Cách "chữa bệnh" vô cảm cho học sinh
(Dân trí) - Dưới góc độ khoa học tâm lý, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Văn Công (Đồng Nai) đã phân tích về thực trạng, nguyên nhân và giải pháp về vấn đề bạo lực học đường hiện nay, đó chính là sự vô cảm của các em trước sự việc diễn ra.
Mất cảm xúc trước nỗi đau của người khác
Dửng dưng, thờ ơ, lãnh cảm trước nỗi đau của người khác là những biểu hiện chúng ta thường nhận thấy nhất ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Không ít lần bạn từng quan sát một số học sinh hiếu kỳ trước một vụ tai nạn giao thông, các em đứng xem lấy làm lạ, có bạn thì cười đùa, tỏ vẻ thích thú, có bạn thì cầm máy điện thoại để quay lại...không hề chung tay giúp đỡ người bị nạn. Hay các clip đánh nhau của học sinh thường xuyên xuất hiện trên mạng, các em xung quanh còn cổ vũ, hò hét, kích động người trong cuộc, có em thì dùng máy quay tung lên mạng rồi bình phẩm, khen chê…
Hội chứng này trở thành “thói quen” của một số bạn trẻ nhất là ở khu vực thành thị hiện nay, trong đó có rất nhiều học sinh đang độ tuổi đến trường. Phải chăng tâm hồn của một số bạn trẻ dường bị “mất cảm xúc”.
Đặc biệt, trước thời đại thông tin mạng phát triển mạnh mẽ, các em có điều kiện để trao đổi thông tin, chia sẻ, kết nối bạn bè. Song, mặt trái của nó đã làm cho đời sống tâm hồn của các em trở nên nghèo nàn, khô khan. Các em cũng chẳng quan tâm đến ai thậm chí trong chính gia đình của mình, suốt ngày dán vào Facebook, Zalo…không quan tâm nhiều đến những gì xảy ra xung quanh mình.
Không chỉ vô cảm với người khác mà hiện nay một bộ phận giới trẻ còn vô cảm với chính bản thân mình. Các em không cảm nhận được thế nào là đồng cảm, không biết giá trị của yêu, ghét, giận hờn...tất cả điều trở thành “trơ lỳ”, thậm chí trong gia đình trẻ cũng không biết cảm nhận từ tình yêu thương cha mẹ, anh chị em ruột của mình.
Vô cảm từ gia đình…
Gia đình là nền tảng, là nơi đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Tuy nhiên, hiện nay ở một số gia đình không biết giáo dục con cái về sự chia sẻ, về tình yêu thương, sự quý trọng những giá trị vật chất lẫn tinh thần. Từ nhỏ các em được chiều chuộng quá mức, cha mẹ đáp ứng quá đầy đủ những nhu cầu vật chất mà thiếu hụt về tình cảm dẫn đến các em không cảm nhận được sự thiến thốn hay nỗi đau khổ từ người khác.
Một số gia đình, cha mẹ cứ đi làm cả ngày tối về, thậm chí có gia đình cha mẹ đi làm cả tuần, cả tháng, con cái giao cho người giúp việc hoặc trường lớp. Ở nhà thì đóng kín cửa, không cho con giao tiếp với những người xung quanh, dẫn đến một số trẻ hình thành tâm lý “đèn nhà ai nhà đấy tỏ”, chẳng cần quan tâm đến những người xung quanh, khi “tối lửa tắt đèn” cũng mặc kệ...
Một số cha mẹ thường lại hay đánh đập con cái thường xuyên, trong gia đình cha mẹ hay xảy ra xung đột thì trẻ càng có nhiều nguy cơ nảy sinh sự vô cảm.
Theo giảng viên tâm lý Ths Bùi Minh Đức (Học viện Chính trị) cho biết: “Nếu như cha mẹ hay đánh đập con cái thường xuyên đến một thời điểm nhất định chúng sẽ trơ lỳ, hay nói đúng hơn là mất cảm xúc, đòn roi chẳng còn ý nghĩa với chúng, không biết sợ sệt và như vậy trẻ cũng dễ dàng vô cảm với các trường hợp tương tự”.
… tới giáo dục học sinh lỏng lẻo
Việc quản lý, giáo dục học sinh lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng vô cảm. Một số nhà trường vẫn giáo dục kiểu tự do, để các em mặc sức hoành hành thành lập băng nhóm, bè phái....dễ dẫn đến hiện tượng “lây lan tâm lý”.
Có thể ở nhà các em ngoãn nhưng khi đến trường cùng bè phái rất dễ tập nhiễm thói quen của đám đông và ảnh hưởng tâm lý của đám đông, qua đoạn clip trên chúng ta cũng có thể nhận ra điều đó, chứng tỏ sự quản lý, giáo dục của nhà trường còn ở mức độ lỏng lẻo nhất định.
Ngoài ra, việc giáo dục các bài học đạo đức cho học sinh, nhất là những nội dung của môn giáo dục công dân cần phải rà soát lại, đa số các em học sinh phổ thông xem môn học này chỉ là môn phụ, giáo viên chủ yếu dạy bằng lý thuyết khô khan mà chưa biến nội dung thành các kỹ năng về lối sống, nếp sống, cách ứng xử giữa người với người. Ở các môn học khác giáo viên chỉ chủ yếu truyền đạt kiến thức mà thiếu việc hình thành những phẩm chất nhân cách cần thiết cho các em.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các tổ chức xã hội cũng như các như các nhà tư vấn chưa được phát huy. Hiện nay các tổ chức xã hội như đoàn thanh niên, các trung tâm tham vấn tâm lý học đường giúp các em giải tỏa những bức xúc, các tình huống phức tạp nảy sinh ở nước ta còn rất ít, đồng thời hiệu quả hoạt động còn thấp.
Ngoài ra các phương tiện truyền thông trong việc tuyên truyền giáo dục lối sống, nếp sống đẹp của giới trẻ vẫn chưa thường xuyên liên tục, chính các phương tiện này cũng là một cách thức giáo dục khá hiệu quả nhưng lại chưa được đáp ứng kịp thời.
Tạo điều kiện để giúp các em học sinh được trải nghiệm cuộc sống
Trong gia đình, ngay từ những năm đầu đời cha mẹ cần giáo dục cho con trẻ tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông với những người xung quanh.
Không nên cấm đoán con cái, hãy để cho con phát triển đời sống tình cảm thông qua các hoạt động và giao lưu, đồng thời cũng đáp ứng vừa phải các nhu cầu vật chất mà làm giàu thêm đời sống tình cảm của con trẻ, nên kiểm soát và điều chỉnh những thái độ và hành vi ứng xử của con khi chúng có biểu hiện thờ ơ, lãnh cảm khi quan hệ giao tiếp.
Trong mọi trường hợp không nên xung đột trước mặt con trẻ cũng như không nên đánh con, bởi lòng bao dung của con người bao giờ cũng được hình thành một cách bền vững nhất trên cơ sở tình thương yêu và trách nhiệm của gia đình.
Về phía nhà trường, từ việc quản lý giáo dục cần hướng trẻ hình thành những phẩm chất nhân cách cần thiết, đi đôi với dạy chữ là dạy người. Không chỉ riêng môn giáo dục công dân mà ở tất cả các môn học khác cần giúp các em hiểu biết cũng như cách ứng xử trong quan hệ người với người, biết chia sẻ những khó khăn, biết đồng cảm với những nỗi đau của người khác...
Tạo điều kiện để giúp các em học sinh được trải nghiệm cuộc sống, được thể hiện sự đồng cảm với những người có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trại dưỡng lão, trẻ khuyết tật…). Hướng dẫn giúp các em có được những kỹ năng sống cơ bản nhất là kỹ năng làm chủ cảm xúc, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng bảo vệ an toàn cho người khác và bản thân mình…
Các tổ chức xã hội, các phương tiện truyền thông cũng cần phát huy tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục nhằm chia sẻ những khó khăn, những bức xúc trong đời sống học trò, nhất là trong mối quan hệ giữa các em học sinh với nhau.
Thành lập nhiều hơn các trung tâm tham vấn tâm lý học đường, các nhà tư vấn tâm lý phải thực sự như là người bạn, người anh, người chị để giúp đỡ các em nhận thấy sự vô cảm với người khác là thái độ vi phạm đạo đức, không thể chấp nhận được, đồng thời hãy giúp các em biết các kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp ở môi trường học đường.
Ths Nguyễn Văn Công (Đồng Nai).