Cách nhận biết mình là ai
(Dân trí) - Tất cả mỗi chúng ta đều độc nhất vô nhị. Những khác biệt về thề chất thì đã quá rõ rồi, còn những khác biệt về tinh thần thì sao? Chúng ta còn khác nhau như thế nào nữa? Điều gì ở tính cách của ta làm ta trở nên khác biệt?
Những câu hỏi này đã được tác giả Philip Miller đặt ra ở phần đầu cuốn sách “Khám phá ngôn ngữ tư duy” (NXB Tổng hợp TPHCM). Ngay sau đó, ông gợi ý rằng, để hiểu hơn về tính cách của mình và của người khác, chúng ta có thể xem xét "bản đồ tính cách" (personality map - khái niệm được sử dụng bởi Reg Conolly, chuyên gia đào tạo NLP của tổ chức Pegasus NLP). Một cách hiệu quả để suy nghĩ về điều này là hãy tưởng tượng ra hình ảnh một củ hành có nhiều lớp. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta giống như một củ hành - càng biết thêm về ai đó, bạn càng tiến sâu hơn vào các lớp bản chất của họ.
Theo chuyên gia huấn luyện NLP Philip Miller, “củ hành” đặc biệt này có sáu lớp, đi từ ngoài vào trong, gồm: Môi trường, Hành vi, Năng lực, Niềm tin và các giá trị, Đặc điểm nhân dạng, Mục đích.
Hai lớp ngoài cùng là những gì bạn có thể quan sát được bằng vẻ ngoài của con người, và bằng những gì họ nói và làm.
Còn bốn lớp bên trong là những gì nằm dưới bề mặt và bạn sẽ dần biết theo thời gian, và biết nhiều hơn bằng cách suy luận.
Một hình ảnh so sánh tương tự là hai lớp ngoài cùng giống như phần của tảng băng mà bạn có thể thật sự nhìn thấy được, và bốn lớp còn lại là phần của tảng băng mà bạn không thể nhìn thấy, ẩn bên dưới bề mặt.
Ngoài ra, ba lớp đầu tiên còn được xem là liên quan đến cái đầu hoặc trí óc, là những lĩnh vực thể hiện ra bên ngoài; trong khi ba lớp còn lại là những lớp ở bên trong, liên quan đến trái tim, phần nội tâm, là lĩnh vực cá nhân.
1. Lớp đầu tiên - Môi trường
Môi trường là yếu tố bên ngoài, có liên quan đến những chi tiết thực tế về bối cảnh của bạn: bạn đang ở đâu, với ai, và khía cạnh thời gian nào quan trọng.
2. Lớp thứ hai - Hành vi
Hành vi là những gì bạn thật sự nói và làm.
3. Lớp thứ ba - Năng lực
Năng lực là những điều hết sức cụ thể: đó là các kỹ năng, kiến thức và năng khiếu. Năng lực cũng là những việc bạn làm tốt và đam mê, ngay cả những điều bạn không thật sự tự hào.
4. Lớp thứ tư - Niềm tin và các giá trị
Niềm tin và các giá trị là những yếu tố nền tảng dẫn dắt cuộc sống của bạn. Nó giống như lõi bên trong của một lò phản ứng, đây là những điều có ý nghĩa quan trọng đối với bạn, hướng bạn đạt đến một tầng nấc sâu sắc.
5. Lớp thứ năm - Đặc điểm nhân dạng
Đặc điểm nhân dạng nghĩa là hiểu được thật sự con người bạn ở sâu bên trong. Nhiều người đi qua cuộc đời mình mà không từng thật sự đặt ra câu hỏi “Tôi là ai?”, trong khi hiểu biết này có thể giúp bạn thoát khỏi bế tắc trước quyết định theo đuổi một hướng đi mới.
6. Lớp thứ sáu - Mục đích
"Ý nghĩa cuộc sống?", “Mục đích trong đời tôi là gì?” là câu hỏi lớn mà hầu hết mọi người không bao giờ hỏi mình. Tầm nhìn cuộc đời bạn là gì? Đây là lớp vỏ sâu nhất, và là điều bạn có thể không bao giờ chia sẻ với người khác.
Theo tác giả Philip Miller, bạn có thể nhìn và nghe thấy các hệ quả từ hành vi của ai đó diễn ra trong một môi trường cụ thể. Bạn có thể khám phá ra năng lực của họ qua việc giao tiếp thông thường: “Bạn đã học khiêu vũ như thế nào?”... Còn niềm tin và các giá trị thì phức tạp hơn và bạn cần có thời gian trước khi biết người đó đủ lâu để hỏi "Vì sao bạn lại thích khiêu vũ?”, “Vì sao khiêu vũ lại quan trọng đối với bạn?”. Còn về đặc điểm nhân dạng của một người, bạn phải mất cả đời mới khám phá được.
Chuyên gia huấn luyện NLP Philip Miller cho rằng, hầu hết chúng ta đều chỉ loanh quanh với cuộc sống và công việc. Chúng ta chỉ nghĩ đến ba “lớp vỏ” bên ngoài - môi trường, hành vi và năng lực, ít khi nghĩ về các “lớp vỏ” bên trong và thật sự tự vấn bản thân vì sao chúng ta lại đang làm những gì chúng ta làm.
Theo tác giả Philip Miller, nếu bạn muốn thay đổi, việc hiều được “bản đồ tính cách” của chính mình là bước khởi đầu lý tưởng. Theo đó, bạn từ từ và cẩn thận tìm hiều từng “lớp vỏ” của mình. Và bạn cũng có thể sử dụng cách này để giúp mọi người nhận biết họ là ai và họ thật sự muốn làm gì với cuộc đời họ.
Xuân Vũ