Các trường ĐH khủng hoảng thiếu tiến sĩ

Các trường đại học hiện đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ. Vì thế, để đáp ứng quy mô, sức ép cạnh tranh và tiêu chí xếp hạng, các trường phải tăng nhanh tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Mới đây, trang web Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thông báo tuyển dụng giảng viên có học vị tiến sĩ giảng dạy ở 22 chuyên ngành... Điểm đặc biệt ở thông báo này là thời gian tuyển không giới hạn.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Thái Bá Cần, hiệu trưởng nhà trường giải thích: Trường đưa thông báo lên mạng để đông đảo người được biết và tiện liên hệ. Ngoài ra, trường còn có đợt tuyển dụng giảng viên định kỳ trong năm.

Thông báo cũng cho thấy sự ưu ái của trường đối với ứng viên có học vị tiến sĩ: “Ứng viên không cần qua vòng thi tuyển mà chỉ cần qua vòng phỏng vấn trực tiếp của hiệu trưởng. Nếu cá nhân có nhu cầu, nhà trường sẽ xem xét bố trí việc làm cho vợ (hoặc chồng) tiếp nhận về trường”.

Năm 2006, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cũng tuyển dụng giảng viên giảng dạy trên 10 ngành đào tạo với điều kiện có bằng thạc sĩ trở lên. Đối với người có học vị tiến sĩ, trường tuyển cả người đã nghỉ hưu, tuổi dưới 65, có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh.

Là đơn vị có đội ngũ giảng viên khá hùng hậu nhưng Đại học Quốc gia TPHCM cũng đề ra chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt là cán bộ giảng dạy và thực hiện một cách mạnh mẽ.

Từ năm học 2006 - 2007, Đại học Quốc gia TPHCM tăng cường tuyển dụng các tiến sĩ được đào tạo từ nước ngoài về bằng việc thông báo tuyển dụng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sức ép nhiều phía

Tỉ lệ tiến sĩ mới đạt 12,43%

 

Năm 2006, số lượng giảng viên đại học, cao đẳng cả nước là 48.579 người.

 

Trong đó, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học là 12,43%, có trình độ thạc sĩ là 32,26%, trong khi quy định mục tiêu cần đạt được đến năm 2010 là 25% giảng viên có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và 40% có trình độ thạc sĩ.

 

Yêu cầu đặt ra cho các trường đại học là phấn đấu 100% giảng viên đứng lớp có trình độ thạc sĩ trở lên vào năm 2010 và 100% có trình độ tiến sĩ vào năm 2015.

 

(Nguồn: Báo cáo hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học các trường ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT tháng 8/2006)

Ở các nước trên thế giới, giảng viên đại học phải có học vị tiến sĩ, nếu là thạc sĩ thì chỉ trợ giảng hoặc giảng dạy các môn phụ. Ở ta, thời gian qua do số lượng sinh viên tăng nhanh, trường đại học thành lập nhiều nên không ít trường đại học đã tuyển cả người chỉ có bằng cử nhân để đứng lớp.

Theo thống kê, giảng viên đại học, cao đẳng có trình độ cử nhân, kỹ sư lên đến 55%. Hiện các trường đại học đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu giảng viên có trình độ tiến sĩ. Đây quả là một thách thức lớn trong thời kỳ hội nhập.

Các trường cũng nhận thấy rằng, đã đến lúc cạnh tranh bằng việc có đội ngũ giảng viên có chất lượng cao. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT cũng đang chuẩn bị kế hoạch xếp hạng các trường mà số lượng và chất lượng giảng viên là một tiêu chí. Đây cũng là một sức ép buộc các trường phải có chiến lược nhằm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên.

Trường Đại học Nông Lâm TPHCM phấn đấu đến năm 2010 đạt 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên. Đại học Quốc gia TPHCM phấn đấu đến năm 2010 đạt 100% giảng viên lên lớp có trình độ sau đại học, trong đó không dưới 50% là tiến sĩ...

Không phải dễ

Không phải mới đây Đại học Quốc gia TPHCM mới có chiến lược này, trong 5 năm (2001 - 2005) đơn vị này đã đề ra hẳn chiến lược xây dựng đội ngũ với chỉ tiêu số cán bộ giảng dạy có trình độ trên ĐH đạt tỉ lệ 80%, trong đó 40% có trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Một nguyên nhân là cán bộ giảng dạy được tuyển từ sinh viên mới tốt nghiệp chiếm số lượng nhiều, phần lớn đang được đào tạo sau đại học. Mặt khác, dù đã có những quy định về ưu đãi nhưng hiện nay Đại học Quốc gia TPHCM vẫn chưa tạo ra được một môi trường có tính cạnh tranh mạnh để thu hút cán bộ có trình độ cao về làm việc.

Ở trường công lập thì như vậy, trường ngoài công lập càng vất vả hơn khi tuyển chọn giảng viên có trình độ tiến sĩ.

Ngày 11/1, trong buổi làm việc với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tại TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh cần sớm chấm dứt tình trạng cử nhân dạy cử nhân ở các trường đại học và sẽ xếp hạng các trường, trong đó có tiêu chí về giảng viên để các trường phấn đấu.

Theo Hạnh Vân
Người Lao Động