc bộ trong vai trò trưởng ban thiết kế. Khi du học United World College ở Trung Quốc, Hà Anh được tiếp xúc với kinh tế học và rất thích tìm hiểu về cách vận hành của nền kinh tế.

Em mong muốn học kết hợp 2 môn này khi du học đại học tại Mỹ. Em đã thể hiện đam mê liên ngành này trong "resume" cũng như các bài luận phụ của mình gửi tới hội đồng tuyển sinh.

Kết hợp liên ngành và giáo dục khai phóng làm tăng cơ hội thực tập và xin việc cho ngành Khoa học xã hội

Không ít thí sinh, phụ huynh học sinh lo lắng về khả năng xin thực tập, việc làm khi các em yêu thích các ngành học xã hội. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thấu đáo về xu hướng liên ngành trong cả học tập và xin việc làm sau này, bạn Quốc Nguyên (trúng tuyển ĐH Columbia, University of Pennsylvania và ĐH Johns Hopkins) dự định du học ngành Đông Á học.

Quốc Nguyên cho rằng, nhóm ngành KHXH nếu kết hợp với nền tảng toán và phân tích đang ngày càng mở ra nhiều cơ hội hơn. Em cũng rất tự tin với nền tảng giáo dục khai phóng vốn tập trung vào kiến thức liên ngành ở ĐH Columbia sẽ cho em kiến thức toàn diện về nhiều mặt để theo đuổi cơ hội nghề nghiệp trong nhiều ngành khác nhau.

Tương tự, bạn Hà Linh, (trúng tuyển các trường ĐH Rochester, Yale NUS, Grinnell, Colby) dự định học về khoa học xã hội ở ĐH Yale NUS vì thực sự hứng thú với nền tảng khai phóng của trường. Hà Linh cho rằng nền tảng đa ngành mà giáo dục khai phóng của Yale NUS mang lại hoàn toàn chuẩn bị cho em rất tốt để theo đuổi các công việc trong mảng chính sách, tư vấn chiến lược thậm chí cả quản trị kinh doanh.

Các em cũng tin rằng mình hoàn toàn có thể chọn học kết hợp thêm một số môn có yếu tố công nghệ để có các công cụ làm việc tốt và nền tảng để giải quyết nhiều vấn đề xã hội, thích ứng với thời đại công nghệ số.

Vòng phỏng vấn: Nhớ trang bị kiến thức sâu sắc về mảng mình yêu thích 

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm phỏng vấn, Đức Anh và Hà Linh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện kiến thức sâu sắc về mảng mà mình theo đuổi với nhà tuyển sinh.

"Ở một số trường, ví dụ như Rice, học sinh sẽ được phỏng vấn bởi các cựu học sinh của trường có chung sở thích với mình.

Trường sẽ đọc hồ sơ và cố gắng chọn những cựu học sinh cùng sở thích ngành nghề phỏng vấn mình. Để trả lời tốt trước họ thì quan trọng nhất là phải thể hiện rằng mình thực sự đam mê ngành đó. Với những người cùng đam mê, họ không khó để nhận ra người không thực sự đam mê, không đi sâu nghiên cứu, không có hiểu biết hay suy nghĩ riêng về ngành.

Nên dành nhiều thời gian để tìm hiểu, đảm bảo mình có nhiều câu chuyện hay để thể hiện đam mê với người phỏng vấn", Đức Anh lưu ý.

Bạn Hà Linh chia sẻ cách xây dựng nền tảng kiến thức để tự tin hơn trong các buổi phỏng vấn. Vì yêu thích các vấn đề thời sự, xã hội, em tham gia rất nhiều các chương trình mô phỏng Liên Hợp Quốc (MUN), để hiểu về cách Liên Hiệp Quốc vận hành và các vấn đề thời sự. Bạn còn rất chủ động tham gia các chương trình có tính quốc tế cao, cho dù các chương trình này là online vì yếu tố dịch Covid.

"Ví dụ, hè vừa qua em tham gia một chương trình nghiên cứu trực tuyến. Em đã được hướng dẫn bởi các Giáo sư và nộp báo cáo nghiên cứu. Chủ đề em tìm hiểu liên quan đến Covid -19 và tác động lên tình hình kinh tế chính trị thế giới.

Đây là cách em đã thể hiện rằng mình thực sự quan tâm tới ngành học dự kiến của mình", Hà Linh chia sẻ kinh nghiệm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm